Thăng hạng giáo viên: Thực hiện sau 10 năm chờ đợi

GD&TĐ - Sau gần 10 năm không tổ chức xét thăng hạng giáo viên THPT, năm 2022 sau khi Thông tư 34 ra đời, Nghệ An được giao hơn 1.500 chỉ tiêu giáo viên cấp học này từ hạng III lên hạng II.

Hơn 1.500 giáo viên THPT tại Nghệ An được xét từ hạng III lên hạng II.
Hơn 1.500 giáo viên THPT tại Nghệ An được xét từ hạng III lên hạng II.

Xét thăng hạng đã giúp hàng nghìn nhà giáo có quyền lợi, chế độ xứng đáng với trình độ, năng lực, quá trình công tác. Tuy nhiên, thực tế triển khai có một số giáo viên “lỡ” cơ hội. 

Công khai, minh bạch

Tháng 1/2022, Nghệ An ban hành Kế hoạch số 14/KH – UBND về tổ chức kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT công lập từ hạng III lên hạng II. Đợt thăng hạng này được tổ chức theo Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương) có 20 hồ sơ xét thăng hạng năm 2022, trong đó có 16 giáo viên đủ điều kiện từ hạng III lên hạng II. Thầy Nguyễn Văn Thuận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo hướng dẫn, tất cả hồ sơ của giáo viên đều đạt 100 điểm “cứng” với nhóm tiêu chí gồm: Tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có các minh chứng về chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, có chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên phần minh chứng và chấm điểm về thực hiện nhiệm vụ (tối đa 7 điểm) thì có sự chênh lệch. Trong đó, một số giáo viên thắc mắc về quá trình công tác lâu năm, đạt nhiều thành tích nhưng điểm lại không cao bằng giáo viên trẻ. Khi được giải thích và hiểu được cách thức chấm điểm theo quy định, giáo viên đã chấp nhận kết quả của mình.

Tương tự, Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có 18/27 hồ sơ được xét thăng hạng từ giáo viên hạng III lên hạng II. Trong số này, người trẻ nhất 36 tuổi và người lớn tuổi nhất trên 50 tuổi. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phương, với 18 chỉ tiêu, nhà trường đã công khai kết quả để giáo viên nắm rõ thông tin. Người xếp thứ 18 và 19 chỉ cách nhau số điểm rất nhỏ. Những người được xét lên hạng II đều xứng đáng. Đổi lại số giáo viên chưa được xét thăng hạng đợt này không tránh khỏi nuối tiếc, hụt hẫng.

Cô Nguyễn Thị Lan là trường hợp xếp thứ 19 trong 27 hồ sơ của Trường THPT Nghi Lộc 2. Bản thân không băn khoăn về điểm số, nhưng thấy tiếc, nhất là khi tuổi đời đã ngoài 50. Là giáo viên môn Thể dục, công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2 từ năm 1993, cô từng đạt giáo viên dạy giỏi tỉnh chu kỳ 2011 – 2012, làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Tuy nhiên, từ năm 2016 vì lý do sức khỏe nên cô xin không đảm nhiệm các nhiệm vụ trên, chỉ dạy học bình thường.

“Tôi đã vượt khung lương 5%, rất mong được xét thăng hạng đợt này để tăng bậc lương. Nhưng theo quy định chỉ chấm điểm các minh chứng từ năm 2016 đến nay nên so với giáo viên trẻ, mới có thành tích, thì thiệt thòi hơn. Tôi cũng được động viên chờ tới đợt thăng hạng sau, nhưng số năm công tác còn lại không nhiều, nên không biết có kịp hay không”, cô Lan tâm sự.

Tham gia chấm thi cũng là tiêu chí để chấm điểm xét thăng hạng giáo viên.
Tham gia chấm thi cũng là tiêu chí để chấm điểm xét thăng hạng giáo viên.

Cần tham gia nhiều hoạt động chuyên môn

Từ năm 2012 đến trước thời điểm tổ chức xét thăng hạng năm nay, toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 41 giáo viên THPT hạng I và chưa đến 10 giáo viên hạng II. Nhiều trường THPT không hề có giáo viên hạng II, hạng I. Đơn cử như Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) có hơn 80 cán bộ, giáo viên đều hạng III, kể cả ban giám hiệu và những người công tác trên 20 năm.

Năm 2022, Nghệ An được phê duyệt 1.512 chỉ tiêu giáo viên THPT hạng II. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Nghệ An, sau khi công bố, sở nhận được 1.767 hồ sơ của giáo viên 90 trường THPT và các trung tâm GDTX, GDNN – GDTX trên địa bàn. Có 2 đơn vị không có giáo viên đăng ký, do chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đó là Trung tâm GDNN – GDTX huyện Hưng Nguyên và huyện Quỳ Châu. Qua hơn 2 tháng chấm và xét duyệt hồ sơ, phúc khảo, sở đã công bố danh sách chính thức giáo viên được thăng hạng II. Đây cũng là đợt thăng hạng với số lượng giáo viên THPT được công nhận lớn nhất từ trước đến nay của Nghệ An.

Ông Chu Văn Long – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT cho biết: Nghệ An là một trong những tỉnh sớm triển khai việc xét thăng hạng giáo viên. Trước đó, ngành đã nhiều lần tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ xin chỉ tiêu giáo viên THPT hạng II với số lượng trên 2.000 người (chiếm 40% tổng giáo viên cấp học này). Tuy nhiên, năm 2022, tỉnh mới được phê duyệt 1.521 chỉ tiêu.

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cũng khẳng định, ngành đã thực hiện theo quy định từ lập hồ sơ (vòng cơ sở) đến việc chấm điểm do hội đồng xét thăng hạng của tỉnh. Quá trình xét thăng hạng giáo viên được “cân đo đong đếm” kỹ lưỡng, rà soát từng minh chứng để chấm điểm hồ sơ giáo viên. Điều này liên quan đến việc giao và phân bổ chỉ tiêu.

Cụ thể, 1.521 chỉ tiêu giáo viên hạng II không chia đều cho các đơn vị giáo dục THPT, mà phân bổ số lượng khác nhau tùy theo đặc điểm từng trường. Cho nên, có trường được trên 30 chỉ tiêu, nhưng cũng có trường chỉ gần 20 chỉ tiêu. Trường miền núi khác trường vùng đồng bằng, thành thị hoặc trường THPT bình thường khác với trường THPT chuyên, Trung tâm GDTX.

Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên đơn vị này có tổng điểm cao hơn giáo viên đơn vị khác nhưng vẫn trượt do đã lấy đủ chỉ tiêu. Ví dụ Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có gần 10 thầy cô lỡ đợt xét thăng hạng II lần này, dù điểm cao hơn nhiều so với giáo viên “đạt” của trường khác. Nhưng cũng có đơn vị không cần xét đến tiêu chí tăng thêm, mà chỉ cần đủ 100 điểm tiêu chuẩn “cứng”, vì hồ sơ ít hơn chỉ tiêu, như Trường THPT Nam Yên Thành, THPT Đặng Thai Mai, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Thanh Chương.

Ông Chu Văn Long cho biết thêm: Theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT, các minh chứng, điều kiện và hồ sơ của giáo viên được tính từ năm 2016 trở lại đây. Vì vậy, giáo viên lớn tuổi sẽ thiệt thòi. Điều này xuất phát từ thực tế giáo viên sau khi đạt được những thành tích nhất định như giáo viên giỏi tỉnh, tham gia chấm thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi… đã lui về tập trung dạy học, nhường cơ hội cho giáo viên trẻ. Mặt khác, nếu giáo viên không chú ý giữ gìn, tập hợp các minh chứng (các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc điều động chuyên môn) cũng sẽ “đánh mất điểm” đáng tiếc.

Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, mục tiêu của thăng hạng là để giáo viên công tác, cống hiến tốt hơn trên vị trí chức danh nghề nghiệp mới, với chế độ, quyền lợi tương ứng. Thăng hạng không phải là đích đến và dừng lại không phấn đấu nữa. Qua đợt xét thăng hạng này, là “kinh nghiệm” để giáo viên tham gia nhiều hoạt động chuyên môn khác, ngoài tập trung dạy học như tham gia làm báo cáo viên, chủ trì các lớp bồi dưỡng, viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia chấm thi, bồi dưỡng học sinh giỏi… Bên cạnh đó, lãnh đạo các trường THPT cũng có giải pháp, giao việc cho giáo viên phù hợp năng lực, trình độ, nhất là các thầy cô lâu năm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ