Sóc Trăng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQLGD các cấp

GD&TĐ - Ngày 15/8, Sở GD-ĐT Sóc Trăng tổ chức lễ tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 theo hình thức trực tuyến.

Trường học ở vùng đồng bào dân tộc
Trường học ở vùng đồng bào dân tộc

Năm học 2018 - 2019, toàn ngành GD - ĐT tích cực thực hiện nhiệm vụ năm học, qua đó đạt được những kết quả cụ thể. Quy mô giáo dục các cấp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn và tập trung, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS). 

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả, hiện toàn tỉnh có 268/518 trường (công lập) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 51,7%. Chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học từng bước được nâng lên và có nhiều chuyển biến tích cực, đa số các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Việc giảm thiểu học sinh bỏ học, duy trì sĩ số các cấp học được tập trung chỉ đạo, thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể và có hiệu quả...

Giáo dục dân tộc cũng được quan tâm. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 152 trường có dạy tiếng Khmer, 1.609 lớp (kể cả các trường PTDTNT) với 41.780 HS. Trong đó, Tiểu học 108 trường với 1.224 lớp, có 30.092/42.159 học sinh dân tộc Khmer học chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 71,37%; THCS có 35 trường với 336 lớp, có 10.076/19.673 học sinh dân tộc Khmer học tiếng chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 51,21%; THPT có 09 trường, 49 lớp với 1.601/4.520 HS dân tộc Khmer học chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 35,42%.

Đối với môn tiếng Hoa, tỉnh có 5 trường với 49 lớp, có 1.406 học sinh; trong đó, Tiểu học 3 trường với 32 lớp, có 960/4.361 học sinh dân tộc Hoa học tiếng Hoa, chiếm tỷ lệ 14,82%, THCS 02 trường với 17 lớp có 446/4.131 học sinh dân tộc Hoa học tiếng Hoa, chiếm tỷ lệ 10,79%. Hầu hết các đơn vị trường có dạy tiếng Hoa là những trường tư thục của Hội người Hoa tổ chức.

Về đội ngũ, toàn ngành có 18.532 cán bộ, giáo viên và nhân viên, (08 Tiến sĩ, 312 Thạc sĩ, 70 CBGV đang học Thạc sĩ, 08 CBGV đang học nghiên cứu sinh), trong đó tỷ lệ giáo viên là người dân tộc chiếm hơn 27 %, so với năm học 2017-2018 tăng 121 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Tất cả giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn 100%.

Năm học 2019 - 2020, ngành GD - ĐT tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và là năm học chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đặc biệt, để thực hiện đạt kết quả tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của Bộ GD - ĐT cùng với thực tiễn của tỉnh Sóc Trăng, ngành GD - ĐT tỉnh Sóc Trăng đề ra chủ đề năm học 2019 - 2020 là “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo”...

Định hướng cho năm học 2019-2020, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngành giáo dục quan tâm triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về nâng cao chất lượng GD - ĐT; các cấp ủy, chính quyền phải xác định việc nâng cao chất lượng GD - ĐT là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo ngành giáo dục của tỉnh hoàn thành các nhiệm vụ trong năm học mới cũng như trong cả giai đoạn của nhiệm kỳ;

Cụ thể hóa 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp cơ bản để vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh; ngành GD - ĐT cần bám sát chương trình đổi mới GD - ĐT để vận dụng và triển khai có hiệu quả, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền trong việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, xóa các điểm lẻ và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư cho giáo dục trên địa bàn, nhất là đối với cấp học mầm non và trung học phổ thông. Cần xác định yếu tố có tính chất quyết định để đổi mới nâng cao chất lượng GD - ĐT là phải xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?