Tìm giải pháp triển khai hiệu quả chương trình Sữa học đường

GD&TĐ - Sáng nay (25/7), Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Tập đoàn TH tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai chương trình Sữa học đường với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện Bộ Y tế và các Sở GD&ĐT, Sở Y tế 6 tỉnh thành phố.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Khẳng định tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Thể chất (Bộ GD&ĐT) – cho biết: chương trình Sữa học đường đã được Bộ GD&ĐT triển khai tích cực với các giải pháp cụ thể.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học triển khai công tác y tế trường học, dinh dưỡng học đường và chương trình Sữa học đường.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục và trường học trong việc tuyên truyền đến học sinh, giúp học sinh hiểu biết được tầm quan trọng của nguồn dinh dưỡng từ sữa; truyền thông mạnh mẽ để các gia đình hiểu rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng học đường, trong đó có sữa học đường…

Hiện nay, một số tỉnh thành trên cả nước đã triển khai chương trình Sữa học đường bước đầu có hiệu quả. Có thể nói đến Bà Rịa – Vũng Tàu, chương trình này được triển khai giai đoạn I trên 82 xã/phường; Bắc Ninh cũng đang triển khai chương trình Sữa học đường giai đoạn I với kinh phí 178 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai cho cấp học mầm non và một phần cấp học tiểu học uống sữa…

Đặc biệt, Nghệ Anh bắt đầu triển khai chương trình Sữa học đường từ năm học 2013 – 2014 với cách làm bài bản, bắt đầu từ quy mô nhỏ. Năm học 2016 – 2017, Nghệ An là tỉnh đầu tiên triển khai trên quy mô toàn tỉnh và ở toàn bộ 2 cấp học mẫu giáo, tiểu học với hơn 311.000 học sinh. Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của tỉnh này hết sức khả quan.

Các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng tích cực hưởng ứng ngày "Uống sữa thế giới" và ngày "Sữa học đường thế giới" bằng nhiều hình thức để trẻ em được uống sữa tại trường học.

Hội thảo hướng dẫn triển khai chương trình Sữa học đường
Hội thảo hướng dẫn triển khai chương trình Sữa học đường  

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình còn nhiều khó khăn. Trong đó, chưa có nguồn kinh phí riêng dành cho công tác dinh dưỡng học đường và chương trình Sữa học đường. Nhân lực thực hiện công tác y tế trường học, dinh dưỡng học đường, chương trình Sữa học đường chưa được tập huấn đầy đủ và thường xuyên.

Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa triển khai kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác dinh dưỡng học đường. Công tác quản lý sữa và công tác giao nhận sản phẩm còn nhiều bất cập. Sữa cung ứng cho Chương trình chưa thống nhất về tiêu chuẩn sữa…

Để thực hiện thành công chương trình Sữa học đường, bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH nhấn mạnh cần phải truyền thông để 2 đối tượng là cha mẹ và thầy cô giáo phải hiểu rõ, hiểu sâu sắc về Sữa học đường; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT nên đề xuất sữa học đường vào trường học cần có nhãn mác riêng; Bộ Y tế sẽ kiểm soát việc này.

Nhấn mạnh lại các giải pháp trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hiện nay, đã có 6 tỉnh thành đang triển khai chương trình Sữa học đường và 11 tỉnh thành đang xây dựng kế hoạch để triển khai trong năm học 2017 – 2018. Từ đó sẽ nhân rộng, để hướng tới năm 2020, cả 63 tỉnh thành trên cả nước đều thực hiện chương trình Sữa học đường vì tương lai của trẻ em Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ thực trạng triển khai chương trình Sữa học đường tại địa phương; trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp để Chương trình này được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 , các chỉ tiêu được đặt ra đến năm 2020 là 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình Sữa học đường…

Cũng theo quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai các hoạt động của chương trình Sữa học đường; chỉ đạo các trường học cho trẻ uống sữa đúng quy định; phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ