Thông luồng hướng nghiệp: Lợi ích chỉ đến khi có các làm khéo léo, chuyên nghiệp

GD&TĐ - Công tác phân luồng học sinh sau THCS được triển khai trên cơ sở mục tiêu của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Cần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn hướng nghiệp.
Cần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn hướng nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số bất cập, vướng mắc, dẫn đến hiệu quả công tác này ở một số nơi chưa thực chất. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà (Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Nghệ An): Sớm có văn bản hướng dẫn

Ông Nguyễn Mạnh Hà
Ông Nguyễn Mạnh Hà

Từ năm 2015, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An quyết định ban hành kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh THCS, THPT (giai đoạn 2016 - 2020), và cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai kế hoạch này.

Cấp THCS, trung bình mỗi năm có gần 23% học sinh phân luồng. Trong đó, tỷ lệ học sinh vào học nghề tăng từ 8% năm 2015 - 2016 lên 16% năm 2019 - 2020. Về phía các trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng tham gia tích cực kế hoạch của tỉnh, tuyển học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và cam kết bố trí việc làm có thu nhập ổn định sau đào tạo. Một số cơ sở đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, về công tác hướng nghiệp, phân luồng ở một số địa phương chưa được quan tâm, đồng bộ. Một số trường THCS quá trình thực hiện phân luồng chưa thực chất, chạy theo chỉ tiêu, thành tích. Nhiều học sinh sau THCS đi lao động tự do mà không qua học nghề. Các chủ trương, chính sách mới, ưu đãi cho việc dạy nghề chưa truyền thông rộng rãi đến phụ huynh học sinh.

Để đạt hiệu quả của kế hoạch, khâu đầu tiên – phân luồng – cách thực hiện phải thực chất, không mâu thuẫn với mục tiêu. Thực hiện Quyết định 522 của Chính phủ, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 3129 triển khai phân luồng, hướng nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Sở đã tham mưu giải pháp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến bồi dưỡng giáo viên công tác phân luồng. Trong đó định hướng mỗi đơn vị sẽ bồi dưỡng 2 người gồm 1 cán bộ quản lý và một giáo viên kiêm nhiệm.

Thực tế, để thực hiện tốt công tác phân luồng, còn một số vướng mắc cần được hướng dẫn, tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, Quyết định 522, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản quy định tiêu chí đánh giá việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn lựa chọn người làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong định hướng nghề nghiệp và huy động nguồn lực cho giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; thực hiện công tác trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể về các nội dung trên để triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. 

PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN): Quan tâm chất lượng hướng nghiệp

PGS.TS Phạm Mạnh Hà
PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo viên. Vậy hướng nghiệp như thế nào và hướng nghiệp ra sao để vừa đạt được mục tiêu là học sinh lựa chọn được trường, ngành và quan trọng nhất là để các em hạnh phúc với lựa chọn đó. Đây là một việc khó.

Do vậy, các thầy cô cần giúp học sinh nhận biết, nắm bắt được những yêu cầu của thị trường lao động, thông tin về các cơ sở đào tạo nghề, nhu cầu khác nhau của xã hội đối với những lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau, cũng như xu hướng phát triển nghề nghiệp.

Trong tư vấn hướng nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng như phải đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh, so sánh với yêu cầu của nghề nghiệp. Thầy cô phải so sánh sự tương thích giữa một bên là yêu cầu nghề nghiệp, một bên là những phẩm chất tâm lý, cơ thể, hay hoàn cảnh gia đình của người được hướng nghiệp... Để có được những kỹ năng kể trên, giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên có thể hiểu biết sâu về ngành, nghề, nắm bắt kịp thời xu hướng nghề nghiệp cũng như tâm lý học sinh và phụ huynh. Có như vậy, tư vấn hướng nghiệp mới đúng và trúng.

Các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp phải thực sự chuyên nghiệp.
Các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp phải thực sự chuyên nghiệp.

Ông Phan Xuân Dũng (Hiệu trưởng Trường Trung cấp - Kinh tế Hồng Lam, Nghệ An): Đổi mới trong quá trình đào tạo và sau đào tạo nghề

Đối tượng tuyển sinh của trường phần lớn là học sinh phân luồng sau THCS. Trên thực tế, những em này thường có 3 hướng phân luồng: Xét tuyển vào trung tâm GDTX-GDNN, học nghề tại các trường trung cấp và cũng có bộ phận không đi học, lao động tự do.

Trẻ không đi học phổ thông, cũng không học nghề mà muốn kiếm việc làm ngay có lợi trước mắt nhưng hại lâu dài. Các em đi làm khi bản thân chưa được đào tạo trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cũng như nền tảng nhận thức đầy đủ, về lâu dài sẽ gây hệ lụy lớn. Lao động thu nhập thấp, hạn chế cơ hội và khả năng phát triển bản thân, thậm chí dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội. Vì thế, cần làm mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp để ít nhất sau THCS các em tiếp tục học kiến thức văn hóa, học nghề hoặc học song song ở cơ sở giáo dục đào tạo nào đó.

Đối với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam, số lượng tuyển sinh những năm qua đều đạt chỉ tiêu, nằm tốp đầu của tỉnh Nghệ An. Ngoài công tác tư vấn, tuyển sinh đến tận từng trường phổ thông, chúng tôi chú trọng đến chất lượng đào tạo và được phụ huynh, học sinh ghi nhận. Thực tế chất lượng đầu vào của trường có hạn chế nhất định. Các em phần lớn có học lực trung bình, nghịch ngợm, nhận thức yếu, thậm chí là cá biệt khi ở trường THCS trước đó. Chúng tôi xác định không thể đào tạo là các em học giỏi, tốt ngay, mà phải từng bước. Trước hết, trong kỳ đầu tiên là giáo dục kỹ năng, tác phong, đưa vào khuôn khổ. Sau đó xây dựng thời gian biểu đào tạo khoa học, dần dần hình thành năng lực, trình độ nghề nghiệp cho học sinh.

Mặc dù là trường nghề, nhưng chúng tôi chú trọng dạy văn hóa và liên kết với trung tâm GDTX trên địa bàn để tạo điều kiện cho học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Thực tế có nhiều em sau khi học trường nghề vẫn trúng tuyển ĐH (trên 20 điểm). Điều này khiến học sinh, phụ huynh yên tâm, tin tưởng, tăng uy tín và thương hiệu của trường.

Về nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học. Nhưng thực tế máy móc ở trường trung cấp nghề chỉ đảm bảo dạy học, đào tạo cơ bản, chứ không theo kịp sự thay đổi, hiện đại hóa của doanh nghiệp cũng như yêu cầu xã hội. Do đó, ban giám hiệu sắp xếp sao cho tăng quỹ thời gian đi trải nghiệm, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp, để các em tiếp cận được với trang thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế sản xuất, thị trường. Như vậy, học sinh sau đào tạo đã lành nghề, không bỡ ngỡ và hạn chế việc doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng.

Qua phản hồi của các doanh nghiệp cho thấy hài lòng với chất lượng học sinh của trường. Đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác lâu dài để được cung ứng lao động. Nhà trường cũng giải quyết được khâu việc làm sau đào tạo cho học sinh.

Mặc dù vậy, hiện còn một bất cập là trong quy chế khung chương trình đào tạo nghề đối với bậc trung cấp có thời gian đào tạo tối đa là 2 năm. Với học sinh sau THCS, vào trường nghề mới 15 tuổi, đến khi hoàn thành chương trình trung cấp mới 17 tuổi. Độ tuổi này khi giới thiệu vào làm việc tại doanh nghiệp FDI không tiếp nhận, mà phải đợi đủ 18 tuổi trở lên theo quy định. Nên chăng thay đổi khung thời gian đào tạo nghề trung cấp hoặc điều chỉnh độ tuổi lao động để giải quyết bất cập này. Về phía trường có thuận lợi là phần lớn học sinh đều kết hợp học trung cấp nghề với văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, sau 3 năm các em mới tốt nghiệp và đủ tuổi lao động. Bên cạnh đó, nhà trường cũng kéo dài thời gian, giới thiệu học sinh đi thực tập để trải nghiệm và có thu nhập nhất định.

Trường nghề liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nhằm giúp học sinh tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại.
Trường nghề liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nhằm giúp học sinh tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại.

Ông Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc Công ty TNHH May Thành Đạt, huyện Diễn Châu, Nghệ An): Mong muốn lao động có tay nghề, gắn bó với doanh nghiệp

Công ty chúng tôi thành lập từ năm 2014 và hiện duy trì 2 xưởng may với số lượng công nhân cố định khoảng 300 người. Nhiều năm nay, công ty phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu để nhận học sinh về thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Với cơ sở vật chất của trung tâm, riêng đối với nghề may, các em mới có kỹ năng cơ bản. Công ty vẫn phải đào tạo thêm, giao cho tổ trưởng, quản lý hỗ trợ thêm các em về tay nghề. Khi nhận vào xưởng làm việc, chúng tôi thường giao cho các em đơn hàng đơn giản để làm quen, và thường sẽ để những người mới vào nghề ngồi một dây chuyền riêng. Nếu em nào khéo léo, tiếp thu tốt sẽ tiến bộ rất nhanh và được giao đơn hàng phức tạp hơn.

Công ty trả lương cho học sinh theo sản phẩm, ngoài ra hỗ trợ xăng xe, tiền chuyên cần… Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn học sinh tốt nghiệp trường nghề sau khi vào làm việc tại xưởng một thời gian ngắn sẽ xin nghỉ. Tâm lý của các bạn trẻ muốn được “bay nhảy”, đi xa, đến làm việc tại các thành phố lớn, khu công nghiệp sầm uất. Vì thế, với học sinh trường nghề chủ yếu có thời gian làm việc tại công ty từ 6 tháng – 1 năm thời điểm mới tốt nghiệp, chờ lấy bằng và có nhu cầu công việc gần nhà. Việc hàng năm nhận lao động thực tập, chưa có kinh nghiệm, một phần cũng để hỗ trợ và tạo công ăn việc làm cho con em trên địa bàn.

Đối với doanh nghiệp, điều mong muốn của chúng tôi là lao động có tay nghề, kỷ luật và gắn bó lâu dài. Hiện tại công ty chúng tôi, lương cho quản lý hơn 20 triệu, còn công nhân lành nghề, thu nhập mỗi tháng từ 12 - 15 triệu và cũng không tăng ca quá nhiều. Chúng tôi không khuyến khích tăng ca để đảm bảo sức khỏe và tái tạo sức lao động cho công nhân.

Công ty sẵn lòng đào tạo thêm cho công nhân và nếu gắn bó lâu dài, có chí tiến thủ, tôi cho rằng công nhân vẫn có cơ hội phát triển ở doanh nghiệp với thu nhập và chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Nhiều năm làm công tác hướng nghiệp cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận định: Nếu tư vấn, giáo dục định hướng nghề nghiệp THCS được thực hiện bài bản, khéo léo và chuyên nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích. Học sinh có cơ hội nhận thức rõ năng lực bản thân, từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế tại các trường THCS, người trực tiếp làm công tác tư vấn và giáo dục hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh lại là giáo viên chủ nhiệm, còn thiếu kinh nghiệm về tư vấn và kiến thức về phân luồng. Điều này có thể gây nên một số hiểu lầm cho học sinh và phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ