Tôi không muốn giáo dục Việt Nam đánh mất đi một cơ hội!

GD&TĐ - Biết đến VNEN qua báo chí, tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng vào giảng dạy, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - đã lên tiếng bảo vệ mô hình này trước các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục tại một hội thảo lớn do Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng tổ chức mới đây.

Tôi không muốn giáo dục Việt Nam đánh mất đi một cơ hội!

Với tâm huyết, đam mê, mô hình mới do cô Thảo tự mày mò áp dụng và áp dụng có hiệu quả chỉ đơn thuần vì muốn đem lại những điều tốt đẹp cho học sinh của mình.

"Tôi không muốn đánh mất một cơ hội cho giáo dục Việt Nam thực sự phát triển. Thực tế hiện nay, vẫn có không ít học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không biết giao tiếp, trình bày, không biết tương tác, làm việc nhóm. Mô hình VNEN đã giải quyết vấn đề đó" - cô Huyền Thảo khẳng định.

Tuy nhiên, để dạy tốt VNEN không dễ, bởi theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, mô hình này đòi hỏi khá nhiều từ giáo viên: phải có nền tảng kiến thức rộng; biết hướng dẫn học sinh, nắm bắt được tâm lý học sinh và đặc biệt cần giáo viên trải nghiệm rất nhiều, nắm vững phương pháp; tận tâm, yêu nghề.

Đơn cử, nếu giáo viên không trải nghiệm việc đọc sách thì làm sao có thể dạy học sinh đọc sách như thế nào và khi đọc sách cần phản biện ra sao. Nếu giáo viên không nắm bắt được học sinh của mình sẽ không định hướng được học sinh phải nói ra sao, trình bày thế nào?...

Chia sẻ về việc có giáo viên và học sinh không đồng thuận với VNEN, cô Huyền Thảo cho rằng, những đòi hỏi cao với giáo viên như trên cũng là một lý do. Với phụ huynh, nhiều người quan tâm đến việc hôm nay học ghi chép được gì mà ít quan tâm hôm nay lên lớp, con đã trình bày gì, tương tác với bạn ra sao, các bạn đã hỗ trợ con như thế nào để có thể trình bày được như vậy.

"Điều quan trọng nhất để triển khai thành công mô hình này là giáo viên. Với VNEN, việc đầu tiên giáo viên không phải là người áp đặt, đưa ra suy nghĩ mà chỉ đóng vai trò là một người dẫn dắt.

Ví dụ, để chuẩn bị cho bài học ngày hôm sau, tôi sẽ đưa ra hệ thống câu hỏi cho học sinh. Học sinh chuẩn bị câu hỏi để hôm sau lên trình bày, bộc lộ, giải quyết vấn đề giáo viên đặt ra. Làm như vậy, giáo viên phải đầu tư suy nghĩ đặt vấn đề như thế nào, đặt câu hỏi ra sao" - cô Huyền Thảo chia sẻ.

Để hỗ trợ giáo viên làm tốt nhất công việc của mình, cô Huyền Thảo cho rằng, bên cạnh nỗ lực của chính bản thân họ, đam mê, yêu nghề, tìm tòi, sáng tạo, giáo viên cần được giảm áp lực về thời gian làm việc, sổ sách, các thủ tục hành chính.

"Tôi cho rằng, nếu các thầy cô tận tâm với nghề, yêu học sinh sẽ mong muốn học sinh của mình trở thành những công dân phát triển toàn diện, có đủ năng lực, phẩm chất. Đừng chỉ quá chủ trọng đến kiến thức, vì sau này lớn lên các em tự học được.

Quan trọng nhất là học sinh hiểu được điểm mạnh của mình là gì, có năng lực gì, biết tương tác, biết bộc lộ bản thân, biết diễn đạt,... Tôi chỉ mong giáo viên hiểu được điều đó và cố gắng làm vì điều đó" - cô Huyền Thảo cho hay.

"Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT đã đi đúng và đây là xu thế chung toàn cầu. Các bạn đến trường quốc tế, người ta đang dạy như vậy.

Tôi may mắn được cộng tác với một số trường quốc tế, tôi thấy rõ ràng học sinh đâu có ngồi im, nếu học sinh chỉ ngồi im thì không còn là mô hình giáo dục hiện đại nữa"
- cô Nguyễn Thị Huyền Thảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.