Tăng học phí đi kèm cam kết chất lượng

GD&TĐ - Một trong những vấn đề xã hội quan tâm khi thực hiện tự chủ đại học là việc học phí sẽ tăng thế nào và giám sát xã hội đối với thực hiện cam kết của nhà trường ra sao?

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Học phí tăng, nhưng nằm trong mức “trần” quy định

TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho biết: Thực tế trong mấy năm vừa qua, khi các trường bắt đầu thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, học phí của những trường này tăng, nhưng đều nằm trong giới hạn trần học phí mà Nghị định 86 của Nhà nước cho phép. Đồng thời, hầu như các trường đều có lộ trình tăng từng bước và chỉ tăng với những sinh viên khóa mới.

Ngoài ra, mức học phí của các trường cũng đều được xác định trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng của gia đình và bản thân sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi trường đều có những quỹ học bổng, cũng như chính sách hỗ trợ học phí cho những sinh viên khó khăn; hoặc giúp đỡ để sinh viên được quyền sử dụng tín dụng sinh viên.

“Đây chính là chính sách để bảo đảm sự tiếp cận giáo dục đại học của tất cả mọi người.” – TS Lê Việt Thủy cho hay.

Nói thêm về lý do tăng học phí, TS Lê Việt Thủy cho biết: Trước đây, mức học phí được xác định trên cơ sở nhà nước tài trợ phần chi sự nghiệp và chi thường xuyên, cũng như chi đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.

Khi bắt đầu tự chủ, các trường phải tự bảo đảm phần kinh phí của mình, vì vậy những chi phí này sẽ từng bước được tính vào học phí; nên mức học phí so với trước khi tự chủ sẽ có sự gia tăng nhất định.

Một lý do khác trong gia tăng học phí là các trường gia tăng đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ cho người học.

“Qua khảo sát các trường, sau khi được tự chủ, các trường đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, cũng như trang bị nhiều hơn các kỹ năng mềm cho người học. Nhiều trường đã đưa vào sử dụng các tòa nhà mới với trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế; từ đó tạo môi trường học tập tốt hơn so với trước khi tự chủ.” – TS Lê Việt Thủy thông tin

Thực tế của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, TS Lê Việt Thủy cho biết: từ khi được Thủ tướng cho phép thí điểm đề án đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, số lượng học sinh và nguyện vọng đăng ký vào trường tăng đều qua các năm. Điểm chuẩn được duy trì ở mức cao.

Đặc biệt, đối với các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế với mức học phí cao luôn có số lượng sinh viên đăng ký rất đông.

Khảo sát sơ bộ những sinh viên năm thứ nhất sau khi vào trường đều cho rằng mức học phí của nhà trường là hoàn toàn chấp  nhận được; nhất là khi chính sinh viên so sánh với mức kinh phí mà gia đình bỏ ra cho sinh viên đi học tại trung học phổ thông.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu quốc tế, mức học phí được người học chấp nhận tối đa sẽ bằng 50% thu nhập hàng tháng của sinh viên sau khi ra trường. Qua các khảo sát sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế quốc dân, thì mức lương của các em thường dao động từ 6-8 triệu.

Quy định rõ trách nhiệm giải trình

Liên quan đến băn khoăn làm sao giám sát được việc thực hiện cam kết của trường đại học tự chủ, theo TS Lê Việt Thủy, ngay trong các quy định về tự chủ luôn có các quy định rất cụ thể về trách  nhiệm giải trình của các trường đại học.

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trách nhiệm giải trình luôn được đề cao. Nhà trường định kỳ thực hiện 3 công khai: công khai và cam kết chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra; mức thu học phí; điều kiện cơ sở vật chất…

Các báo cáo 3 công khai này đều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử để xã hội xem và giám sát.

Hằng năm, tại Đại hội cán bộ công nhân viên chức, Quy chế thu chi nội bộ của nhà trường đều được công khai và tiếp nhận các ý kiến đóng góp sửa đổi và thông qua đối với toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường.

Nhà trường cũng định kỳ và thường xuyên mời các công ty kiểm toán độc lập thực hiện công tác kiểm toán để bảo đảm hoạt động của nhà trường tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ đối với cơ quan quản lý có thẩm quyền và kịp thời giải trình với tất cả yêu cầu của các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra… Nhà trường cũng đã bước đầu công khai các chỉ số liên quan đến trách nhiệm giải trình, như: tỷ lệ sinh viên có việc làm, mức lương trung bình của sinh viên sau khi ra trường, số chương trình được kiểm định, số lượng và danh mục các xuất bản quốc tế…” – TS Lê Việt Thủy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ