Thách thức về chất lượng phân luồng học sinh

GD&TĐ - Thời điểm này, các trường trung học đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh cuối cấp. Đây là việc làm “dễ” khi đưa ra các con số, chỉ tiêu, nhưng “khó” để xác định đúng đối tượng cũng như bảo đảm chất lượng phân luồng. Trong khi, nhiều đơn vị còn chịu áp lực về thành tích, xếp hạng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Học nghề theo nguyện vọng

Quyết định chọn phân luồng sau THCS của Mã Xuân Trường (HS lớp 9B, Trường THCS Đội Cung, TP Vinh) khiến bạn bè, thầy cô khá bất ngờ. Em có năng khiếu và đam mê khoa học kỹ thuật. Năm học này, em đã sáng tạo ra “Xe đẩy tính tiền trong siêu thị” đoạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp trường và giải Ba cấp thành phố.

Đây là một lợi thế để em thi vào THPT, nhưng cậu học trò đã chọn học nghề sửa chữa ô tô bởi “Lực học các môn văn hóa của em chỉ ở mức trung bình, khó thi đậu vào trường THPT công lập ở TP Vinh. Trong khi em lại rất thích máy móc, lắp ráp sửa chữa nên sẽ đăng ký đi học nghề. Bố làm nghề sửa ô tô nên em học được từ bố rất nhiều. Bây giờ học nghề cũng có thể lấy được bằng THPT, tiết kiệm thời gian và em có thể sớm đi làm, giúp cho công việc của gia đình”.

Ông Phan Lam Giang - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Diễn Châu trao đổi: Học sinh của trung tâm hầu hết là đối tượng phân luồng từ lớp 9, nên khi nhập học, các em đồng thời đăng ký học nghề. Đặc thù của học sinh GDTX yêu cầu trình độ kiến thức không quá cao, số tiết học văn hóa là 15 tiết/tuần, ít hơn các trường THPT. Các em có thời gian để học nghề, thực hành ngay tại xưởng của trung tâm. Tuy nhiên, trung tâm chỉ có chức năng đào tạo nghề sơ cấp, vì vậy để tạo điều kiện cho học sinh được đào tạo trình độ cao, chúng tôi liên kết với các trường trung cấp, CĐ nghề để dạy và cấp bằng trung cấp cho các em.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Đẩy mạnh phân luồng, trường nghề vẫn khát học sinh

Thời điểm này, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đẩy mạnh công tác phân luồng cho học sinh cuối cấp. Xác định số lượng học sinh phân luồng để có phương án ôn thi, định hướng nghề nghiệp phù hợp. Tại lớp 9B Trường THCS Đội Cung (TP Vinh) xác định được khoảng 10 em thuộc diện phân luồng, “nhưng sẽ cố gắng nâng lên thành 20 em vào cuối học kỳ II”, cô Dương Thị Minh Huệ (GV chủ nhiệm) cho biết.

Theo cô Huệ, lớp của cô tập trung nhiều đối tượng phân luồng hơn so với các lớp khác trong trường và chiếm khoảng 50% sĩ số. Đây hầu hết là các em học yếu, khó có khả năng thi vào các trường THPT công lập. Những em này có các xu hướng chính là học các trường THPT ngoài công lập, đi học nghề. Nếu phân luồng tốt sẽ đỡ cho các em không phải ôn thi vất vả, vì trường ngoài công lập xét tuyển chứ không thi tuyển.

Đồng thời, thành tích của lớp, của trường cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi các em học lực quá yếu dự thi điểm số sẽ rất thấp và kéo thứ hạng của trường xuống thấp. Năm học trước, toàn Trường THCS Đội Cung có khoảng 30 học sinh phân luồng (chiếm tỷ lệ 20%). Trong số đó, có 20 học sinh tiếp tục học lên THPT ở trường ngoài công lập, 6 học sinh đi học nghề và có 4 học sinh đi làm.

Vài năm lại đây, tỷ lệ học sinh phân luồng của Nghệ An ngày càng rõ với khoảng 25% học sinh THCS không thi lên lớp 10 và gần 40% học sinh thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, chưa có con số thống kê cụ thể nào về tỷ lệ học sinh phân luồng đăng ký đi học nghề. Tìm hiểu tại một số trường, tỷ lệ này còn khiêm tốn.

Tại Trường THPT Nghi Lộc 3 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), dù năm nào cũng có hơn 30% học sinh phân luồng nhưng đến thời điểm này nhà trường cũng không thống kê được bao nhiều học sinh tiếp tục học nghề. Thầy Nguyễn Văn Phúc, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Mục đích của phân luồng, hướng nghiệp là để hướng các em đi học nghề. Nhưng qua theo dõi, các em lại không mặn mà với các trường nghề mà thường lựa chọn đi du học (hình thức vừa học vừa làm) hoặc đi xuất khẩu lao động.

Điều này cũng dẫn đến thực trạng, học sinh phân luồng thì đông nhưng các trường nghề vẫn “khát” học sinh. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quỳ Châu sau gần 2 năm sáp nhập vẫn khó khăn trong tuyển sinh, tuyển không đủ chỉ tiêu. Dù định hướng của trung tâm là học viên vừa học nghề, vừa học văn hóa và sau khi tốt nghiệp sẽ có bằng trung cấp (theo hình thức liên kết).

Ông Bùi Hoàng Báu, Giám đốc trung tâm cho hay: Năm trước, chúng tôi cùng với một trường trung cấp nghề ở TP Vinh tổ chức tư vấn 10 buổi cho học sinh Trường THPT Quỳ Châu và có 80 em đăng ký. Nhưng, đến khi nộp hồ sơ thì các em lại không tham gia nữa và chúng tôi không đủ học sinh để tổ chức lớp. Riêng với học sinh THCS, toàn huyện thống kê có khoảng 300 học sinh phân luồng và không đậu THPT nhưng số học sinh đăng ký tham gia học nghề rất ít, dù nhà trường có chính sách hỗ trợ toàn bộ học phí và miễn phí chỗ ở cho các em, cam kết giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Năm nay, trung tâm cũng tích cực trong tư vấn, hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện và có dấu hiệu khả quan hơn. Nhưng vẫn chưa thể khẳng định được gì về số lượng học sinh sẽ nộp hồ sơ về.

Việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh THCS đang thực hiện theo hình thức “phân tầng học lực”, vận động học sinh học yếu, kém đi học nghề. Vô hình trung có thể đẩy một số học sinh không muốn phân luồng phải nghỉ học, đi theo các con đường khác mà các em không mong muốn. Còn ở bậc THPT, dù các em đã tự ý thức phân luồng dựa trên năng lực nhưng sau đó ít vào trường nghề. Điều này gây lãng phí nguồn nhân lực và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ