Sôi động nội dung dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS

GD&TĐ - Những ngày đầu năm học, không khí dạy học ở các trường tiểu học miền núi - vùng đồng bào dân tộc thiểu số thật sôi động với các hoạt động mang tính chuyên môn nâng cao năng lực ngôn ngữ Tiếng Việt cho học sinh, nhất là những học sinh đầu cấp.

Sôi động nội dung dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh DTTS

Ngoài việc tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt trên lớp, các trường còn xây dựng chương trình hoạt động ngoài giờ tạo môi trường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số một cách phong phú và hiệu quả.

Từ nhận thức đúng

Có gần 20 năm trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý, phụ trách chuyên môn bậc tiểu học các trường trên địa bàn huyện miền núi Tây Trà, cô giáo Đỗ Thị Bình - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường TH&THCS số 2 Trà Phong (xã Trà Phong, huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) nhìn nhận có một thực tế khó khăn trong việc triển khai chương trình giáo dục hiện nay ở các trường học trên địa bàn miền núi là do đối tượng học sinh dân tộc thiểu số có vốn ngôn ngữ Tiếng Việt còn quá hạn chế.

Cũng vì thế, học sinh gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức các môn học, cũng như tham gia các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Đặc biệt là đối tượng học sinh lớp 1 đầu cấp mới chỉ được trang bị một số ít vốn từ tiếng mẹ đẻ thông dụng để giao tiếp, còn Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 nên vốn từ càng nghèo hơn. Có chăng các em chỉ mới học được một số từ rất ít ỏi ở trường mầm non, qua lời ca, tiếng hát. Do vốn từ tiếng phổ thông còn hạn chế, tạo rào cản về ngôn ngữ nên việc tiếp thu kiến thức bằng Tiếng Việt đối với các em học sinh thiểu số quả là điều không dễ.

“Chính vì vậy, làm thế nào để nâng cao năng lực ngôn ngữ Tiếng Việt cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng học sinh đầu cấp là nhiệm vụ trọng tâm năm học của nhà trường. Bởi đó là nền tảng vững chắc cho mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học của một trường học miền núi - vùng đồng bào dân tộc” - cô Bình cho biết.

Cũng xuất phát từ thực tế chung của các trường học địa bàn miền núi, nên theo thầy Nguyễn Văn Giàu - Trường Tiểu học Sơn Tân (xã Sơn Tân, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), hằng năm công tác tăng cường ngôn ngữ Tiếng Việt cho học sinh đầu cấp được thực hiện ngay từ đầu tháng 7. Để tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm học, thực hiện sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp mang tính chuyên môn giúp học sinh học tốt môn Tiếng Việt. Song song với việc dạy học sinh trên lớp, giáo viên nhà trường còn tham gia dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém trái buổi và vào buổi tối tại nhà thôn.

Thầy Giàu cho hay: “Việc xây dựng kế hoạch tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được thông qua hội đồng sư phạm nhà trường góp ý, xây dựng để có một kế hoạch hoàn chỉnh, thống nhất. Từ đó công tác triển khai được quán triệt đến từng giáo viên và trong suốt quá trình thực hiện cũng như kiểm tra, đánh giá đều có sự giám sát, theo dõi của Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng sư phạm và của Phòng GD&ĐT”.

Đến hành động hiệu quả!

Theo cán bộ quản lý phụ trách mảng chuyên môn của nhiều trường học miền núi, để đáp ứng được tình hình thực tiễn của việc dạy học Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số hiện nay, đòi hỏi người giáo viên phải biết vận dụng nhiều phương pháp dạy học Tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ 2. Theo đó, để giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học của mình cũng như nâng cao hiệu quả công tác phụ đạo cho học sinh, các trường cần tổ chức các hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra phương pháp dạy học hay, giải pháp phụ đạo học sinh hiệu quả.

Nói về những kinh nghiệm trong công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh tại nhà trường, cô Đỗ Thị Bình chia sẻ: Một trong những giải pháp được thực hiện xuyên suốt năm học là tăng cường thời lượng dạy học môn Tiếng Việt căn cứ trên điều kiện cụ thể của nhà trường. 

Trong đó, phải linh hoạt việc thực hiện tăng thời lượng bằng nhiều cách khác nhau, như: Tăng số lượng tiết dạy học trong buổi học ít tiết, buổi học trong tuần… Với điều kiện của nhà trường còn thiếu phòng lớp học, chưa thể triển khai dạy học 2 buổi/ngày nên trường thực hiện điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học của các môn học khác để tập trung dạy học Tiếng Việt cho học sinh. Việc tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt không chỉ tập trung cho học sinh ở lớp 1, mà còn tiếp tục thực hiện tăng cường ở các khối 2, 3, 4 và 5.

Không dừng lại ở đó, các trường còn tích cực đổi mới hoạt động của thư viện theo hướng mở, bằng việc xây dựng thư viện lưu động, thư viện xanh đưa sách, báo đến gần với học sinh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh mượn sách, truyện, tài liệu tham khảo. 

Đổi mới hoạt động đoàn, hội theo hướng khuyến khích học sinh chủ động tổ chức, điều khiển các hoạt động vui chơi tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội. Theo thầy Nguyễn Văn Giàu, với đặc điểm của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số rất thích các hoạt động ngoài giờ, yêu thích các hoạt động văn hóa, thể thao… nên một trong các giải pháp nâng cao năng lực Tiếng Việt cho học sinh được nhà trường thực hiện hiệu quả đó là xây dựng môi trường Tiếng Việt cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Giàu cho biết: Từ những tiến bộ của học sinh thì có thể khẳng định rằng, việc cảm thụ cũng như khả năng phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số thông qua các trò chơi học tập, hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể thao là hết sức hiệu quả. Tuy nhiên, nếu biết kết hợp sử dụng các phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ Tiếng Việt vào trong các hoạt động ngoài giờ thì tính hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.