Tạo môi trường cho sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều việc làm cụ thể đóng góp vào hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo trên cả nước. Cùng với triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ GD&ĐT đã có những quy định, đề xuất chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Sinh viên Trường ĐH Tiền Giang tham dự khóa đào tạo khởi nghiệp
Sinh viên Trường ĐH Tiền Giang tham dự khóa đào tạo khởi nghiệp

Tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa rộng rãi

Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1665/QĐ-TTg (Đề án 1665) về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”. Sau khi Đề án 1665 được ban hành, ngày 30/3/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT về kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” của ngành Giáo dục, nhằm cụ thể hóa các giải pháp của Đề án 1665. Tiếp đó, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 1832/BGDĐT-GDCTHSSV hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong các nhà trường.

Đề án 1665 đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác truyền thông; tăng cường hỗ trợ đào tạo; tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HSSV; tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp; tổ chức xây dựng cơ chế chính sách.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Triển khai Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã ký Chương trình phối hợp với Hội đồng Anh để hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm các doanh nghiệp xã hội của nước Anh. Phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐHQG Hà Nội xây dựng 3 bộ tài liệu: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong các ĐH; Hướng dẫn đội ngũ cán bộ tư vấn sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục ĐH; Hướng dẫn kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên các cơ sở đào tạo.

Ngoài giao một số trường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về thúc đẩy ươm tạo trong các trường ĐH, Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức triển khai thí điểm dự án nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo xã hội và các giải pháp hỗ trợ cộng đồng trong bảo vệ môi trường tại Thừa Thiên - Huế. Kết quả dự kiến có 40 giáo viên phổ thông được tập huấn nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo xã hội, sẽ có 10 dự án khởi nghiệp tạo tác động xã hội của HS tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia năm 2019.

Các bạn trẻ tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia
 Các bạn trẻ tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia

Tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính cho Đề án 1665 và đã xin ý kiến rộng rãi nhân dân, dự kiến Bộ Tài chính sẽ ban hành trong tháng 12/2018. Tuy nhiên, cần cơ chế chính sách thông thoáng hơn nữa để vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ sinh viên, công tác phối hợp nghiên cứu, sản xuất thử và vận hành các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp, năm 2018, Bộ GD&ĐT phát động thành công cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” với tổng số gần 200 dự án tham dự của khối học sinh THPT và khối các trường ĐH, CĐ. Ban tổ chức cho rằng, các dự án của HSSV tương đối có chất lượng, điều đó chứng tỏ tinh thần khởi nghiệp đã được lan tỏa rộng rãi không chỉ đối với khối ĐH mà cả đối với học sinh THPT” - ông Bùi Văn Linh cho biết thêm.

Đáp ứng yêu cầu nhân lực trong nền kinh tế số

Chất lượng nhân lực góp phần quan trọng trong thành công của khởi nghiệp, sáng tạo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện chúng ta còn thiếu các hoạt động thực hành có tính gắn kết thực tiễn cao để giúp chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho các yêu cầu phát triển kinh tế. Các hoạt động thực hành gắn kết với thực tiễn chủ yếu được giải quyết ở cấp cơ sở đào tạo; năng lực gắn kết của các cơ sở đào tạo không đồng đều, có một số trường thực hiện hiệu quả nhưng nhiều trường còn chưa chủ động…

Với vấn đề này, ông Bùi Văn Linh cho biết, một số ngành đào tạo mang tính ứng dụng cao như lĩnh vực IT, du lịch… Bộ GD&ĐT đã quy định cơ chế đặc thù trong việc hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo, quy định học tại doanh nghiệp trong khoảng 30 - 50% thời gian đào tạo. Hàng năm, các trường phải báo cáo kết quả khảo sát việc làm của sinh viên trong 12 tháng tốt nghiệp, làm căn cứ để tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo… để việc đào tạo ngày càng đáp ứng yêu cầu của thị trường…

Đặc biệt, mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trong Luật đã quy định vấn đề đào tạo gắn kết với doanh nghiệp thành một trong các chính sách phát triển giáo dục ĐH. Đồng thời, quy định thành nghĩa vụ của cơ sở đào tạo: Hội đồng trường phải xây dựng chính sách hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong trường mình; Cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc sử dụng chuyên gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức đào tạo thực hành, thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, thực tập và tăng cơ hội việc làm của sinh viên (Điều 37)…

Trước thực tế Việt Nam đang thiếu các ngành nghề đào tạo như: Nông nghiệp thông minh, phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ tài chính; trong khi đó, đây sẽ là những ngành đầy triển vọng trong cuộc CMCN 4.0, ông Bùi Văn Linh chia sẻ: Các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (IoT, Media, Kinh tế số…); đồng thời tác động hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển dịch vụ mới.

Dự báo các ngành mới sẽ có doanh thu cao trong thời gian tới (2030) gồm: Thương mại điện tử; Phân tích dữ liệu; Điện toán đám mây; Gọi xe công nghệ, Fintech, Nông nghiệp thông minh. Theo đó, nhiều ngành được hưởng lợi (cần được ưu tiên phát triển) theo khả năng hấp thụ CMCN 4.0 và tầm quan trọng, như: Chế biến, chế tạo; Thương mại, bán lẻ; Nông nghiệp; Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thông tin và truyền thông.

“Đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành này, cần trên cơ sở đánh giá tổng thể trên nhiều phương diện (đầu tư cho giáo dục, chất lượng giáo dục và công bằng trong giáo dục) để tiếp tục duy trì, khắc phục hạn chế và phát triển hệ thống giáo dục ĐH hiện hành. Đồng thời, tăng cường quan tâm đến các ngành mới xuất hiện với triển vọng doanh thu cao từ CMCN 4.0 để đề xuất với Chính phủ có những động thái ưu tiên, cùng một số chính sách ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số và yêu cầu của CMCN 4.0. Cụ thể, cho phép tự chủ trong mở ngành đào tạo mới, đào tạo thí điểm, tiến tới đào tạo lâu dài song song với đảm bảo chất lượng đào tạo và phù hợp với quy định hiện hành” - ông Bùi Văn Linh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.