Sửa Luật để tạo động lực phát triển

GD&TĐ - Trao đổi về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, bà Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang - thể hiện sự đồng tình cao với 2 nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật là nâng chuẩn trình độ giáo viên và thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm.

Sửa Luật để tạo động lực phát triển

Khẳng định việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm là thay đổi hợp lý, có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực cho sự phát triển, bà Châu Quỳnh Dao lý giải: Không ngừng học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là khát vọng tự thân của mỗi nhà giáo, mục tiêu phấn đấu của các cơ sở giáo dục.

Riêng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, nhiều nhà giáo đã chủ động đăng ký học tập ở bậc trình độ cao hơn. Khi nội dung này được thể chế hóa thành luật, việc học tập và bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ sẽ được tổ chức đồng bộ, có hệ thống và mang tính chiều sâu hơn.

Một trong những giải pháp khả thi để triển khai hiệu quả nội dung này, theo bà Châu Quỳnh Dao chính là “triển khai đào tạo theo đơn đặt hàng”: UBND các tỉnh (đầu mối là Sở GD&ĐT) ký kết hợp đồng đào tạo với các trường đại học có thế mạnh về đào tạo sư phạm, với các nội dung chi tiết và cam kết cụ thể.

Về thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm trong các trường sư phạm, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang cũng thể hiện đồng tình, ủng hộ và cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, xu thế phát triển của xã hội mang tính quốc tế hóa và đề cao tinh thần tự chủ của người lao động với vị thế của một công dân toàn cầu. Nếu người học thật sự lựa chọn nghề giáo, thì “sự thay đổi” này hoàn toàn không hề có “tác động ảnh hưởng gì cả”; có chăng đó như là “một chất men xúc tác, góp phần củng cố thêm lòng quyết tâm của học viên, sinh viên sư phạm”.

“Tôi quan sát một số bạn bè có con cháu lựa chọn con đường kinh doanh, họ giúp vốn cho con cháu khởi sự lập nghiệp bằng hình thức “cho vay”, hoặc “cho mượn” trong một khoảng thời gian hạn định; chứ không bao giờ “cho không” tiền vốn. Cách làm này thật sự mang lại hiệu quả trong hành trình lập nghiệp của những người trẻ.

Vì thế, “học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm” là một phương án cần thiết trong bối cảnh hiện nay” - bà Châu Quỳnh Dao nêu quan điểm.

Tuy nhiên, để thu hút được học sinh giỏi vào các trường sư phạm, theo bà Châu Quỳnh Dao, Nhà nước cũng cần sớm triển khai chính sách cải cách tiền lương; lương của nhà giáo nên được xếp vào thang bảng lương riêng thuộc nhóm ưu tiên; đồng thời, có chế độ đãi ngộ đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ