Thành lập Tổ tư vấn tâm lý trong trường phổ thông

GD&TĐ - Năm học 2017 – 2018, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn thành lập Tổ tư vấn tâm lý do 1 lãnh đạo trường trực tiếp phụ trách.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giáo viên, cán bộ đoàn/đội, cộng tác viên là cán bộ các lớp, phối hợp với tổ chức, cá nhân chuyên môn thực hiện công tác tư vấn trong nhà trường.

Đây là nỗ lực, quyết tâm của giáo dục Phú Thọ nhằm tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng chống bạo lực học đường, giúp học sinh tích lũy kỹ năng sống, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội, giảm thiểu những tiêu cực có thể xảy ra.

 Bộ GD&ĐT cần ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông, thống nhất trên phạm vi toàn quốc về mô hình hoạt động, quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách, nguồn kinh phí... để triển khai công tác tư vấn tâm lý trong trường học một cách đồng bộ và hiệu quả
Ông Nguyễn Minh Tường

Tư vấn tâm lý học đường là hoạt động quan trọng

Một trong những nhiệm vụ được Sở GD&ĐT Phú Thọ nhấn mạnh trong năm học 2017 – 2018 là tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông. Các đơn vị tùy theo điều kiện thực tế, bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng hoặc tại phòng đoàn/đội của nhà trường;

Chia sẻ từ Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Tường, trong yêu cầu thành lập, kiện toàn Tổ tư vấn tâm lý, Sở GD&ĐT đã lưu ý, tùy từng điều kiện thực tế của nhà trường, thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập Tổ tư vấn tâm lý, gồm đại diện lãnh đạo nhà trường, giáo viên tư vấn tâm lý (kiêm nhiệm), cán bộ đoàn/đội kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý; cộng tác viên có thể là cán bộ lớp.

Tổ tư vấn tâm lý có trách nhiệm trợ giúp tâm lý cho học sinh để nâng cao hiểu biết về bản thân, các mối quan hệ xã hội; tiến hành các tư vấn các kỹ năng phòng ngừa, định hướng, hỗ trợ và can thiệp khi học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để các em tìm được hướng giải quyết phù hợp.

Hoạt động Tổ tư vấn tâm lý cũng được quy định rõ với việc xây dựng kế hoạch hàng năm, đa dạng hóa các nội dung tư vấn định hướng; tư vấn định hướng trọng điểm hàng tháng, phù hợp lứa tuổi; gắn với giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Cùng với đó là phát hiện và tư vấn riêng khi cho học sinh: qua tư vấn trực tiếp, email, điện thoại,...; tư vấn đối với phụ huynh để họ biết cách quản lý con cái và phát hiện tâm tư, nguyện vọng của học sinh.

“Chúng tôi cũng đã có hướng dẫn cụ thể tới các trường về nội dung tư vấn tâm lý. Hình thức tư vấn có thể qua xây dựng các chuyên đề, các hoạt động ngoại khóa; qua các cuộc thi tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi,…; tổ chức giảng dạy lồng ghép trong các môn học có liên quan, các giờ sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp; tư vấn thông qua tài liệu, tờ rơi; tư vấn riêng, trực tiếp hoặc qua email, điện thoại; tư vấn qua các diễn đàn, câu lạc bộ, website của nhà trường,…” – ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nhiều năm qua, Sở GD&ĐT Phú Thọ đều chỉ đạo các trường phổ thông, trong đó tập trung là trường THCS, THPT, thành lập bộ phận hoặc Tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, phụ huynh để định hướng cho học sinh có nhận thức đúng đắn, vượt qua được những khó khăn gặp phải trong học tập và sinh hoạt.

Riêng năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho trên 400 đại diện lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT, bí thư đoàn, tổng phụ trách đội của các trường tiểu học, THCS, THPT kiến thức về tư vấn tâm lý, tâm lý giáo dục.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tường cũng chia sẻ còn không ít khó khăn trong hoạt động tư vấn tâm lý trong các trường học trên địa bàn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là 100% cán bộ tư vấn tâm lý vẫn kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý. Bên cạnh đó, học sinh còn e ngại khi đến phòng tư vấn tâm lý; Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

“Bộ GD&ĐT cần ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh phổ thông, thống nhất trên phạm vi toàn quốc về mô hình hoạt động, quy định về chuyên môn, biên chế, chế độ chính sách, nguồn kinh phí... để triển khai công tác tư vấn tâm lý trong trường học một cách đồng bộ và hiệu quả” – ông Nguyễn Minh Tường nêu kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.