Sức khỏe tâm thần tuổi học đường: Áp lực từ sự kỳ vọng

GD&TĐ - Theo Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi có những rối nhiễu tâm lý khác nhau…

Nên tạo cho trẻ tinh thần thoải mái trong từng buổi học. Ảnh: Thế Đại
Nên tạo cho trẻ tinh thần thoải mái trong từng buổi học. Ảnh: Thế Đại

Gần đây, ca tự tử ở tuổi học đường cũng liên tục được ghi nhận đã gióng lên cảnh báo nóng về vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em.

Stress ở trẻ em 

Theo báo cáo của Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, chỉ riêng năm 2019, khoa tiếp nhận 19.858 lượt bệnh nhi gặp các vấn đề về rối nhiễu tâm lý khác nhau như: Tăng động kém chú ý, rối loạn phát triển, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi và cảm xúc, stress... Con số ngày tăng lên hằng năm. Đến nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi có những rối nhiễu tâm lý khác nhau. Các em ở TPHCM và địa phương lân cận.

Ở trẻ em, stress cũng là nguyên nhân gây nên một số triệu chứng về thể chất như đau đầu, đau bụng, thở nhanh, rối loạn giấc ngủ, ăn quá nhiều hoặc quá ít… và một số cơn đau không tìm thấy nguyên nhân thực thể.

Trẻ cũng có dấu hiệu về rối loạn hành vi cảm xúc như dễ cáu gắt, tránh né những thứ hoặc những người gây kích thích, tránh né những tình huống gây phiền hà, hay cắn móng tay hoặc nhéo vào da, bồn chồn, không thể ngồi yên và hay khóc…

Thạc sỹ (ThS) Mai Thị Nguyệt - Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: Nguyên nhân gây nên sự căng thẳng có thể đến từ trong cuộc sống gia đình, nhà trường, ở từng độ tuổi khác nhau tương ứng với những căng thẳng khác nhau… Với trẻ độ tuổi 12 - 15 thường do áp lực học tập từ bản thân hay người lớn.

Có trẻ cảm thấy áp lực do người lớn không hiểu nhu cầu; Bị bạn bè bắt nạt, cô lập, hay nói xấu; Không có cơ hội nói chuyện chia sẻ với cha mẹ; Lo lắng về những thay đổi sinh lý của cơ thể: Hình ảnh xấu - đẹp, mập - ốm, cao - thấp… Cũng có thể trẻ bị căng thẳng vì phải học quá nhiều, không giải quyết kịp bài vở; Chứng kiến xung đột trong gia đình; Thay đổi chỗ ở hay môi trường học tập; Bị ép làm những điều không thích; Phát triển cảm xúc và nhận thức chưa phù hợp so với tuổi; Muốn được chứng tỏ bản thân…

Thạc sỹ tâm lý Mai Thị Nguyệt thăm khám tâm lý cho bệnh nhi. Ảnh: TG
Thạc sỹ tâm lý Mai Thị Nguyệt thăm khám tâm lý cho bệnh nhi. Ảnh: TG

Theo ThS Mai Thị Nguyệt, không phải ai cũng có kĩ năng giải quyết tốt những căng thẳng tâm lí tiêu cực. Đặc biệt, với trẻ em tuổi học đường, đang trong giai đoạn phát triển tâm lý khá phức tạp.

Do sự phát triển nhanh chóng về tâm lý và thể chất mà cơ thể đôi khi không đáp ứng một cách đồng bộ, dẫn đến căng thẳng gây rối loạn hành vi và cảm xúc. Nếu sức khỏe tâm thần của trẻ bị mất kiểm soát sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lý, gây hậu quả khôn lường.

ThS Mai Thị Nguyệt khẳng định: Vấn đề stress ở trẻ em đáng quan ngại. Nếu không được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, mà còn cản trở, tác động xấu đến việc can thiệp giúp trẻ tiến bộ và hòa nhập vào cuộc sống. Do đó, phát hiện sớm các biểu hiện stress, tác nhân gây ra stress giúp trẻ có thể ứng phó và giảm stress là việc làm cần thiết, đáng được quan tâm.

Bé N.T.N được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM sau khi uống thuốc sâu quyên sinh vì bị bạn bè tẩy chay. Ảnh: BVCC
Bé N.T.N được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM sau khi uống thuốc sâu quyên sinh vì bị bạn bè tẩy chay. Ảnh: BVCC

Gia đình quá kì vọng

ThS Mai Thị Nguyệt chia sẻ thêm: Trong quá trình làm việc, bà tiếp xúc với nhiều đối tượng ở các lứa tuổi có biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau. Hầu hết các em có biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc thậm chí dẫn đến trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp… Trong đó chủ yếu nguyên nhân do áp lực từ phía gia đình và nhà trường. 

“Một số em được sống trong gia đình có đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ tới mức “ngộp thở”, hay một số khác lại bị cha mẹ lên án chỉ trích hay bỏ bê… đều là nhân tố kích thích dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ”, ThS Mai Thị Nguyệt cho biết.

Đáng chú ý, mỗi gia đình chỉ có từ 1 - 2 con, vì vậy việc cha mẹ đặt “kỳ vọng” vào con cái khá phổ biến. Các bậc cha mẹ luôn đặt ước mơ mình trên vai con cái, việc này gây nên áp lực rất lớn cho trẻ, dẫn đến tình trạng stress của lứa tuổi học đường ngày càng tăng cao và ở nhiều mức độ khác nhau. Vào những mùa thi, số lượng trẻ bị rối nhiễu tâm lý có xu hướng tăng. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng khoa Tâm lý - Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần TPHCM cùng chung quan điểm: Mỗi mùa thi, trẻ chịu nhiều áp lực từ gia đình, thầy cô và chính bản thân dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng, có thể mất ngủ, ăn uống không ngon miệng. Có em rơi vào trạng thái khó tập trung, ghi nhớ khó khăn hơn. Hầu hết học sinh khi được hỏi đều lo sợ khi bị so sánh với bạn khác điểm cao hơn, căng thẳng khi không làm bài tốt... từ đó có thể dẫn đến tình trạng loạn thần cấp tính hoặc lo âu trầm cảm hỗn hợp. 

“Phụ huynh đừng quá kỳ vọng vào thành tích để gây áp lực cho con em mình. Cha mẹ phải luôn gần gũi, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời khi các em gặp khó khăn trong cuộc sống”, bác sĩ Kiều Tiên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.