Tìm hướng đi riêng trong xây dựng điển hình dạy học Ngoại ngữ

GD&TĐ - Là 1 trong 12 cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn xây dựng thành đơn vị điển hình về dạy học Ngoại ngữ, Trường ĐH Đồng Tháp chọn hướng đi riêng, đó là chú trọng xây dựng môi trường dạy học Ngoại ngữ đa dạng.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ học Ngoại ngữ tại phòng Lab
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ học Ngoại ngữ tại phòng Lab

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bản – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - đã chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại về nội dung này.

Hiện nay, đảm bảo thực hiện được mục tiêu về dạy học Ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ 2020 là vấn đề không đơn giản, ngay cả đối với những trường ĐH tại các thành phố lớn. Không có lợi thế về điều này vì đóng trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, Trường ĐH Đồng Tháp có giải pháp gì để tạo hướng đi riêng cho mình?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bản – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp  

- Đối với việc dạy và học Ngoại ngữ, hiện nay, Trường ĐH Đồng Tháp đặt mục tiêu hướng tới đổi mới hình thức, nội dung dạy học; tạo ra môi trường học Ngoại ngữ đa dạng; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị và các phần mềm dạy học; thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy. Đối với sinh viên không chuyên ngữ và chuyên ngữ, cũng đạt được năng lực theo chuẩn đầu ra mà Bộ GD&ĐT quy định.

Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường đã thống nhất tập trung vào 5 nhiệm vụ và giải pháp.

Giải pháp đầu tiên liên quan đến công tác đào tạo cán bộ quản lý, giảng viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ. Giảng viên chuyên ngữ của nhà trường hiện nay đều đã đạt bậc 5/6, mục tiêu hướng tới là phải đạt 6/6. Với giảng viên không chuyên ngữ có dạy môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, phải đạt trình độ bậc 4. Những giảng viên còn lại phải đạt bậc 3.

Thực hiện đổi mới công tác quản lý có cơ chế quản lý và đối tượng được quản lý. Cơ chế quản lý của nhà trường phải tạo thành hệ thống từ trên xuống và đồng bộ. 

Trường ĐH Đồng Tháp sẽ củng cố lại Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và tăng cường cán bộ làm đầu mối cho Ban chỉ đạo đến liên hệ thường xuyên với Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia để nắm bắt thông tin và các nhiệm vụ Đề án giao cho Trường triển khai.

Thứ hai: Truờng phải tổ chức, tạo ra môi trường học Ngoại ngữ đa dạng, không chỉ học dạy trong lớp học như hiện nay mà phải tổ chức môi trường dạy học ngoại ngữ đa dạng như.

Có thể là tổ chức hội thảo theo các chuyên đề, chủ đề như: Đổi mới phương pháp dạy của giảng viên, đổi mới phương pháp học của sinh viên, tổ chức giao lưu sinh viên của truờng với sinh viên tình nguyện nước ngoài.

Ngoài ra, đẩy mạnh các câu lạc bộ tiếng Anh hoặc tổ chức gala, cuộc thi Olympic, hung biện bằng tiếng Anh…

Thứ ba: Tập trung đổi mới phương pháp dạy và học. Trong đó, có tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học Ngoại ngữ, tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học bằng giáo trình kết hợp với các phần mềm…

Thứ tư: Tập trung khai thác cơ sở vật chất thiết bị dạy học hiệu quả. Hiện nay, nhà trường đã có 2 phòng học đa năng, mỗi phòng có 40 máy tính; 3 phòng dành riêng cho học Ngoại ngữ cũng với 40 máy tính mỗi phòng có kết nối internet. Các phần mềm triển khai học Ngoại ngữ, nhà trường cũng sẽ tận dụng để dạy học hiệu quả.

Thứ năm: Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học Ngoại ngữ theo đúng chuẩn đầu ra. Trong đó, có những nhiệm vụ như: Tổ chức bồi dưỡng các chuyên gia làm công tác kiểm tra đánh giá; thực hiện sử dụng ngân hàng đề thi của Đề án Ngoại ngữ 2020…

Đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ là đầu mối để hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong khu vực về việc tổ chức dạy và học Ngoại ngữ để nhân rộng mô hình dạy học Ngoại ngữ của nhà trường lan tỏa sang các truờng ĐH khác. Đây cũng là nhiệm vụ mà Đề án Ngoại ngữ 2020 giao cho nhà trường.

Trong số 5 nhiệm vụ nói trên, đâu sẽ là điểm nhấn được trường đặc biệt chú trọng, thưa ông?

- Trường ĐH Đồng Tháp sẽ lấy nhiệm vụ tổ chức môi truờng dạy học Ngoạii ngữ là trọng tâm, vì nó liên quan đến hai nhiệm vụ cơ bản mà năm 2015 trường được Bộ GD&ĐT giao thực hiện.

"Mới đây, Ban thường trực Ban quản lý đề Đề án 2020 đã cử đoàn công tác về làm việc với truờng và đánh giá cao thành tựu trường đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cũng như công tác dạy học Ngoại ngữ cho sinh viên.

Đoàn công tác nhấn mạnh, Trường ĐH Đồng Tháp cần phát huy vai trò của đơn vị điển hình để giúp đỡ, hỗ trợ các trường ĐH, CĐ trong khu vực về bồi dưỡng giáo viên và về đổi mới phương pháp dạy học Ngoại ngữ cho sinh viên" - ông Nguyễn Văn Bản.

Đó là: Sẽ tổ chức mô hình dạy học Ngoại ngữ cộng đồng. Bản chất của mô hình này cũng là hướng tới tạo ra môi trường học Ngoại ngữ đa dạng để đạt được hiệu quả, không bó hẹp trong lớp học như thời gian vừa qua.

Để thực hiện, nhà trường đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, điều chỉnh lại chương trình dạy và học; tăngt cường hướng dẫn sinh viên sử dụng các giáo trình kết hợp với các phần mềm.

Nhiệm vụ thứ hai là truờng phải thực hiện khảo sát đánh giá chuẩn đầu ra về chuẩn Ngoại ngữ cho sinh viên các truờng ĐH, CĐ khu vực phía Nam. Trong đó có 2 nhiệm vụ cơ bản là: 

Triển khai công tác khảo sát chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ của tất cả các truờng ĐH, CĐ trong khu vực; tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về các giải pháp và lộ trình thực hiện chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ của sinh viên các truờng DH, CĐ khu vực phía nam đến 2020.

Khách quan có thể thấy rằng, việc xây dựng được môi trường dạy học Ngoại ngữ đa dạng ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn không hề dễ dàng. Vậy, giải pháp của Trường ĐH Đồng Tháp là gì?

- Đúng là trên thực tế, việc tạo cho sinh viên môi trường được giao tiếp với người nước ngoài ở Đồng Tháp khá khó khăn. Một phần do việc đi lại khó khăn, phần do chính sách của địa phương trong việc xin visa cho chuyên gia nước ngoài.

Do đó, nhà trường phải chủ động bằng nhiều nguồn. Ví dụ như, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, sử dụng nguồn sinh viên tình nguyện của các nước, qua Hội đồng Anh, qua tổ chức Fulbright…, hay do Đề án Ngoại ngữ 2020 giới thiệu…

Trường cũng mời được giảng viên, tình nguyện viên làm việc trực tiếp tại trường trong khoảng thời gian khá dài, lâu nhất có thể lên tới 6 tháng.

Với những đội ngũ này, nhà trường không chỉ nhờ họ giúp trong giảng dạy Ngoại ngữ mà còn mời tham gia tổ chức các câu lạc bộ Ngoại ngữ cho sinh viên tham gia. Đó chính là tạo ra môi trường tiếng Anh cho sinh viên.

Bên cạnh đó, các khoa trong trường cũng đã phối hợp với khoa Ngoại ngữ tổ chức câu lạc bộ cho sinh viên nói tiếng Anh. Làm tốt việc này có thể kể đến khoa Tài nguyên môi trường, khoa Kinh tế…

Về phía Trường ĐH Đồng Tháp, đã phối hợp với các tổ chức khác, như Đề án Ngoại ngữ 2020 …, tổ chức các hội thảo về đổi mới dạy và học Ngoại ngữ. Bản thân các khoa trong trường cũng tự tổ chức các hội thảo chuyên đề bàn về vấn đề này.

Cuối cùng, ông có thể chia sẻ một số kết quả chủ yếu trong triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 mà trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ từ năm 2011?

- Nói riêng về kết quả triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020, có thể nói, trong vài năm triển khai, nhà trường đã thực hiện bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học, THCS và THPT của 6 tỉnh phía Bắc sông Tiền, gồm: Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre theo nhiệm vụ và ngân sách Bộ GD&ĐT giao hàng năm. Sau khảo sát, đánh giá - do Trường ĐH Cần Thơ thực hiện – cho thấy kết quả rất tốt.

Ngoài kết quả về thực hiện bồi dưỡng, Trường ĐH Đồng Tháp còn liên kết hợp tác với các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau để mở thêm các lớp bồi dưỡng về nâng cao năng lực ngôn ngữ bậc 3 và bậc 4 cho cán bộ và giáo viên của các địa phương này bằng nguồn kinh phí của địa phương.

Trường cũng đã trang bị các phần mềm học tập cho sinh viên; tận dụng nguồn kinh phí của Đề án trang bị các phòng học Ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn. 

Đến nay đã có 5 phòng đạt chuẩn, sinh viên có thể học trực tuyến tại phòng. Hiện, sinh viên chuyên Ngữ của trường đang học trực tuyến tuần 2 buổi với giáo sư của Trường ĐH Michigan (Hoa Kỳ) rất hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ