Tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh tự chủ đại học

GD&TĐ - Tự chủ đại học đang là một trong những vấn đề thời sự trong quá trình nghiên cứu đổi mới chính sách phát triển giáo dục đại học ở nước ta. Trong giai đoạn vừa qua, chính sách trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học đã có đổi mới quan trọng, góp phần tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi để cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong các hoạt động của mình.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành học tập tại thư viện nhà trường
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành học tập tại thư viện nhà trường

Giải pháp cốt lõi ở tầm vĩ mô

Để có cơ sở trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017.

Theo NQ77/NQ-CP và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các trường được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện trong các lĩnh vực: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo và NCKH; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm.

Theo TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học, Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bản dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Với các nội dung tự chủ nêu trong dự thảo nghị định nói trên, Nhà nước đã gỡ bỏ khá nhiều rào cản, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng hơn và trao cho các trường đại học quyền tự quyết định nhiều nội dung của công tác nhân sự. Nếu được ban hành và thực hiện, chính sách này là một bước tiến rất quan trọng trong việc trao quyền tự chủ về nhân sự cho các trường đại học công lập ở nước ta.

Cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và đồng bộ trong triển khai tự chủ đại học

Cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh và đồng bộ trong triển khai tự chủ đại học

Tham luận tại Hội thảo giáo dục 2018 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Thanh Nhã (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường ĐH, CĐ là giải pháp cốt lõi ở tầm vĩ mô để giáo dục đại học Việt Nam dần tháo gỡ được những rào cản về cơ chế và phát triển, bắt kịp trình độ của khu vực cũng như thế giới.

Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - nhận định, một trong những giải pháp quan trọng đẩy mạnh đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới là hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật (Luật Giáo dục đại học, Nghị định, Thông tư nhằm thi hành Luật Giáo dục đại học) tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy sự năng động, sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo; thành lập Hội đồng trường trong toàn hệ thống; hoàn thiện các chuẩn chất lượng đối với giáo dục đại học làm căn cứ để các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý, xã hội và người học giám sát.

Nghiên cứu khoa học tại phòng thực hành PLC và Cơ điện tử tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Nghiên cứu khoa học tại phòng thực hành PLC và Cơ điện tử tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Đồng bộ tự chủ tài chính, nhân sự và học thuật

Liên quan đến nội dung tự chủ đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Ban soạn thảo trong suốt thời gian qua đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội, các trường và tầng lớp nhân dân để hoàn thiện Luật Giáo dục đại học theo hướng đẩy mạnh tự chủ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và hội nhập quốc tế. Luật được thông qua cũng là sự mong mỏi của các trường để có thể tự chủ ở mức độ cao hơn, năng động, sáng tạo hơn trong quá trình đổi mới và phát triển.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, không chỉ một mình Luật Giáo dục đại học, cũng như không chỉ mình Bộ GD&ĐT có thể đẩy mạnh được tự chủ đại học, vì các trường trong các hoạt động của mình còn liên quan đến sự quản lý của nhiều bộ ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác. Do đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học bày tỏ mong muốn các cơ quan, bộ, ngành hiểu đúng về tự chủ đại học:

“Chỉ khi nào đồng bộ ở các bộ ngành về tài chính, nhân sự, tổ chức thì tự chủ về học thuật mới có thể phát huy được” 

 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng

Tự chủ đại học phải đồng bộ cả 3 phương diện. Về học thuật, chuyên môn, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các trường xây dựng một cách tốt nhất. Còn về tài chính, mong muốn giáo dục đại học cần được tiếp tục được đầu tư tài chính như ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển và không phụ thuộc vào học phí, nguồn tuyển sinh mới có thể nâng cao được chất lượng. Các trường phải được tự chủ trong các nguồn thu và cả nguồn chi, làm sao có được nguồn thu ở mức tốt nhất để phát triển nhà trường. Cùng với đó, nhà trường được sử dụng các nguồn thu, kể cả thu ngân sách một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển của trường.

Về bộ máy tổ chức cũng như nhân sự, các trường cần được quyết định bộ máy của mình sao cho gọn, hiệu quả và năng lực nhất; đặc biệt thu hút được người giỏi, nhất là các nhà khoa học, các giảng viên ở nước ngoài; được trả lương cho người giỏi tương xứng với sức lao động, chất xám cũng như mặt bằng lương của nền giáo dục đại học ở các nước trong khu vực và trên thế giới để cạnh tranh và thu hút được người tài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ