Thủ tướng khen 3 học sinh trung thực, nỗ lực ổn định nếp dạy học sau Tết

GD&TĐ - 3 học sinh THPT ở Sóc Trăng được Thủ tướng gửi thư khen; các trường học tập trung ổn định nền nếp học tập sau Tết Nguyên đán là những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng khen 3 học sinh trung thực, nỗ lực ổn định nếp dạy học sau Tết

Thêm nhiều tấm gương sáng

Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 24/2 thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thư khen gửi 3 học sinh Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) vì hành động đẹp – trả lại người mất 40 triệu đồng nhặt được ngày mùng 4 Tết.

Trong lá thư này, Thủ tướng cũng đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng và ngành Giáo dục kịp thời xem xét, có hình thức khen thưởng xứng đáng và quan tâm tạo điều kiện tốt hơn cho các cháu tiếp tục học tập, rèn luyện để những hành động tốt đẹp này lan tỏa rộng khắp trong xã hội.

Zing.vn chia sẻ câu chuyện về Lê Huyền Thảo Uyên, 25 tuổi (nguyên học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Ninh Thuận) với nỗ lực trong mệt mỏi và trở thành giảng viên của ĐH West Virginia (WVU). Khi còn học THPT, Uyên đã dành 2 năm hoàn thiện đề tài Toán học “Ứng dụng Toán tích phân để tìm thể tích của các hình bất định” và dịch sang tiếng Anh tìm kiếm học bổng du học tại Mỹ.

Nhận được học bổng, trải qua rất nhiều khó khăn vì ngôn ngữ, Uyên trở thành quán quân của cuộc thi giải Toán tích phân cấp trường 2 năm liên tiếp; bắt đầu làm trợ giảng từ học kỳ II năm thứ ba. Năm thứ tư, Uyên trở thành thành viên đầu tiên trong ban cố vấn ra đề thi là sinh viên. Nữ sinh cũng đại diện trường thi toán tích phân toàn nước Mỹ do Hội Toán học quốc gia AMA (American Mathematics Association), lọt vào top 24.

Trong tương lai, Thảo Uyên muốn quay trở lại Việt Nam để dạy học tại một trường quốc tế và tiếp tục nghiên cứu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao bằng khen cho các nghiên cứu sinh, du học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc. Lê Huyền Thảo Uyên (đứng thứ hai, từ bên phải qua). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao bằng khen cho các nghiên cứu sinh, du học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc. Lê Huyền Thảo Uyên (đứng thứ hai, từ bên phải qua). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Ninh Thuận.

Viết về nhà giáo, Báo An ninh tiền tệ và truyền thông có câu chuyện hay về ‘Bà tiên’ gieo chữ cho trò nghèo tật nguyền vùng biển – đó là cô giáo về hưu Nguyễn Thị Thông (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Chỉ sau 1 năm về nghỉ chế độ, cô Thông nhanh chóng xin ý kiến chính quyền địa phương để mở một lớp học tình thương. Cô đã đến từng gia đình để vận động đưa học sinh đến lớp. Lứa học trò đầu tiên của lớp học có 16 học sinh, trong đó có tới 8 em là trẻ mồ côi.

Bàn ghế cho học sinh ngồi lúc ấy chỉ là cánh cửa nhà, cửa bếp cũ rách được kê trên những viên gạch vỡ. Chiếc bảng viết thì được làm từ tấm cót đã rách mép. Để lớp học được duy trì và học trò có đủ điều kiện cơ bản để học tập, cô đi đến các trường học xin bàn ghế, xin sách vở, đồ dùng học tập.

Những học sinh của cô đa phần là người khuyết tật, việc tiếp thu kiến thức không phải dễ dàng như những học sinh bình thường khác, việc truyền đạt lại càng khó hơn gấp bội. Không chỉ giảng dạy bằng chuyên môn, cô Thông còn dùng cả tình yêu thương của mình để gần gũi và dạy dỗ học trò. Với các trò nghèo, cô không những là người giáo viên, mà còn là người mẹ, người bà đầy tận tâm, nhiệt huyết.

18 năm qua, cô vẫn thầm lặng, miệt mài cùng học trò đến lớp không một lời ca thán, càng không đòi hỏi thu một đồng phí nào.

Lớp học đặc biệt xuất phát từ tình yêu thương của cô Thông
Lớp học đặc biệt xuất phát từ tình yêu thương của cô Thông

Báo Nhân dân có bài viết về cô Trịnh Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (Phú Xuyên, Hà Nội). 32 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, Hiệu trưởng Trịnh Thị Bích Liên cùng tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THCS Trần Phú đã đạt được nhiều thành tích: Có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia môn Văn, giải quốc gia viết thư quốc tế UPU; 119 học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp thành phố; 389 học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp huyện.

Hoạt động chuyên môn của trường luôn được cấp trên đánh giá cao về chất lượng. Ðời sống tinh thần của cán bộ, giáo viên, nhân viên được quan tâm; các thầy cô tham gia các cuộc thi của ngành phát động, đạt kết quả cao...

Với những đóng góp tích cực trong công tác giáo dục, Hiệu trưởng Trịnh Thị Bích Liên đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các ngành, các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen, xứng đáng với danh hiệu "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo".

Nỗ lực ổn định nền nếp dạy học sau Tết

Sau gần 10 ngày nghỉ tết, phần lớn học sinh mầm non, tiểu học người đồng bào thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Trị “quên” đường đến lớp. Để đảm bảo sĩ số, ở các trường học - từ hiệu trưởng đến giáo viên đứng lớp phải bỏ công đến nhà vận động để phụ huynh đưa học sinh đến trường.

Câu chuyện được chia sẻ trên báo Lao động với ví dụ cụ thể là Trường Mầm non Ba Tầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trường cách trung tâm tỉnh gần 150km, khó khăn về điều kiện ăn ở, đi lại; có đến 7 điểm trường, trong đó có điểm trường cách điểm chính 18km.

Cũng như những ngày đầu năm học, đầu năm mới này, các giáo viên ở Trường Mầm non Ba Tầng phải căng mình đi về từng thôn bản để vận động học sinh đến trường. Trong số 323 em học sinh, chưa đến phân nửa nghe lời vận động của giáo viên đã tự đến lớp hoặc được người nhà đưa đến. Số còn lại, giáo viên phải đến nhà chở từng học sinh đến trường. Việc đón học sinh được giáo viên gọi bằng “bắt” hoặc “lấy”. Những nỗ lực của thầy cô giáo nơi đây giúp giữ vững chất lượng dạy học ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Cô giáo đến tận nhà đón học sinh ra lớp
Cô giáo đến tận nhà đón học sinh ra lớp

Thông tin trên Sài Gòn giải phóng, ngay sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM nhanh chóng thực hiện kế hoạch tổ chức ngày học đầu năm vui tươi, phấn khởi để tạo hứng thú, giúp học sinh bắt lại nhịp học.

So với bậc mầm non, học sinh ở các trường tiểu học không mất nhiều thời gian bắt lại nhịp học sau tết. Đại diện các trường cho biết, ngày học đầu năm sẽ mang tính khởi động, “vui là chính”, chứ không đặt nặng yêu cầu kiểm tra kiến thức. Riêng đối với 2 bậc THPT và THCS, sau tết vài tuần học sinh sẽ bước vào kỳ thi kiểm tra giữa học kỳ 2, nên mọi hoạt động học tập diễn ra bình thường ngay ngày học đầu năm.

Tại Hà Nội, theo báo An ninh thủ đô, trường học Hà Nội đã "lên dây cót" cho học sinh hậu nghỉ Tết. Theo đó, các nhà trường liên tục nhắc nhở cả phụ huynh lẫn học sinh về việc tạo thói quen sinh hoạt phù hợp trước ngày quay trở lại trường sau gần 10 ngày nghỉ Tết, tạo không khí học tập nghiêm túc ngay ngày đầu để ổn định nề nếp học tập.

Đang thoải mái nghỉ ngơi, vui chơi, không lo bài tập, nên lúc phải quay lại với trường lớp, học sinh thường có tâm trạng uể oải, ngại học. Chính vì vậy, nhiều trường đã lập tức “lên dây cót” cho học sinh khi công bố ngay sau Tết sẽ bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ II.

Để bắt nhịp lại với trường lớp, nhiều trường chia sẻ với học sinh các bí quyết như trước khi bước vào guồng học tập, hãy dành ra một ngày khởi động nhẹ nhàng, chỉ đọc và thống kê lại kiến thức để não bộ gợi nhớ kiến thức từ từ, hoạt động hiệu quả hơn trong các ngày học tiếp theo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ