Tập huấn giáo viên cốt cán: Thấm chương trình, lan tỏa kiến thức

GD&TĐ - Đội ngũ giáo viên cốt cán sau khi được tập huấn, vừa trực tuyến, trực tiếp đã và đang áp dụng kiến thức, kỹ năng học được trong các hoạt động giáo dục, đồng thời tích cực hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương.

Cô và trò Trường THPT Đà Bắc (Hòa Bình). Ảnh: TG
Cô và trò Trường THPT Đà Bắc (Hòa Bình). Ảnh: TG

Tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp

Cô Phạm Thị Thùy Linh - giáo viên cốt cán môn công nghệ Trường THPT Đà Bắc (Hòa Bình) sau khi hoàn thành khoá tập huấn trực tiếp dành cho giáo viên cốt cán và tự học trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch và triển khai việc hỗ trợ đồng nghiệp. Cô Linh khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi và việc tập huấn là cần thiết.

Theo cô Linh, điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chú trọng hình thành năng lực người học, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi về phương pháp để khơi nguồn cảm hứng cho học sinh. Nhờ những kiến thức học được trong buổi tập huấn, cô tự tin hướng dẫn, hỗ trợ các đồng nghiệp, giúp thầy cô chủ động thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Phạm Thị Ngọc - giáo viên Trường Tiểu học & THCS Chí Thiện (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) cho biết, đã học hỏi được nhiều kiến thức về phương pháp dạy học phát triển năng lực, biết cách tổ chức hoạt động học lôi cuốn học sinh qua các đợt tập huấn.

Sau khi được tập huấn, cô Ngọc đã áp dụng được nhiều phương pháp mới vào xây dựng kế hoạch bài dạy và hướng dẫn học sinh tốt hơn. Những bài học trở nên sinh động, cuốn hút học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cô Ngọc cho biết đã thấm dần Chương trình giáo dục phổ thông mới, đang áp dụng vào giảng dạy chương trình hiện tại để không bỡ ngỡ khi triển khai vào năm học tới.

Trong quá trình hỗ trợ đồng nghiệp, cô đặc biệt chú ý đến việc làm rõ sự khác nhau giữa dạy học phát triển năng lực học sinh với kiểu dạy học truyền thụ kiến thức trước kia, cũng như hướng dẫn lựa chọn, sử dụng các phương pháp kỹ thuật dạy học phù hợp nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học trên cơ sở môn học mình phụ trách.

Sau khi hoàn thành khoá bồi dưỡng về phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, cô Quách Thị Nguyệt, giáo viên cốt cán môn Ngữ văn, Trường THCS thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) đã tiến hành hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, tự học thêm các mô-đun để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân.

Theo cô Nguyệt, nhờ có hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, các thầy cô giáo được tiếp cận học liệu phong phú, chất lượng, không chỉ có văn bản thông thường mà còn có video, infographic rất sinh động. Việc tập huấn, bồi dưỡng theo phương pháp mới qua LMS với nguồn tài liệu qua mạng giúp giáo viên có thể xem đi xem lại để ứng dụng tốt hơn vào giảng dạy.

Học sinh Trường Tiểu học Sông Đà (Hòa Bình).
Học sinh Trường Tiểu học Sông Đà (Hòa Bình).

Không gây áp lực cho giáo viên

Bà Quách Thị Như Loan - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) cho hay: Xác định tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thường xuyên nên các giáo viên trên địa bàn huyện luôn cố gắng nắm vững quy chế, chương trình bồi dưỡng, lựa chọn nội dung tự bồi dưỡng phù hợp, thiết thực đối với thực tiễn yêu cầu nâng cao nghiệp vụ sư phạm.

Hè năm nay, huyện tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cốt cán, giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 với 2 hình thức tự bồi dưỡng và bồi dưỡng tập trung. Đối với hình thức tự bồi dưỡng, các cán bộ, giáo viên nghiên cứu tài liệu tham khảo, học tập trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, qua mạng Internet, hệ thống sách báo, tạp chí để thu thập các thông tin hữu ích.

Đối với bồi dưỡng tập trung, các giảng viên sử dụng phương pháp tập huấn lấy học viên làm trung tâm, tham quan các mô hình theo hình thức quan sát, trải nghiệm, dự giờ, thực hành tại chỗ, nghiên cứu tình huống, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng trong thực tế, từ đó đưa ra các câu hỏi, thắc mắc nảy sinh cần giải quyết.

Sau mỗi đợt tập huấn, phòng thu thập các ý kiến đánh giá, nhận xét, những điều học viên cảm thấy hứng thú, bổ ích nhất, những kiến nghị đề xuất để tổ chức tốt hơn các đợt tập huấn lần sau. Ban giám hiệu không gây áp lực mà để giáo viên phát huy tính chủ động và trách nhiệm trong việc thực hành, áp dụng các nội dung tập huấn vào thực tế.

Bà Đinh Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình thông tin: Thực hiện hướng dẫn của Bộ, sở đã xây dựng Kế hoạch về việc bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên; đồng thời, ban hành các công văn triệu tập theo từng đợt bồi dưỡng.

Năm học 2020 - 2021, ngoài việc bồi dưỡng thường xuyên, ngành GD-ĐT còn tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên. Thay vì tổ chức 2 đợt bồi dưỡng, sở đã kết hợp nội dung bồi dưỡng thường xuyên với việc tập huấn Chương trình giao dục phổ thông mới cho giáo viên trên toàn tỉnh. Việc kết hợp này vừa giảm số lần tập huấn, tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại, ăn ngủ cho giáo viên, vừa bảo đảm lộ trình thực hiện chương trình mới từ năm học 2020 - 2021.

Để giảm bớt khó khăn cho giáo viên trong việc di chuyển, đi lại và phòng chống Covid-19, sở đã tổ chức nhiều đợt và chia nhiều cụm huyện, cụm trường rải đều trên toàn tỉnh. Tại các cụm, giáo viên tập huấn được chia làm các lớp, sĩ số không quá 50 người/lớp, đồng thời phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.

“Trong quá trình tập huấn theo Chương trình ETEP, giáo viên được chia sẻ nhiều phương pháp kỹ thuật dạy học như học nhóm, trò chơi quan sát thay đổi. Tài liệu tập huấn và chương trình bồi dưỡng rất hữu ích, giúp giáo viên sử dụng được trong phương pháp giảng dạy để nâng cao năng lực cho bản thân và nâng cao năng lực cho học sinh” - cô Nguyệt chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.