Thành công của đội tuyển Olympic quốc tế 2021: Nỗ lực của cả thầy và trò

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch Covid-19, phải học online, ôn luyện và thi trực tuyến nhưng học sinh các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế năm 2021 của Việt Nam vẫn đạt thành tích ấn tượng.

Học sinh Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021.
Học sinh Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2021.

Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các em học sinh, sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo và sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cuộc thi. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi đã chuẩn bị chu đáo, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh và các yêu cầu chuyên môn nghiêm ngặt của Ban tổ chức.

Biến khó khăn thành lợi thế

Thầy Lê Anh Vinh - Trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế chia sẻ: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm nay là năm thứ 2 đội tuyển phải dự thi trực tuyến, và việc tập huấn đội tuyển cũng diễn ra hoàn toàn trực tuyến.

Đội tuyển IMO của Việt Nam gồm 4 học sinh ở Hà Nội, 1 học sinh ở Vĩnh Phúc, 1 học sinh ở TPHCM. Khi có danh sách đội tuyển thì cũng là lúc Vĩnh Phúc có đợt dịch bùng phát, nên việc tập trung học sinh phải dừng lại, chuyển sang học online.

Sau đó khoảng 1 tháng, Vĩnh Phúc hết dịch, thì lại bùng dịch tại TPHCM. Cuối cùng thì đội tuyển Toán trong suốt 2 tháng chuẩn bị đã không tập trung cùng nhau buổi nào, các bạn cũng không được gặp nhau trực tiếp buổi nào. Đây là một trong những khó khăn cho đội tuyển năm nay.

Nhưng do chuẩn bị từ trước nên đội tuyển đã không rơi vào thế bị động và thậm chí còn biến đó thành lợi thế. Học sinh được ở nhà phòng dịch mà vẫn học được đầy đủ kiến thức. Lãnh đội đã mời được nhiều thầy cô để giảng dạy không bị hạn chế về địa điểm. Cùng với đó là các học sinh có thành tích tại các kỳ thi Olympic trước đó sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng đội tuyển.

Các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong quá trình tập huấn và dự thi.
Các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong quá trình tập huấn và dự thi.

Chính vì vậy, công tác tập huấn cho học sinh được thực hiện rất đều đặn, hiệu quả tốt, hầu như không bị rào cản về mặt chuyên môn. Học sinh tham gia đội tuyển đều là những học sinh giỏi, tinh thần tự giác học tập của các bạn rất cao, nên các thầy đánh giá là mặc dù học online nhưng chất lượng không hề thua kém các năm khác.

Việc học trực tuyến còn đem lại một lợi ích khác nữa. Đó các thầy đã mở một số buổi học tới cho các bạn học sinh lớp 10, lớp 11 có thể tham gia cùng. Các bạn xem và có sự hình dung để chuẩn bị cho những năm sau. Điều này đã giúp đội tuyển nghĩ tới việc mở ra hướng mới trong công tác đào tạo trong những năm sau.

GS.TS Lê Anh Vinh cũng nhấn mạnh việc chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, sự vào cuộc kịp thời của các trường đại học, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Công tác tổ chức rất kỹ càng và luôn linh động khắc phục các tình huống đột xuất. Riêng môn Toán, tại Hà Nội có một giám sát viên quốc tế, là chuyên gia giáo dục của UNESCO, và tại TP.HCM có 1 giám sát viên quốc tế người Hàn Quốc.

GS Vinh cho biết thêm, khi có thông tin số ca mắc của TP.HCM tăng lên, lập tức các thầy trong đội tuyển đã đặt ra vấn đề một học sinh trong đội tuyển ở TP.HCM có ra Hà Nội thi hay không? Vấn đề này nhanh chóng được giải quyết khi lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng đã kịp thời quyết định để bạn đó thi ở TP.HCM và thành lập hội đồng thi tại đây.

"Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT, các phương án được linh hoạt giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn cho thí sinh trong thời gian ôn luyện cũng như trong thời gian thi đấu. Tại các kỳ Olympic năm nay, điểm nổi bật là sự chuẩn bị tốt. Ai cũng thấy là chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng sự chuẩn bị tốt về tâm lý ứng phó với dịch bệnh, khiến thầy và trò đều không bị động"- GS.TS Lê Anh Vinh bày tỏ.

Đội tuyển Olympic Toán tập huấn dưới hình thức trực tuyến.
Đội tuyển Olympic Toán tập huấn dưới hình thức trực tuyến.

Các trường đại học chuẩn bị chu đáo

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ sở giáo dục trong nước đã góp phần quan trọng vào thành công của các đội tuyển Olymic quốc tế năm nay, PGS.TS Nguyễn Thế Khôi - Trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lý quốc tế bày tỏ  lời cảm ơn tới Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện để các học sinh có thể dự thi trực tuyến.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cung cấp địa điểm, trang thiết bị thực hành, ôn tập cho học sinh trong suốt quá trình dự thi. Đặc biệt, đội ngũ thầy cô khoa Vật lý (Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội) đã cập nhật các nội dung, phương pháp huấn luyện mới cho thí sinh, nhất là kỹ năng làm thí nghiệm mô phỏng trên máy tính để phù hợp với thay đổi hình thức thực hành năm nay.

Trước sự đầu tư bài bản, em Nguyễn Mạnh Quân (lớp 12, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, TP Hà Nội) đã xuất sắc giành cú đúp huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á- Thái Bình Dương và Olympic Vật lý quốc tế. Đặc biệt, Quân còn là thí sinh đạt giải cao nhất của kỳ thi kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á- Thái Bình Dương.

Còn thầy Nguyễn Quang Huy - Trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế bày tỏ: Trong 2 năm vừa qua, tất cả các cuộc thi Olympic quốc tế đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến với địa điểm thi là các trường học trong nước. Do đó, công tác chuẩn bị tại các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong thành công của các thí sinh dự thi.

Đội tuyển Olympic Hóa học tập trung tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đội tuyển Olympic Hóa học tập trung tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Các thí sinh đội tuyển Việt Nam tham gia thi tại điểm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với máy tính được ảo hoá và có camera giám sát toàn bộ quá trình dự thi theo thời gian thực. Đây là yêu cầu của Ban tổ chức về cơ sở vật chất nơi thí sinh thi để bảo đảm kết quả thi trung thực, khách quan.

Các thí sinh đã trải qua 2 buổi thi, mỗi buổi 180 phút với hai phần thi lý thuyết và thực hành. Năm nay cũng là năm đầu tiên học sinh hoàn toàn làm bài trên máy tính với các dạng câu hỏi khác nhau. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, các học sinh Việt Nam được tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình làm bài và đều đã đạt được thành tích cao.

Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với các đơn vị có liên quan đã chuẩn bị chu đáo, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch bệnh và các yêu cầu chuyên môn nghiêm ngặt của Ban Tổ chức để tổ chức cuộc thi hiệu quả, vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan trong tổ chức thi.

Trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải ba - giải chính thức của Hội thi và 2 dự án đoạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Thành tích của các đội tuyển đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc trong học tập, rèn luyện của các em học sinh, giáo viên, các nhà trường, các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thi và cả các phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19; trong đó nhiều em đã vượt lên những khó khăn riêng của bản thân và gia đình để hoàn thành tốt kỳ thi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.