Tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ và giữ bản sắc văn hóa các dân tộc

GD&TĐ - Sáng 13/11, tại Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 1, triển khai giai đoạn 2 thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, HS tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự có bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ GD Mầm non, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ GD Dân tộc, bà Nguyễn Thị Hạnh- Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, bà Trịnh Hoài Thu- Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo các Sở GD, chuyên viên, GV phụ trách bậc học mầm non, tiểu học tiêu biểu của 45 tỉnh thành trên cả nước tham dự.

Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, HS tiểu học người DTTS (giai đoạn 2016-2020) với mục tiêu giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình GD mầm non và chương trình GD tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập lĩnh hội tri thức của các bậc học tiếp theo góp phần nâng cao chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, 5 năm qua, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Đề án có hiệu quả, đạt cơ bản các mục tiêu, nội dung đề ra.

Các địa phương đã rà soát, xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS trong các cơ sở GD mầm non và tiểu học. Các Sở bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, GV mầm non cốt cán, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ tham gia tập huấn do Bộ tổ chức; chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu để tổ chức triển khai tập huấn.

Từ đó đảm bảo tập huấn cho cán bộ quản lý, GV ở các cơ sở GD mầm non, tiểu học trên địa bàn, đặc biệt đối với những nơi GV dạy lớp ghép nhiều dân tộc và nhiều độ tuổi ở bậc học mầm non, GV dạy trẻ vùng 100% đồng bào DTTS sống biệt lập ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng chỉ ra nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Dự án như: cơ sở vật chất ở một số trường DTTS còn thiếu thốn; một số GV còn hạn chế về năng lực, lúng túng trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hạn chế về ngôn ngữ, ít hiểu biết về văn hóa của người dân tộc thiểu; trình độ nhận thức của trẻ mầm non, HS tiểu học trong các nhóm, lớp không đồng đều; nhận thức của một số phụ huynh vùng DTTS về công tác tăng cường tiếng Việt cho con em chưa đầy đủ.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ GV tăng cường tiếng Việt cho trẻ; tăng cường tiếng Việt dựa trên tiếng mẹ đẻ và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng và khai thác môi trường tiếng Việt hiệu quả, nâng cao chất lượng các hoạt động tích hợp tăng cường tiếng Việt…

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường- Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Nưa nêu một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường- Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Nưa nêu một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường- Hiệu trưởng Trường MN Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Trường MN Thanh Nưa nằm trên địa bàn khó khăn, một số GV chưa linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức dạy tiếng Việt phù hợp với trẻ.

Nắm bắt được tình hình thực tế, nhà trường đã đưa ra những giải pháp kịp thời, sát thực tiễn như: triển khai các văn bản chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học; bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho GV; chú trọng xây dựng môi trường tăng cường nghe nói tiếng Việt cho trẻ; huy động sự tham gia của cha mẹ trẻ. Từ đó, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non tại Trường Mầm non Thanh Nưa đạt được những kết quả nhất định, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, GV; phụ huynh hiểu rõ hơn tầm quan trong của việc tăng cường tiếng Việt; hầu hết trẻ khi học tại trường nói thành thạo tiếng Việt, tự tin giao tiếp….

Thứ Trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả mà giai đoạn 1 của Đề án nhưng chỉ ra yêu cầu của giai đoạn mới có nhiều khó khăn. Giai đoạn gắn liền với đổi mới SGK phổ thông các lớp 2 (bậc tiểu học), lớp 6 (bậc trung học), và tiếp tục cuốn chiếu đến các lớp tiếp theo. Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 một cách cụ thể, có sự chỉ đạo sát sao, đóng góp ý kiến của cán bộ, GV, các cơ quan liên quan.

Để giai đoạn mới của Đề án được triển khai sâu hơn, mang lại hiệu quả cao, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu các đơn vị thực hiện cần tiếp tục các hình thức tuyên truyền hỗ trợ cha mẹ trẻ tăng cường tiếng Việt, tạo môi trường tích cực tại gia đình, cộng đồng; quan tâm lồng ghép các nguồn vốn, xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo đủ phòng học đặc biệt nơi có đông trẻ DTTS;  bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, GV; đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn lực cho GD.

Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ