Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong ngành Giáo dục: Nhiều bài học kinh nghiệm sau một thập niên

GD&TĐ - Năm 2015 đã khép lại, đây là thời điểm các cấp, các ngành cùng T.Ư tổng kết lại 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, Bộ GD&ĐT với nhiều giải pháp đồng bộ đã nghiêm túc triển khai thi hành Luật và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận cũng như những bài học quý báu trong công tác này.

Đầu tư cho GD&ĐT góp phần cải thiện chất lượng GD toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Đầu tư cho GD&ĐT góp phần cải thiện chất lượng GD toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Phòng, chống tham nhũng bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đồng bộ

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: Để công tác triển khai Luật PCTN đạt kết quả, trước hết các Đảng viên trong Bộ phải tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động liên quan đến công tác PCTN.

Chính vì vậy, các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ trong sinh hoạt đảng và nhận xét, đánh giá đảng viên luôn đưa công tác PCTN vào nội dung đánh giá.

Ở các tổ chức cơ sở Đảng luôn quán triệt Đảng viên nghiêm túc thực hiện công khai, dân chủ, cán bộ chủ chốt phải luôn đi đầu trong việc tự phê bình và phê bình, gương mẫu trong hoạt động liên quan đến công tác PCTN.

Triển khai thực hiện Luật PCTN, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTN theo quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời trong quá trình tổ chức thực hiện Luật PCTN 10 năm qua, Bộ GD&ĐT đã kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN trong các lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng như tổ chức cán bộ, tài chính, tài sản, tuyển sinh, đào tạo...

Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả như: Công khai, minh bạch trong mọi hoạt động; công khai minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn.

Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ và phương thức thanh toán phòng ngừa tham nhũng; Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác PCTN. Đổi mới trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Thực hiện đưa nội dung PCTN vào giảng dạy thí điểm trong trường học đã được Chính phủ giao nhiệm vụ tại Đề án 137 (giai đoạn 2009 - 2012), Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và giảng viên, tổ chức giảng dạy thí điểm tại một số cơ sở giáo dục.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Bộ đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở GD&ĐT; Bộ GD&ĐT đã triển khai đại trà, đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trong hơn 2.400 trường THPT; hơn 700 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Kịp thời biểu dương những điển hình trong PCTN

Theo ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thì trong 10 năm thực thi Luật PCTN, Bộ GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác này trong thời gian vừa qua.

Những hạn chế này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý thực hiện các biện pháp PCTN.

Bộ cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Bộ phải thực hiện “lấy kết quả công tác PCTN làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị” theo đúng tinh thần của Chỉ thị.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần chú ý giải quyết các kiến nghị của các đơn vị trong công tác này. Những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Bộ cần sớm được giải quyết; những kiến nghị nào ngoài phạm vi thẩm quyền của Bộ cần sớm chuyển cho các cơ quan chức năng về PCTN để có những biện pháp giải quyết.

Chú ý lựa chọn, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác PCTN, những người dân có thông tin tố giác, giúp các cơ quan phát hiện được vi phạm tham nhũng để kịp thời động viên, khích lệ các cá nhân tích cực hơn trong công tác tố giác, cung cấp thông tin về nạn tham nhũng.

Thanh tra Bộ cũng cần thường xuyên phối kết hợp với Thanh tra Chính phủ để nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, khó giải quyết.

Lấy phòng, ngừa để chống tham nhũng

Về kết quả thực hiện Luật PCTN 10 năm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng nhận định: Nhận thức của nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về công tác PCTN còn chưa tốt.

Ngành Giáo dục tuy không có những vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cho xã hội nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể xảy ra tham nhũng. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, cán bộ trong ngành sẽ vi phạm.

Trong công tác chủ động thực hiện PCTN tại một số cơ quan, đơn vị chưa được cao. Một số lĩnh vực liên quan đến công tác này, trong quá trình thanh, kiểm tra của Bộ, của các cấp quản lý giáo dục ở một số đơn vị, tuy chưa có vụ, việc tham nhũng nào phải xử lý nhưng vẫn còn có những biểu hiện cận kề, sai sót có thể nảy sinh tham nhũng. Đây là những hạn chế cần quan tâm trong thời gian tới để những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tham nhũng phải được phát hiện và loại bỏ ngay.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, trong PCTN, phải lấy phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “phòng” tốt thì sẽ không phải “chống”, “chống” tốt cũng là một giải pháp để phòng ngừa, đồng thời xử lý tốt những vụ việc tham nhũng đã xảy ra thì mới răn đe được những trường hợp khác để củng cố công tác “phòng, chống” tham nhũng.

Công tác chủ động tự thanh tra, kiểm tra để phát hiện tham nhũng và những nguy cơ phải được người đứng đầu đẩy mạnh trong cơ quan, đơn vị. Không đợi đến khi có đơn thư tố giác mới tiến hành thanh tra, xử lý nhằm tự chấn chỉnh nội bộ trước, tránh để nảy sinh tham nhũng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được đẩy mạnh và thường xuyên, nhất là trong các lĩnh vực, công tác nhạy cảm hay xảy ra tình trạng tham nhũng như đấu thầu, xây dựng cơ bản, quản lý tài sản, tài chính.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cũng phải nhanh chóng thay đổi cách nhìn nhận hoạt động của các đoàn thanh tra; Phải nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, theo chiều hướng hoạt động thanh tra sẽ giúp cho đơn vị phát triển tốt hơn.

Nhờ có đoàn thanh tra, kiểm tra mà những sai phạm, quy trình công tác chưa đúng, những việc mà công tác kiểm tra nội bộ chưa phát hiện ra sẽ được đoàn thanh tra chỉ rõ giúp thủ trưởng đơn vị sớm nhận thấy để kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình”.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ