SEQAP tạo cú hích nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học

GD&TĐ - Sau 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) đã đạt được thành quả đáng khích lệ, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, thực hiện công bằng trong giáo dục...

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị, của các nhà tài trợ và trong báo cáo của Ban quản lý chương trình SEQAP tại hội nghị tổng kết chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học diễn ra hôm nay (16/12) tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được tham quan các khu trưng bày thành tựu của SEQAP, nghe báo cáo tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, xem những tư liệu của chương trình đã được triển khai tại các địa phương, chia sẻ những kinh nghiệm duy trì bền vững thành quả SEQAP tại một số địa phương trong năm học 2016-2017.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Những thành tựu đáng ghi nhận của SEQAP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định: Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) được triển khai từ tháng 3/2010 tại 36 tỉnh có điều kiện KTXH khó khăn với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các vùng miền. Sau gần 7 năm triển khai, chương trình đã đạt được kết quả tốt đẹp với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

SEQAP là chương trình đầu tiên triển khai theo phương thức giải ngân mới, kinh phí được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Chương trình dần đi vào ổn định với sự cố gắng của BQL dự án, của trung ương của địa phương.

Với nguồn đầu tư  hơn 3.000 tỉ đồng, gồm nguồn ODA của các đối tác phát triển, vốn đối ứng của Chính phủ và vốn của 36 tỉnh, qua 7 năm triển khai, SEQAP đã làm cho bộ mặt trường lớp, cơ sở vật chất ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều cải thiện đáng kể. Hơn 2.000 phòng học, hơn 1.200 nhà vệ sinh, 262 nhà đa năng, 151 trung tâm truyền thông đã được đầu tư xây dựng. Đây là nguồn cơ sở vật chất đáng được coi trọng.

Đặc biệt là 151 trung tâm truyền thông các phòng GD là nơi để đào tạo đội ngũ giáo viên không chỉ hôm nay mà cho cả ngày mai, trong các giai đoạn tiếp theo để ngành GD tiếp tục tăng cường năng lực của đội ngũ.

Có hơn 1,2 triệu lượt giáo viên và cán bộ được bồi dưỡng. Hình thức, nội dung chương trình bồi dưỡng lần này có rất nhiều đổi mới theo hướng sát thực, hợp với nhu cầu của giáo viên.

Đã có hơn 210.000 học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ bữa ăn trưa để học cả ngày. Một hệ thống tài liệu gồm 20 bộ tài liệu được biên soạn để phục vụ cho việc dạy học giáo dục rèn luyện để phục vụ công tác giáo dục trong các nhà trường. Đã có 1628 trường tiểu học với 1.180.803 học sinh của 36 tỉnh có điều kiện KTXH khó khăn đã chuyển từ học nửa ngày sang học cả ngày.

SEQAP tạo ra cú hích cho giáo dục tiểu học

Các báo cáo tham luận tại hội nghị cho thấy rõ lợi ích của việc học 2 buổi 1 ngày. Việc dạy học cả ngày sẽ tăng thời lượng để củng cố kiến thức các bộ môn, đặc biệt là các bộ môn Toán, Tiếng Việt. Học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham gia các CLB, được giáo dục kĩ năng sống.

Có thể nói rằng các hoạt động đó đã tác động đến chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường, thể hiện ở tỉ lệ xếp loại hạnh kiểm, xếp loại học lực, tỉ lệ học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh khác giỏi tăng, tỉ lệ học sinh lưu ban bỏ học giảm.

Một điều đáng mừng là học sinh thêm yêu trường yêu lớp, phụ huynh tin tưởng tạo điều kiện cho con em đến trường. Điều này đã tác động không chỉ đến học sinh mà còn nâng cao nhận thức của phụ huynh về việc nâng cao kiến thức cho con em, tạo điều kiện cho con em học tập.

Ngoài sự hỗ trợ của SEQAP thì ở nhiều nơi phụ huynh đã chung tay đóng để các cháu ăn trưa tại trường. Tất cả các phụ huynh đều rất vui mừng vì những lợi ích mà SEQAP mang lại.

Ngoài ra, SEQAP cũng đóng góp để hoàn thiện khung cơ cấu hệ thống chính sách. Cụ thể đã góp phần vào việc xây dựng thông tư về xác định vị trí việc làm, về xây dựng chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú.

Đặc biệt, BQL chương trình SEQAP đã xây dựng lộ trình chuyển đổi các trường tiểu học sang thực hiện học 2 buổi 1 ngày. Lộ trình này là kế hoạch khung để các địa phương tham khảo học tập để triển khai học cả ngày trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định: SEQAP đã tạo ra cú hích để các địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực cho giáo dục tiểu học. Chương trình đã tác động đến đối tượng học sinh, giáo viên, đến cha mẹ học sinh, đến cấp ủy chính quyền địa phương có sự quan tâm chăm lo nhiều hơn đến giáo dục tiểu học.

Có thể khẳng định rằng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học đã mang lại một sinh khí mới, nét tươi mới cho các trường tiểu học ở các vùng khó khăn: Cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp hơn, điều kiện học tập đảm bảo đầy đủ hơn, chất lượng giáo dục được nâng cao hơn. Cha mẹ học sinh quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con, tạo điều kiện để các cháu đến trường, phối hợp với nhà trường để chăm lo cho các em học sinh.

Chương trình SEQAP đã góp phần để chúng ta thực hiện công bằng trong giáo dục cơ bản và góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 trong đó có 1 chỉ tiêu quan trọng là 90% các trường tiểu học dạy 2 buổi 1 ngày (Đến nay chúng ta mới đạt gần 60% số trường).

SEQAP đã đóng góp một phần rất xứng đáng trong việc tăng tỉ lệ 2 buổi /1 ngày ở các trường tiểu học trong cả nước, đặc biệt là từ những vùng khó khăn nhất trong cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 71 tập thể và 154 cá nhân đã có thành tích xuất sắc
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 71 tập thể và 154 cá nhân đã có thành tích xuất sắc

Tiếp nhận những thành quả to lớn của SEQAP

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Bộ GD&ĐT và các địa phương sẽ có trách nhiệm tiếp nhận các kết quả của dự án duy trì và phát triển bền vững những kết quả này trong thời gian tới vì sự phát triển của GD tiểu học.

Để những kết quả của chương trình được duy trì và phát triển tốt hơn, đảm bảo tính bền vững như mục tiêu ban đầu đã đề ra, Bộ GD&ĐT đề nghị các đồng chí lãnh đạo các địa phương trên cơ sở những kết quả đã đạt được tiếp tục quan tâm chỉ đạo hỗ trợ để các trường tiểu học trong và ngoài SEQAP tiếp tục thực hiện mô hình dạy học cả ngày vì những lợi ích thiết thực của nó.

Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch lộ trình để chuyển đổi các trường tiểu học dạy một buổi 1 ngày còn lại của địa phương sang dạy cả ngày. Để làm được điều đó, các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT cần căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương để tích cực tham mưu, duy trì phát triển bền vững những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để chuyển đổi những trường tiểu học sang dạy học 2 buổi/1 ngày.

Kết thúc SEQAP, các Sở GD&ĐT tham mưu với địa phương tiếp tục vận động để nhân dân nhận thức được ý nghĩa của hoạt động này, để phụ huynh đóng góp hỗ trợ cho các cháu ăn trưa tại trường vì những lợi ích thiết thực, vì chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Trong thời gian triển khai SEQAP, các giáo viên đã được bồi dưỡng để nâng cao năng lực. Thứ trưởng cũng đề nghị các đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên các trường tham gia SEQAP tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục tiểu học có chất lượng thông qua mô hình dạy học cả ngày.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao BQL chương trình, đặc biệt là đồng chí giám đốc Trần Đình Thuận đã triển khai những ý tưởng mà Bộ đề ra. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đóng góp quan trọng vào thành công của SEQAP khi ông là người đã khởi xướng và triển khai chỉ đạo thực hiện chương trình. Thêm vào đó là sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ vương quốc Bỉ, Vụ phát triển quốc tế của Vương quốc Anh, sự phối hợp của các bộ ngành Trung ương, các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kết luận: Chương trình SEQAP đã thành công, nhưng vấn đề duy trì phát triển thành quả mà chương trình đã đạt được phụ thuộc vào sự nỗ lực của các giáo viên, cán bộ quản lý, của các đồng chí từ các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, sự ủng hộ của địa phương, của nhân dân. Tôi mong rằng tất cả chúng ta cùng chung tay để làm cho SEQAP thành công, tiếp tục lan tỏa từ những nơi khó khăn nhất đến tất cả các vùng miền trên cả nước, vì chất lượng của giáo dục tiểu học, cấp học nền tảng của giáo dục nước nhà.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tặng bằng khen của bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 71 tập thể và 154 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học giai đoạn 2009-2016.

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) với tổng mức đầu tư 179.522.000 USD (3.322 tỉ đồng), trong đó có 151.652.000 USD vốn ODA của các đối tác phát triển, 27.900.000 USD vốn đối ứng của Chính phủ và của 36 tỉnh tham gia.

Sau 7 năm thực hiện đã hỗ trợ xây dựng mới 2006 phòng học, 1289 nhà vệ sinh, 262 phòng học đa năng và 151 Trung tâm nguồn thông tin tại các Phòng GD&ĐT để tổ chức bồi dưỡng tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý phụ vụ cho dạy học cả ngày.

Đã có hơn 210.000 học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ bữa ăn trưa để học cả ngày.

Gần 1,2 triệu lượt giáo viên, cán bộ quản lý được bồi dưỡng tập huấn tăng cường năng lực, xây dựng hệ thống văn bản tài liệu để chuyển đổi 1628 trường tiểu học với tổng số 1.180.803 học sinh của 36 tỉnh có điều kiện kinh tế khoa khăn từ dạy học 1 buổi. 1 ngày sang dạy học cả ngày.

Chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo các trường tiểu học ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên.

Một lộ trình chuyển đối các trường tiểu học trên toàn quốc chuyển sang dạy học cả ngày giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng với phương án có tính khả thi là tín hiệu tích cực cho đổi mới, sáng tạo và Bộ GD&ĐT sẽ tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.