Tiếp sức học trò vùng biên

GD&TĐ - Khi nước lũ tràn đồng cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) tổ chức đưa đón HS đến trường. 

Tiếp sức học trò vùng biên

Nhờ đó mà phụ huynh và HS ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị nước lũ chia cắt đã yên tâm. Nhà trường cũng vững lòng khi sĩ số lớp liên tục được giữ vững…

Nhờ có chú bộ đội!

Tỉnh Đồng Tháp có tuyến biên giới giáp với Campuchia dài 48,7 km, đi qua địa bàn 8 xã thuộc các huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự. Những năm qua địa phương đã ưu tiên đầu tư nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng biên từng bước được cải thiện. Tuy nhiên đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại những địa phương này còn khá cao và cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại vẫn còn nhiều khó khăn.

Trước đây vào mùa mưa lũ nhiều nơi thuộc vùng biên giới ở Đồng Tháp bị ngập sâu, bị lũ chia cắt, mọi việc đi lại đều phụ thuộc vào phương tiện độc nhất là xuồng. Lo lắng nhất và khó khăn nhất lúc đó là chuyện học của HS vùng lũ. Không ít em vì nhà nghèo, cha mẹ lo mưu sinh nên mùa lũ phải nghỉ học hoặc bỏ dở việc học từ lớp 3, lớp 4…

Trước tình trạng ấy, chính quyền địa phương, nhà trường đã tìm nhiều giải pháp. Và từ khi có sự tham gia trợ giúp của lực lượng Bộ đội Biên phòng trú đóng trên địa bàn thì vấn đề đã được tháo gỡ.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã kết hợp cùng chính quyền, nhà trường, phụ huynh HS ở địa phương để tổ chức đưa đón các em đến trường. Đồn biên phòng sẽ cắt cử cán bộ, chiến sĩ dùng tắc ráng (vỏ lãi) gắn máy nổ mỗi ngày đưa đón HS từ nhà đến trường; khi học xong sẽ đưa các em về tận nhà và giao cho phụ huynh... Vừa bắt đầu triển khai thì chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh đồng thuận rất cao và gật đầu “cái rụp”, tất cả chung tay, góp sức để thực hiện.

Cứ đều đặn trong những năm qua, khi con nước lũ tràn về thì các chiến sĩ bộ đội biên phòng ra quân đưa đón HS đến trường. Hỏi ra mới biết, việc đưa đón HS đến trường trong mùa lũ đã được các đồn biên phòng đóng trên địa bàn biên giới tỉnh Đồng Tháp thực hiện từ năm 2005 đến nay. Trong đó có 4 đơn vị thực hiện công tác này thường xuyên là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà; Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước; Đồn Biên phòng Bình Thạnh và Đồn Biên phòng Thông Bình. 

Ông Phạm Văn Khen, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Tân Hồng cho biết: “Để tổ chức đưa đón HS đến trường thì trước đó chúng tôi họp bàn với phụ huynh HS và có sự thống nhất với nhau. Hàng ngày ngoài lực lượng địa phương và chiến sĩ của đồn biên phòng thì có thêm đại diện một hộ gia đình hay phụ huynh HS cùng theo chuyến đưa đón. Như vậy vừa đảm bảo an toàn vừa quản lý, nhắc nhở các em HS. Ngoài ra xã hỗ trợ cho tất cả các em HS áo phao, còn nhà trường hỗ trợ cặp phao...”.

Nói về công việc đưa đón HS đến trường mùa lũ, Thượng úy Lê Hoàng Em, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà chia sẻ: “Từ đầu mùa lũ đến nay, cán bộ tham gia trong công tác đưa đón HS đến trường đã quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó tình cảm của các đồng chí đối với các em HS vùng biên giới rất sâu sắc. Các em HS cũng rất vui và xem chú bộ đội như người anh, người chú trong gia đình…”.

Yên tâm tới lớp

Ông Trương Hoàng Nam, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: Trước đây có rất nhiều trẻ em ở những vùng lũ chia cắt phải nghỉ học vì không ai đưa đón. Nhờ những chuyến đò của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nên không còn tình trạng HS bỏ học. Đặc biệt, các chiến sĩ biên phòng còn làm tốt công tác vận động, thuyết phục phụ huynh HS tạo điều kiện cho các em đến trường... 

Trước kia phụ huynh phải tự tay bơi xuồng hoặc lội nước đưa con tới trường. Giờ đây mỗi ngày vào lúc 6 giờ sáng ở cụm dân cư Cả Xiêm, ấp Cả Găng, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng sẽ có chiếc tắc ráng của Đồn Biên phòng Bình Phú thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà cập bến để đón HS đến trường… Để chuẩn bị cho việc này, từ trước khi năm học mới bắt đầu, lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và chính quyền địa phương xã Bình Phú đã chủ động phối hợp, chuẩn bị phương tiện.

Thấy cảnh con em được đưa đón đến trường, không ai vui bằng những phụ huynh - họ là những người dân làm nghề chài lưới, cắm câu, bắt cá. Không giấu được niềm vui, chị Trần Thị Ngọc Thu, ở cụm dân cư Cả Xiêm cho biết: “Trước đây nhà tôi nghèo lắm, vợ chồng phải đi làm xa nên sáng sớm tranh thủ đưa con đi học hoặc cho quá giang xuồng của người khác. Xuồng nhỏ, người đông, mỗi lúc sóng to gió lớn vợ chồng tôi ở ngoài đồng không thể nào yên tâm được! Giờ đây con em được chính quyền địa phương và các chiến sĩ biên phòng đưa đón, bảo ban nên phụ huynh yên tâm và mừng lắm…”.

Thầy Hồ Văn Thương, Phó Hiệu trưởng Trường TH Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng cho biết, trường có 26 HS được bộ đội biên phòng đưa đón hàng ngày. “Đây là những em sống ở vùng sâu, bị nước lũ chia cắt. Nhờ đưa đón các em nên từ ngày nhập học đến nay sĩ số HS vẫn đảm bảo. Năm nay trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tuy đường đi khó khăn, mỗi ngày bộ đội đưa đón các em 4 lượt nhưng sĩ số HS học buổi chiều vẫn đầy đủ”. 

Ngoài Đồn Biên phòng Bình Phú thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đang thực hiện việc đưa đón HS đến trường thì các đơn vị khác của Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cần thiết để đưa đón HS trên địa bàn đóng quân khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp và lũ dâng cao... Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp còn tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài. 

Thời gian qua có nhiều mô hình hoạt động thiết thực như: Đỡ đầu con của nguyên cán bộ, chiến sĩ biên phòng nghèo vượt khó; Trao học bổng hỗ trợ HS, SV; Tổ chức lớp phổ cập bơi cho trẻ em vùng lũ… Từ đầu năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tặng hàng nghìn cuốn vở, 328 suất quà; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp trao học bổng Nguyễn Thị Định cho 13 HS vượt khó học khá, giỏi; tổ chức vui Tết Trung thu cho con cán bộ và trẻ em nghèo… 

Theo Đại tá Võ Văn Ao, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, để duy trì và đưa hoạt động vào nền nếp, ngoài nguồn kinh phí vận động từ cá nhân, doanh nghiệp thì cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, tạo nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động. Đến nay, hầu hết các mô hình trong công tác khuyến học đều phát huy hiệu quả và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ