Thay đổi hệ số tính điểm thi vào lớp 10 tại TPHCM: Nâng tầm môn Ngoại ngữ

GD&TĐ - Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất UBND TP điều chỉnh ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ cùng tính điểm hệ số 1 tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2021 - 2022.

Giờ học tiếng Anh của học sinh khối 9 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Quận 10. Ảnh minh họa:  P.Nga
Giờ học tiếng Anh của học sinh khối 9 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Quận 10. Ảnh minh họa: P.Nga

Đề xuất này nhằm nâng tầm môn Ngoại ngữ và phù hợp với cách điều chỉnh đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 26. 

Nâng cao vị thế môn Ngoại ngữ 

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến sơ kết học kỳ I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020 - 2021 bậc trung học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Dự kiến, đầu tháng 6 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập được tổ chức. Quan điểm của sở GD&ĐT là hình thức, nội dung và kiến thức thi không thay đổi đột ngột nhưng có sự đổi mới, lồng ghép để học sinh quen dần với kỳ thi tuyển sinh.

Theo đó, sở sẽ tham mưu với UBND TP đề xuất thay đổi hệ số tính điểm thi các môn vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Theo đó, điểm môn Toán, Văn và Ngoại ngữ đều là hệ số 1. Đây là sự thay đổi quan trọng, một định hướng để phát triển ngoại ngữ. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Hiếu, đề xuất này dựa trên những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh theo Thông tư 26. Cụ thể, môn Ngoại ngữ cùng môn Văn, Toán là một trong 3 môn để xếp loại học sinh. 

Thay đổi này cho thấy môn Ngoại ngữ dần có vị trí quan trọng trong việc phân loại, đánh giá học sinh. Bên cạnh đó, thời lượng học môn Ngoại ngữ ở các trường THPT được phân bổ bằng hai môn Toán và Ngữ văn (105 tiết/năm). 

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Đề án ngoại ngữ quốc gia để các địa phương tập trung đầu tư việc dạy và học ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân. TPHCM cũng có đề án phát triển ngoại ngữ với mong muốn học sinh TP đạt được chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện để tiếp cận đến chương trình tiên tiến bậc đại học ở trong nước và tự tin du học. Chính vì vậy việc nâng tầm môn Ngoại ngữ phải được thể hiện qua thời lượng, cách đánh giá. 

Cũng theo ông Hiếu, thay đổi này không làm xáo trộn công tác dạy và học ở các trường phổ thông trong định hướng kế hoạch từ đầu năm học. Nội dung thi vẫn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm: Nhiều năm qua, TP kiên trì việc đổi mới trong đề thi. Các câu hỏi không chú trọng vào việc kiểm tra lý thuyết đơn thuần mà nhằm vào việc đánh giá năng lực, khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào giải quyến vấn đề trong thực tiễn. 

Cũng theo đề xuất này, dự kiến môn thi Ngoại ngữ được nâng thời gian thi từ 60 phút lên 90 phút và tăng câu hỏi để phù hợp với thời lượng.

Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 tại TPHCM. Ảnh minh họa: P.Nga
Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 tại TPHCM. Ảnh minh họa: P.Nga 

Giáo viên đồng tình, phụ huynh ủng hộ

Chị Nguyễn Thị Mai, có con theo học lớp 9 tại Trường THCS Thái Văn Lung, TP Thủ Đức (TPHCM) cho rằng: Đề xuất của sở là hợp lý, tránh tình trạng học sinh học “ưu ái” môn này, môn kia và cho rằng môn Toán, Ngữ văn quan trọng hơn Ngoại ngữ. 

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) chia sẻ: Với khối lớp 9, song song việc dạy học bảo đảm chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ đầu năm, trường có kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp với thời lượng bằng nhau ở ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Trường cũng xác định với  học sinh, phải học tốt các môn, chứ không có tư tưởng “môn chính, môn phụ”. 

Thầy Khoa nêu quan điểm: Thay đổi hệ số điểm môn thi lớp 10 của Sở GD&ĐT là  đề xuất phù hợp với xu thế chung, nâng cao vai trò của môn Ngoại ngữ. Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nền tảng, kỹ năng phải có trong thời buổi hội nhập. Từ nhiều năm qua, TP luôn đi đầu trong việc đổi mới dạy học Ngoại ngữ và qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm trung bình môn Tiếng Anh dẫn đầu cả nước. 

Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cũng nhìn nhận đề xuất điều chỉnh hệ số trong cách tính điểm môn thi lớp 10 hoàn toàn hợp lý, phù hợp. Đầu tiên, nó phù hợp với cách đánh giá, xếp loại học sinh trung học theo Thông tư 26, trong đó nâng cao vị trí của môn Ngoại ngữ. Trước đây để đạt danh hiệu học sinh Giỏi, học sinh phải đạt điểm trung bình ít nhất một trong hai môn Văn hoặc Toán từ 8.0 trở lên thì bây giờ là ít nhất một trong 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh, do đó, tăng cơ hội đạt học sinh Giỏi cho học sinh, và tương tự là xếp loại Khá, Trung bình...

Tiếp đến, vị thế của môn Ngoại ngữ được nâng cao, thể hiện qua thời lượng ở chương trình GDPT, chủ trương của Chính phủ bằng các đề án, của ngành GD-ĐT và toàn xã hội. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu HS có các chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định, môn Ngoại ngữ sẽ được tính điểm 10 để xét tốt nghiệp. Với tuyển sinh ĐH, ngoại ngữ cũng là một trong những tiêu chí ưu tiên khi xét tuyển vào nhiều trường. 

“Ngoại ngữ không chỉ là công cụ mà là kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế, yếu tố cần trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, thầy Nguyễn Hùng Khương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ