Tháo gỡ rào cản phát triển GD Mầm non

GD&TĐ - Được coi là bậc học quan trọng, giáo dục mầm non có vai trò định hình tạo lập thói quen, định hướng phát hiện các tố chất giúp bé phát triển toàn diện hơn. Tuy rằng đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng do biến động dân số GDMN lại đang gặp không ít trở ngại cho phát triển. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) về những nội dung liên quan.  

GDMN có ý nghĩa quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ
GDMN có ý nghĩa quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ

Mạng lưới CS GDMN phát triển đến tận thôn bản

* Xin ông cho biết, tầm quan trọng, ý nghĩa của bậc học GDMN, và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với bậc học này?

Giáo dục mầm non (GDMN) là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ, thẩm mỹ của trẻ em. Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển cho các giai đoạn tiếp theo. Những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua GDMN sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này.

Tầm quan trọng và lợi ích của GDMN được công nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hội nghị quốc tế về GDMN tại Bắc Kinh (Trung Quốc - tháng 10/2015) khẳng định: “Tập trung đầu tư nguồn lực cho GDMN để bảo đảm phát triển công bằng”. Mục tiêu phát triển bền vững được Liên Hiệp Quốc công bố năm 2015 cũng nhấn mạnh đến đầu tư chăm sóc, GD trẻ thơ toàn diện để bảo đảm bền vững, xóa đói giảm nghèo.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển GDMN. Những chính sách quan trọng này tác động sâu sắc đối với sự phát triển GDMN trong thời gian qua, đã từng bước đưa GDMN vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc GD trẻ; Mạng lưới cơ sở GDMN phát triển tận thôn, bản; đảm bảo mỗi xã phường có một trường MN, tỷ lệ trẻ đến trường tăng nhanh theo từng năm học.

Chất lượng chăm sóc GD trẻ được nâng lên; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao; việc thực hiện công bằng trong GD từng bước được bảo đảm cả về chất và lượng. Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên MN có những chuyển biến rõ rệt, giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.

Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh 

Những rào cản cho phát triển

*Thưa ông, để phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thách thức đối với GDMN hiện nay là gì?

Mạng lưới trường lớp, quy mô phát triển GDMN vẫn còn nhiều hạn chế bất cập: Một số khu đô thị, khu công nghiệp chưa đủ trường lớp, để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động. Vùng núi cao, vùng nông thôn vẫn còn nhiều điểm lẻ, hạn chế trong việc đảm bảo chất lượng thực hiện CT GDMN.

Quy mô, chất lượng GDMN ngoài công lập chưa đạt được như mong đợi, đặc biệt là tại một số nhóm trẻ tư thục còn xảy ra tình trạng bạo hành trong chăm sóc trẻ. Cả nước còn khoảng 3.000 nhóm/lớp tư thục chưa được cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ nếu không có biện pháp quản lý thích hợp.

Tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương, tạo sức ép lớn cho giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Tỉ lệ giáo viên/ lớp ở một số địa phương rất thấp: Cà Mau (1,25 GV/nhóm trẻ; 1,42 GV/lớp MG), Đắk Nông (1,3 và 1,43); Điện Biên (1,32 và 1,36); Hà Giang (1,39 và 1,20). Kỹ năng thực hành, tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở một bộ phận giáo viên còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng GDMN.

Nhiều nơi thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày. Số phòng học tạm-nhờ còn nhiều (6.680 phòng học tạm và 5.440 phòng học nhờ, mượn); công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN.

Quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập, đặc biệt là quản lý nhóm lớp độc lập tư thục còn nhiều bất cập. Toàn quốc có 15.348 cơ sở GDMN độc lập tư thục, trong đó còn 884 cơ sở có số trẻ trên 100 trẻ, nhưng chưa đủ điều kiện thành lập trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ (Đồng Nai 194 cơ sở; TPHCM 119; Hà Nội 85); có trên 3.000 cơ sở GDMN độc lập tư thục chưa được cấp phép vẫn hoạt động. Việc kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý các vi phạm ở các nhóm lớp độc lập tư thục cũng như sai phạm trong việc cấp phép hoạt động của các nhóm lớp độc lập tư thục ở một số địa phương chưa hiệu quả.

Giải pháp tháo gỡ

* Vậy Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp nào để tháo gỡ, thưa ông?

Chúng tôi đã đề xuất một số nội dung điều chỉnh trong Luật Giáo dục sửa đổi: Nâng chuẩn trình độ GVMN lên cao đẳng, đề xuất có chính sách phát triển GDMN, đưa phát triển GDMN ở khu vực KCN vào đối tượng cần có chính sách ưu tiên; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản dưới luật.

Hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng hệ thống quy chuẩn trường lớp mầm non để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch.

Bộ cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg về đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát địa phương trong việc phát triển trường lớp đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ MN, trong việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển GDMN ngoài công lập theo quy hoạch chung của địa phương; tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển trường lớp ở các địa phương có nhiều KCN, KCX;

Chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng phương án kinh phí cho phép các cơ sở GDMN thực hiện hợp đồng lao động đối với số lượng GVMN còn thiếu theo định mức quy định (theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP); đồng thời thực hiện và xây dựng cơ chế chính sách địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường MN ngoài công lập; lập phương án chuyển một số trường MN công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao; xây dựng cơ chế, chính sách để chuyển một số trường công lập sang tự chủ và tự chủ một phần.

Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý GV phù hợp và hiệu quả đáp ứng nhu cầu trẻ đến trường tăng nhanh trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

Cùng với đó là việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với cơ sở GDMN, đặc biệt là việc cấp phép thành lập, hoạt động các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; Kiên quyết đình chỉ các nhóm lớp độc lập tư thục không đảm bảo các điều kiện theo quy định; Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.

*Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ