Thầy giáo mang quân hàm xanh

GD&TĐ - Con đường đến với xã Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) như ngắn lại khi chúng tôi biết được câu chuyện về thầy giáo quân hàm xanh Giàng A Trú nhận làm “cậu ruột” để vận động hai cháu nhỏ được Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu nuôi dưỡng. Và hàng ngày, “cậu” dẫn hai cháu đến trường trong niềm vui và ước vọng: Tương lai của các con, rồi sẽ khác!

"thầy giáo quân hàm xanh"Giàng A Trú "nâng bước" các em đến trường.
"thầy giáo quân hàm xanh"Giàng A Trú "nâng bước" các em đến trường.

Nhận là “cậu ruột” để chăm sóc trò nghèo!

Thượng úy Giàng A Trú sinh năm 1987 tại Si-ma-cai (Lào Cai). Dường như, đó cũng chính là thuận lợi của người chiến sĩ này khi công tác tại Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai), bởi anh là người Mông, anh hiểu tiếng của bà con nơi mình công tác.

Thượng úy Giàng A Trú là Đội trưởng Vận động quần chúng, nên từ khi công tác tại Đồn, anh luôn cố gắng hết sức để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài những nhiệm vụ chính trị, anh đã trở thành người “cậu ruột” của hai cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa bàn.

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai phát động, Thượng úy Giàng A Trú đã tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị phối hợp chặt chẽ với Cấp uỷ, chính quyền địa phương, các nhà trường tổ chức khảo sát, lựa chọn các cháu thật sự có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần phải giúp đỡ; từng tuần, tháng đến động viên kịp thời và giữ mối lên hệ với nhà trường, gia đình, theo dõi kết quả học tập của các cháu;

Riêng đối với trường hợp của hai cháu Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên, anh đã tham mưu cho đơn vị nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và đưa đón các cháu đến trường.

Anh kể: Thiệt thòi cho hai cháu nhỏ khi tuổi còn bé mà mồ côi bố, đặc biệt là cháu Xuyên, khi vừa ra đời thì bố đã không còn. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi làm không đủ nuôi ba con ăn học nên chị cho các cháu nghỉ học đi lao động sớm.

Sớm nắm bắt tình hình, Đồn Biên phòng đã chỉ đạo và cử Thượng úy Giàng A Trú đã đến tận nhà để đề cập vấn đề nhận nuôi hai cháu.

Ban đầu, các cháu nhất định không chịu xa mẹ, không chịu ở cùng bộ đội nên việc đón các cháu về Đồn để nuôi dưỡng gặp quá nhiều khó khăn. Sau đó, Thượng úy Trú đã nghĩ ra cách nhận các cháu là cháu ruột: Cậu họ Giàng nhé, mẹ con cũng họ Giàng nên cậu là cậu ruột. Các con về ở với cậu hàng tuần cậu sẽ đưa về thăm mẹ. Ở với cậu sẽ được đi học, đến trường vui lắm.

Có lẽ, thượng úy Trú không nhớ hết số lần đến vận động mẹ con các cháu, nhưng khi các con gật đầu theo cậu về Đồn Biên phòng ở cũng là khi người chiến sĩ ấy hạnh phúc nhất, mỉm cười ôm vội hai con vào lòng như sợ các cháu đổi ý.

Đồn là nhà, bộ đội là người thân!

Từ đó, đối với Khoa và Xuyên, đồn là nhà, các chú bộ đội là cha, hai anh em được sống trong môi trường quân ngũ, được chăm sóc, giáo dục và đặc biệt là được yêu thương.

Thượng úy Trú đã tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy đồn xây dựng hồ sơ, tổ chức ký kết giữa gia đình, UBND, Hội Chữ thập đỏ xã Dìn Chin và nhà trường, phối hợp với các nhà trường sắp xếp, chuyển cho các cháu về học các điểm trường phù hợp với địa điểm đóng quân của đơn vị sao cho việc đưa đón các cháu được thuận lợi mà không ảnh hưởng tới việc học tập của các cháu.

Đồng thời, anh Trú cũng cố gắng bố trí các cháu được học tập ở các lớp có nhiều bạn cùng dân tộc để các cháu dễ hòa nhập cả trong học tập và vui chơi.

“Các cháu là những đứa trẻ bị thiệt thòi từ nhỏ, việc phải xa nhà, xa các bạn trong thôn bản xuống sinh sống ở Đồn Biên phòng với môi trường khác biệt, toàn người lớn không thể tránh khỏi mặc cảm, rụt rè; nếu không chăm sóc, động viên chu đáo rất dễ dẫn đến việc phát triển của các cháu không được như mong muốn.

Sau khi đưa về đơn vị, tôi cũng thường xuyên dạy hai cháu từ việc ăn, mặc, vệ sinh, sinh hoạt theo chế độ giờ giấc trong môi trường Quân đội, nhất là kèm cặp trong học tập” – chiến sĩ quân hàm xanh Giàng A Trú cho biết.

“Thầy giáo” Trú còn cho biết thêm :ban đầu đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vì các cháu lớn lên trong cảnh mồ côi cha từ lúc mới sinh ra, không có điều kiện đến trường, không biết tiếng phổ thông và hàng ngày phải đưa đón hai cháu đi học cách đơn vị khoảng 5 km.

Thế nhưng, bằng tình thương yêu của các chú bộ đội, đặc biệt là người chiến sĩ vừa là Cậu, vừa là thầy, là cha như anh Trú, các cháu đã trở thành những đứa con thân yêu trong Đồn.

Hiện nay, 2 cháu có sự chuyển biến tích cực, đã biết đọc, biết viết, biết chào hỏi, dần dần sống quen môi trường Quân đội, sống gần gũi với các chú bộ đội như người nhà; năm học 2016-2017 kết quả học tập, rèn luyện đã có sự tiến bộ rõ rệt, học lực Khá, hạnh kiểm Tốt.

Hỏi Khoa và Xuyên có nhớ nhà không, có muốn về không? Hai cháu đều cười: Tuần nào cũng được về thăm mẹ, nhưng muốn ở với các chú cơ, các chú dạy học, các chú đưa đến trường, các chú yêu con lắm.

Nụ cười hồn nhiên của em bé dân tộc Mông như hòa trong nắng, đôi mắt sáng cười tươi mỗi khi nhắc đến chú bộ đội. Khoa còn nói, lớn lên con cũng thích được làm chú bộ đội. Đôi mắt lại ánh lên nhìn vào bộ quân phục màu xanh như lòng quyết tâm của em đang cháy lớn.

Thượng úy Giàng A Trú là một trong số những chiến sĩ quân hàm xanh được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017.Chương trình do Bộ GD&ĐT, Trung ương Hội LHTNVN và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Trong chuyến đi thăm các thầy được tuyên dương tại Lào Cai, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long – chia sẻ: "Không chỉ dạy chữ, các thầy giáo quân hàm xanh còn ân cần chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các học trò như những người thân trong gia đình. Nhờ sự tận tâm và nỗ lực dạy học của các “thầy giáo” quân hàm xanh, hành trình đến trường của học trò vùng sâu vùng xa đã bớt nhọc nhằn.

Các chuyến đi thăm các “thầy giáo” quân hàm xanh sẽ tiếp tục trong tháng 10/2017 tại các đồn biên phòng khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Chúng tôi tin rằng những câu chuyện đẹp về người thầy giáo quân hàm xanh sẽ còn tiếp nối và lan tỏa mạnh mẽ”.

Theo đó, các thầy sẽ được tuyên dương nhân dịp 20/11, mỗi cá nhân nhận được một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...