Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: “Tinh thần 5K” của riêng ngành giáo dục

GD&TĐ - Ngày 29/6, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tỉnh Thái Nguyên.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên

Chu đáo, thận trọng trong từng khâu chuẩn bị

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên, cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành là thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Thái Nguyên làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

Đoàn công tác đã đến các điểm thi trường THPT Chu Văn An, trường THPT Dương Tự Minh, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 về công tác dạy học, ôn tập, tập huấn, phổ biến quy chế, nghiệp vụ thi, phương án đảm bảo an ninh an toàn, công tác phòng, chống dịch Covid-19…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Đây là kỳ thi mang ý nghĩa quan trọng, vừa đánh giá kết quả học tập của học sinh, vừa làm căn cứ để nhiều trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh, đồng thời cũng là một yếu tố thể hiện chất lượng giáo dục. Trong bối cảnh dịch Covid-19, cần bám sát mục tiêu kép cho một kỳ thi an toàn và chất lượng.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại chương trình làm việc

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại chương trình làm việc

Thứ trưởng yêu cầu ngành giáo dục Thái Nguyên và các nhà trường cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, chu đáo thận trọng trong từng khâu chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và các phương án một cách cụ thể, chi tiết, rõ ràng, kĩ lưỡng. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị, nhà trường tổ chức nghiêm túc việc triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên, thành viên nghiên cứu kỹ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của ngành, các văn bản, quy định liên quan đến tổ chức kỳ thi.

“Tinh thần 5K” của riêng ngành giáo dục

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thái Nguyên, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của địa phương đến nay đã cơ bản đảm bảo. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh Thái Nguyên là 16.973, tăng gần 2000 thí sinh so với năm 2020. Toàn tỉnh có 33 điểm thi, với hơn 2.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm nhiệm vụ. Tại mỗi điểm thi đều bố trí 2 phòng thi dự phòng dành cho các trường hợp phát sinh khi tổ chức thi, đồng thời có đội thanh niên tình nguyện để hỗ trợ thí sinh về việc đi lại, ăn ở.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo khi đã tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, nhà trường. Thứ trưởng nhấn mạnh: "Thái Nguyên có số điểm thi lớn, lượng thí sinh đông, địa bàn rộng, việc tổ chức sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Đánh giá về công tác chuẩn bị, Thứ trưởng cho rằng Thái Nguyên đã triển khai tích cực công tác dạy học và ôn tập cho học sinh, đảm bảo cơ bản về điều kiện cơ sở vật chất, thự hiện tốt việc tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ giáo viên, các lực lượng xã hội vào cuộc và phối hợp hiệu quả".  

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra tại trường THPT Chu Văn An (TP Thái Nguyên)

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra tại trường THPT Chu Văn An (TP Thái Nguyên)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ đạo thực hiện một số việc nhằm hoàn thiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Thái Nguyên, cụ thể: "Việc ôn tập, củng cố cho học sinh cần phù hợp với đối tượng, hài hòa giữa trực tuyến và trực tiếp; Triển khai nghiêm túc công tác tập huấn, tổ chức cho cán bộ giáo viên nghiên cứu học tập quy chế quy định về kỳ thi; Nghiêm túc, kịp thời trong kiểm tra, thanh tra, báo cáo; Xây dựng kế hoạch phải đảm bảo các phương án mang tính khoa học, chi tiết, đảm bảo sự chủ động khi triển khai".

Thứ trưởng cũng phân tích các yêu cầu nhằm thực hiện theo “tinh thần 5K” của riêng ngành giáo dục trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi: "Không chủ quan - Không bị động - Kế hoạch - Kiểm tra - Khắc phục khó khăn. Đây được coi là biện pháp thiết thực để hướng tới mục tiêu chung của kỳ thi là an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, tạo mọi điều kiện đảm bảo nhất cho thí sinh".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ