Thu hút nguồn lực cho giáo dục

GD&TĐ - Xã hội hóa giáo dục (XHH GD) là chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là trong Nghị quyết 29/NQ-TW; được quy định tại Luật GD 2005 và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, các quy định này chưa đủ để hoạt động XHH GD-ĐT được triển khai hiệu quả, chưa thực sự thu hút các nguồn lực xã hội cho GD.

Xã hội hóa GD thể hiện rõ trong phát triển toàn diện hệ thống trường công và trường tư
Xã hội hóa GD thể hiện rõ trong phát triển toàn diện hệ thống trường công và trường tư

Các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi XHH nói chung nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ chính sách XHH GD; các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT còn chung chung, không cụ thể. Hiện tượng đánh tráo khái niệm, cố ý hiểu sai hoặc lợi dụng chính sách XHH GD để dạy thêm, lạm thu trong nhà trường xảy ra...

Chính vì lẽ đó, trong dự thảo Luật GD (sửa đổi) có khá nhiều nội dung liên quan đến XHH GD. Đây cũng là 1 trong 11 vấn đề trọng tâm mà Ban soạn thảo Luật GD (sửa đổi) xin ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Hướng chỉnh sửa, bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật là cần sửa đổi quy định liên quan trong Luật Đất đai, các Luật về thuế, tín dụng... theo hướng quy định cụ thể và tăng mức ưu đãi đối với XHH GD. Sửa đổi bổ sung Điều 62 Dự thảo về các ưu đãi thu hút đầu tư đối với trường dân lập, trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Khoản 5 Điều 96 Dự thảo quy định: “Không được lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho GD để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật” để tránh hiện tượng lạm thu nhân danh XHH GD.

Bổ sung Điều 101: “Trường dân lập, tư thục được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo đơn đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng; được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chính sách đối với người học quy định tại Điều 83 của Luật này.

Thông tin từ Vụ Pháp chế - Thường trực Ban soạn thảo Luật GD (sửa đổi) - tổng hợp từ góp ý của nhân dân, đa số ý kiến nhất trí quy định tại Điều 96, Điều 101 trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó có ý kiến đề nghị xem lại quy định về “hỗ trợ ngân sách” khi thực hiện nhiệm vụ giao theo đơn đặt hàng, khi đó được thực hiện theo hợp đồng dân sự chứ không phải hỗ trợ của ngân sách Nhà nước...

Trong phát biểu tại phiên họp chuyên đề góp ý dự thảo Luật GD (sửa đổi), TS Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng Quốc gia GD và Phát triển nhân lực – đã chia sẻ cách làm của Trung Quốc và cho rằng cách làm này có thể mang lại những gợi ý đáng suy nghĩ.

Theo đó, tháng 2/2018, Trung Quốc ra Luật Thiện nguyện, Luật Hiến tặng Công ích và bổ sung điều chỉnh một số khoản trong Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế cá nhân. Doanh nghiệp có thể hiến tặng đến 12% lợi nhuận mỗi năm, phần vượt quá 12% có thể được tính sang cho năm sau. Mặc dù vấn đề thiếu hụt ngân sách cho GD và thiếu cơ chế khơi thông nguồn lực xã hội cho GD đã tồn tại dai dẳng từ rất lâu, cuối cùng cũng đến lúc Trung Quốc đã đi tới giải pháp mở đường cho các doanh nghiệp, cá nhân hiến tặng cho sự nghiệp GD.

Đây là một hướng đi đúng, vì nó giúp làm giảm nhẹ xu hướng thương mại hóa triệt để của nhà trường, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn thu từ người học, vốn là điều rất dễ làm méo mó mục tiêu và quá trình GD. Các doanh nghiệp khi trở thành người tài trợ cho các trường sẽ có tiếng nói lớn hơn; tạo ra ảnh hưởng tích cực trong thay đổi nội dung, phương pháp GD theo hướng đáp ứng những gì doanh nghiệp và thế giới bên ngoài cần ở lực lượng lao động tương lai.

Nó cũng sẽ giảm nhẹ phần nào gánh nặng tài chính của người học, nhờ đó thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về cơ hội giữa người nghèo, người giàu, vốn là một nhân tố quan trọng gây bất ổn xã hội.

Tuy vậy, cũng cần thận trọng với những khả năng lợi dụng chính sách này cho mục đích vụ lợi cá nhân; có thể có những bất lợi chưa dự tính hết trong bối cảnh thực tế của Việt Nam. Vì thế, mọi cơ chế tài chính cho GD đều cần gắn với những yêu cầu về minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ