Sự việc tiến sỹ bị hủy bỏ học vị: Liệu cán cân công lý có bị bẻ cong?

Sự việc tiến sỹ bị hủy bỏ học vị: Liệu cán cân công lý có bị bẻ cong?

Bìa hai luận án TS của ông Hoàng Thanh Quế và ông Mai Thanh Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia
Bìa hai luận án TS của ông Hoàng Thanh Quế và ông Mai Thanh Quế lưu giữ tại Thư viện Quốc gia

(GD&TĐ) - Sự việc ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) bị hủy bỏ học vị Tiến sỹ do “đạo văn” nghiêm trọng trong luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003, đã thu hút sự chú ý của công luận. Liên quan đến sự việc có rất nhiều bài viết trên các cơ quan báo chí với góc nhìn nhiều chiều. Để rộng đường dư luận, GD&TĐ xin trích đăng một số phân tích, điều tra… của các bạn đồng nghiệp xung quanh vụ việc này.

Nhiều cơ quan vào cuộc

Kết luận tố cáo đã công bố công khai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng.

Theo một số giảng viên phản ánh, ông Hoàng Xuân Quế đang tuyên truyền rằng mình có “siêu thế lực” đang tìm cách bao che, có thể thay trắng đổi đen(?). Thực tế cho thấy, trước vụ việc phức tạp và nhạy cảm này, trong gần 5 tháng qua, đã có rất nhiều báo đăng tải hàng chục bài viết góp phần làm rõ vụ việc đạo luận án của ông Hoàng Xuân Quế và cho đến nay các báo vẫn tiếp tục theo sát để phản ánh kịp thời.

Trong quá trình xử lý, Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83), Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) để xác minh và giám định cẩn trọng, khách quan các tài liệu liên quan trước khi ban hành kết luận tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế.

Trước sự quan tâm của công luận và các đồng chí lãnh đạo, kết luận tố cáo số 1254/KL-BGDĐT ngày 4/10/2013 đối với ông Hoàng Xuân Quế cũng đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký gửi báo cáo Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ.

Ngoài ra, sự việc này ngay từ đầu cũng nhận được sự quan tâm giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ngày 21/10/2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 7670/BGDĐT-Thanh tra gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thông báo kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, ghi rõ “Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT đã xem xét giải quyết đơn tố cáo theo đúng quy định của pháp luật và đã ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 1254/KL-BGDĐT ngày 4/10/2013, theo đó nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế là đúng.

Căn cứ Kết luận nội dung tố cáo số 1254/KL-BGDĐT ngày 4/10/2013, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 về việc thu hồi bằng tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế”.

Dư luận đặt câu hỏi liệu có cơ quan và cá nhân nào bất chấp công luận, bất chấp pháp luật, bất chấp sự thật đã rõ ràng để bao che, can thiệp cho sai phạm của ông Hoàng Xuân Quế hay không?

Ngoan cố, ngụy tạo chứng cứ và đưa thông tin sai lệch

Trong suốt quá trình giải quyết vụ việc của Bộ GD&ĐT cũng như khi đã có các Kết luận, quyết định của Bộ, ông Hoàng Xuân Quế luôn luôn dùng chiêu bài cố tình lờ đi các kết quả xác minh, giám định của cơ quan công an và Tổ xác minh của Bộ; đưa ra các thông tin sai lệch theo kiểu “một nửa sự thật” để đánh lạc hướng dư luận.

Ví dụ trong bản nhận xét luận án cách đây 10 năm của GS.TS Cao Cự Bội có ghi “không sao chép một cách mù quáng” song khi đưa ra, ông Quế đã cắt cụm từ “một cách mù quáng” nên chỉ còn “không sao chép”; hay như khi trích nội dung phỏng vấn Giám đốc Thư viện và Trưởng phòng lưu chiểu của Thư viện Quốc gia đã cố tình lược nội dung để làm thay đổi bản chất.

Trong quá trình làm sáng tỏ sự việc đạo luận án của ông Hoàng Xuân Quế, kết luận xác minh của A83 và kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự đã chỉ rõ dấu hiệu ngụy tạo các bản luận án nộp lại sau 10 năm kể từ ngày bảo vệ của ông Quế.

Chính từ Luận án Tiến sỹ đạo của người khác, năm 2004, tức là 1 năm sau thời gian bảo vệ, ông Hoàng Xuân Quế còn xuất bản thành sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” - Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004) để được phong học hàm Phó Giáo sư.

Đồng thời, Tổ xác minh và Cơ quan An ninh, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự, Bộ Công an cũng đã có kết luận mấy cuốn luận án ông Hoàng Xuân Quế “xin lại” từ các thành viên hội đồng để nộp lại cho Bộ GD&ĐT ngày 10/7/2013 sau khi bị phát giác đạo văn để chứng minh đó là các cuốn “chính thức” là không khách quan, hơn 50 trang sao chép y nguyên từ Luận án của TS Mai Thanh Quế đã được ông Hoàng Xuân Quế thay thế.

Kết luận chi tiết của cơ quan giám định còn chỉ ra 3 cuốn luận án đã được ông gỡ ghim, đóng lại đến 76 lần (!). Như vậy, hành vi giả mạo hồ sơ, tài liệu này của ông Hoàng Xuân Quế và các cá nhân liên quan cần phải bị xử lý theo quy định tại Điều 267 của Bộ Luật Hình sự.

Qua đối chiếu cho thấy, các bản Luận án nộp lại sau 10 năm của ông Hoàng Xuân Quế, kể cả bản thảo được gọi là “chính thức” do giáo viên hướng dẫn giữ suốt 10 năm qua vẫn còn nội dung đạo văn từ hai Luận văn Thạc sỹ bảo vệ từ năm 2002 bên cạnh một số nội dung chương 3 vẫn đạo từ Luận án của TS Mai Thanh Quế mà chưa được sửa chữa. 

Có lẽ do ông Hoàng Xuân Quế không trực tiếp làm luận án nên không biết luận án của mình đã được sao chép của những ai nên không thể sửa chữa, gia cố hết sau khi bị phát giác.

PV nhận được rất nhiều ý kiến của các GS, PGS tiến sỹ, giảng viên, sinh viên trong và ngoài Trường ĐH KTQD bày tỏ sự ủng hộ và sát cánh cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong vụ kiện hy hữu này với lý do không thể để bất kỳ thế lực nào bao che, dung túng cho sai phạm của ông Hoàng Xuân Quế, không thể để cán cân công lý bị bẻ cong trong vụ việc này.

Theo báo Thanh tra 

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.