Thi vào lớp 10 tại TPHCM: Ô nhiễm rác thải nhựa, tình cảm gia đình… vào đề thi Văn

GD&TĐ -Kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TPHCM, nhiều thí sinh rời phòng thi với nụ cười và cho rằng, đề Ngữ văn… “dễ thở”, các nội dung các câu hỏi gần gũi với học sinh.

Niềm vui của thí sinh sau khi kết thúc môn Ngữ văn
Niềm vui của thí sinh sau khi kết thúc môn Ngữ văn

Tại điểm tri Trường THPT Trưng Vương, quận 1, thí sinh Thảo Vy, lớp 9/14 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 cho biết: Với em đề Văn khá hay và những câu hỏi sát với học sinh.

Cụ thể vấn đề về rác thải nhựa, tác hại của nó với môi trường… trách nhiệm tìm ra các giải pháp hạn chế rác thải và về tình cảm gia đình trong xã hội hiện nay cũng như vấn đề đọc sách đều rất gần gũi với chúng em. Những vấn đề này đều được các giáo viên ôn tập kĩ ở trường và em làm bài khá là tốt.

Tương tự, em Quốc Hưng, lớp 9/12, Trường THCS Lê Quý Đôn cũng cho rằng, đề thi hay và có tính liên hệ thực tiễn cao, có tính giáo dục cho học sinh.

Thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên với nhiều niềm vui
 Thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên với nhiều niềm vui

Tuy nhiên, việc  đề … “dễ thở”, theo nhiều em dự đoán, điểm thi sẽ cao, điểm chuẩn sẽ tăng.  

Liên quan đến đề thi, thầy giáo Hoàng Long Trọng, Trường THCS Văn Lang, quận 1 nhận định:

Đề thi năm nay nằm trong những kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 9. Đề có tính thực tế, hướng học sinh đến các vấn đề của xã hội như: rác thải nhựa, mối quan hệ giữa cha mẹ- con cái, văn hóa đọc… Từ đó đưa đến cho học sinh những bài học mang tính giáo dục.

Đề có tính phân hóa khá cao, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5,6. Với những học sinh khá-giỏi thì điểm 7,8 cũng không quá khó.

Đề năm nay đề có tính tích hợp ở câu 1, với kiến thức của môn Hóa, Địa lý. Nhưng về bản chất vẫn sử dụng kiến thức môn Ngữ văn để trả lời. Chỉ cần học sinh bình tĩnh đọc đề, suy xét kĩ lưỡng sẽ làm tốt bài thi.

Với câu 3, nghị luận văn học: Vẫn như cấu trúc năm trước, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề để làm. Trong đó, câu 1 là văn bản trong SGK với đề tài tình đồng đội đồng chí (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Ở câu này, năm nay đề không có ý thứ 2 là liên hệ với thực tế đời sống. Tuy nhiên, đề tài tình đồng đội, đồng chí cũng không phải là đề tài làm khó được học sinh.

 
Đê thi Ngữ văn gồm 2 trang
 Đê thi Ngữ văn gồm 2 trang

Với câu 1 của phần 3, vẫn là chủ đề về sách, về đọc sách, đọc các tác phẩm văn học, học sinh sẽ viết một bài văn kiểu nghị luận xã hội với chủ đề “những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.

Câu này phù hợp cho những học sinh thực sự yêu thích bộ môn Ngữ văn, có năng khiếu. Nếu học sinh có năng lực, có đam mê thì đây sẽ là cơ hội cho các em thể hiện mình. Nhưng theo tôi nghĩ, đa số học sinh sẽ lựa chọn câu hỏi số 1 trong phần này để làm bài, đảm bảo an toàn, yên tâm điểm số.

Nhìn chung, đề văn hay, mở, rất thú vị ở câu số 2 (nghị luận xã hội), có tính phân hóa, có tính tích hợp.

Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) chia sẻ: Nhìn  tổng thể đề thi không khó, không thách thức hay đánh đố với học sinh, các vấn đề lựa chọn quen thuộc với các em về rác thải nhựa, về tình cảm gia đình, văn hóa đọc…Cách đặt câu hỏi khá hay.

Cấu trúc đề thi về cơ bản giống năm ngoái, qua quá trình ôn tập, các giáo viên đã cho các em làm nhiều bộ đề tương tự nên khi đọc đề các em sẽ tự tin làm.

Ở câu hỏi số 2, nhìn vào đề có chút... hơi rối về hình vẽ, nhưng vấn đề câu hỏi đưa ra rất gần gũi, dễ hiểu. Các em trả lời câu hỏi này cứ như  đang trải lòng của mình, suy nghĩ, cảm nhận về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay. Câu hỏi khá là mở. Và vấn đề tình cảm gia đình cũng xuất hiện nhiều trong các đề thi trước đây nên các em HS chắn chắn sẽ làm tốt.

Ở phần nghị luận văn học, 2 đề chọn 1, phần câu hỏi liên quan đến Bài thơ về tiểu đội xe không kính và liên hệ 1 bài thơ cùng đề tài. Với dạng đề này các em HS được luyện tập nhiều và không khó. Ở đề thứ 2 là câu hỏi dành cho những HS học tốt môn Ngữ văn, yêu thích bộ môn này. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ