Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh

GD&TĐ - Bên cạnh việc củng cố kiến thức cho HS, sau những kỳ nghỉ dài ngày, nhiều nhà trường chú trọng đến việc giáo dục đạo đức lối sống cho các em với mong muốn rèn nền nếp học tập, hạn chế thói quen xấu. Tuần giáo dục công dân, làm quen với trường lớp, thầy cô là khoảng thời gian GV dần đưa trò vào quy củ, trước khi học tập chính thức.

Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) Đặng Thị Thu Hà trong một chương trình giáo dục đạo đức,  lối sống cho HS.
Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (Hà Nội) Đặng Thị Thu Hà trong một chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.

Đưa học sinh vào nền nếp

Cô Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Sau thời gian dài nghỉ hè, nghỉ học để phòng chống Covid-19, HS nhiễm nhiều thói quen “thiếu tích cực” như ngủ dậy muộn, lợi dụng việc học trực tuyến để chơi game, có em còn lợi dụng mạng xã hội để bán thuốc lá điện tử... 

“Tôi không quá lo lắng về chất lượng việc học hay điểm số của HS khi dạy học trực tuyến. Điều tôi quan tâm là làm sao lấy lại được nền nếp, ý thức và kỷ luật lớp học khi các em quay trở lại trường sau thời gian nghỉ học quá dài”, cô Hà chia sẻ. 

Cô Đào Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: Giáo dục đạo đức cho HS luôn được nhà trường quan tâm, đặc biệt trong thời gian các em nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, sau kỳ nghỉ hè. Do vậy, đầu năm học, nhà trường luôn dành khoảng thời gian để cô trò làm quen với nhau, tìm hiểu quy định của nhà trường và cho trò tiếp cận với kỷ luật lớp học. Điều này đặc biệt quan trọng với HS đầu cấp, các em cần thời gian để làm quen môi trường GD, bạn bè, thầy cô…

Theo cô Hạnh, để thực hiện việc giáo dục đạo đức lối sống cho HS, nhà trường đã lồng ghép giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và văn hoá trong các môn học; khắc sâu và khơi dậy trong HS ý thức kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước; trân trọng bản sắc dân tộc trên các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhà trường cũng duy trì và phát huy hiệu quả các chuyên đề, cuộc giao lưu tìm hiểu giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá Việt Nam; đặc biệt quan tâm công tác tìm hiểu chủ quyền biển đảo, giá trị các di tích lịch sử của đất nước nhằm tạo dựng tình yêu, niềm tự hào tự tôn dân tộc cho HS. Đồng thời phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội. Từ đó, giáo dục các em ý thức xây dựng gia đình hiếu học, gia đình văn hoá mới; tổ chức để cha mẹ HS cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc và tạo môi trường giáo dục tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.

Cần sự đồng hành  của cha mẹ 

HS Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội).
HS Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội).

Việc nghỉ học dài ngày tác động lớn đến tâm lí và nhận thức của HS, do đó cần thay đổi về phương pháp giáo dục, tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho các em.

Trước đây, cha mẹ hầu như đóng vai trò là người dõi theo và quan sát hoạt động ở trường của con. Nhưng trong những ngày nghỉ học phòng dịch Covid-19, nghỉ hè, cha mẹ và con cái có nhiều thời gian bên nhau, vì vậy họ không còn là “quan sát viên” mà thực sự trở thành “người đồng hành” thực hiện sứ mệnh cao cả là trở thành một nhà giáo dục. Đặc biệt, thực hiện Chương trình GDPT mới, người học trở thành trung tâm mọi hoạt động, nền nếp, kỷ luật lớp học và sự tự giác thực hiện của mỗi thành viên trong lớp vô cùng quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Văn Biên - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Có một số nguyên tắc cơ bản trong phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội nhằm giáo dục HS dường như bị bỏ quên nay có dịp phát huy tác dụng. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội thúc đẩy động cơ học tập của HS, tạo hoạt động và môi trường rèn luyện cho các em, đẩy mạnh sự kết nối giữa nhà trường và cộng đồng.

Lời giải cho bài toán phối hợp giữa cha mẹ HS và nhà trường đạt hiệu quả, PGS Nguyễn Văn Biên:  “Các hoạt động phối hợp giữa gia đình - nhà trường cần được xây dựng trên nền tảng niềm tin. Tức là giữa cha mẹ và GV cần có sự tin tưởng, tín nhiệm từ đó hai bên cùng sẵn sàng hành động, phối hợp trong hoạt động hỗ trợ học trò. Phụ huynh và GV cần đồng hành trong hoạt động học tập của HS. Theo đó, cha mẹ cần cùng con tham gia vào các kế hoạch, hoạt động học tập và rèn luyện hàng ngày, như hướng dẫn con lập mục tiêu, thời gian biểu hoạt động, thay vì chỉ là người giám sát.

“Để sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình đạt hiệu quả, việc cung cấp thông tin phản hồi 2 chiều cực kỳ quan trọng. Do đó, cần tăng cường trao đổi, phản hồi để gia đình và GV nắm bắt chính xác tình hình học tập của học sinh, từ đó có điều chỉnh cách thức phối hợp, phương pháp giáo dục sao cho kết quả học tập của học trò được tốt nhất”, PGS.TS Nguyễn Văn Biên nhận định.

“Cha mẹ, thầy cô cần có sự thấu hiểu, khích lệ và ủng hộ những đóng góp, nỗ lực phối hợp của các bên. Điều này sẽ tạo động lực cho gia đình và nhà trường cùng tiếp tục thực hiện các công việc giáo dục trẻ hàng ngày”. PGS. TS Nguyễn Văn Biên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ