SEQAP tác động tích cực đến năng lực cán bộ quản lý, giáo viên

GD&TĐ - Một trong ba nhiệm vụ cơ bản của SEQAP là tăng cường năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lí đáp ứng yêu cầu dạy học cả ngày. Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực được đánh giá là thành công lớn nhất của Chương trình này.

SEQAP tác động tích cực đến năng lực cán bộ quản lý, giáo viên

Phát huy tối đa hiệu quả công tác bồi dưỡng

Nhận định tại các địa phương, tác động của các hoạt động tập huấn bồi dưỡng, tham quan học tập kinh nghiệm của SEQAP đến chất lượng năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được nâng lên rõ rệt.

Tại Yên Bái, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trong 17 modul SEQAP hỗ trợ bồi dưỡng, tỉnh này đã thực hiện 16 modul; cùng với đó trong khuôn khổ SEQAP, Sở GD&ĐT đã tập huấn nhiều nội dung chuyên sâu khác. Tổng số có 24.123 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường SEQAP được tập huấn ở các cấp. Ngoài ra, Sở còn mở rộng các đối tượng ngoài SEQAP được tham gia tập huấn với 9.689 lượt người.

Căn cứ các văn bản, kế hoạch của Ban quản lý SEQAP Trung ương, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn mở rộng đối tượng là cán bộ quản lý, tổng phụ trách đội, giáo viên cốt cán cho các đơn vị ngoài SEQAP nhằm nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, tổng phụ trách đội và giáo viên trong việc thực hiện các hoạt động GD của nhà trường và đảm bảo thống nhất chỉ đạo chuyên môn trong toàn tỉnh.

Trong đó, một số modul quan trọng đã được Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn nhiều lần cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường SEQAP và các trường không tham gia SEQAP. Việc triển khai tập huấn đảm bảo theo đúng quy định về nội dung, về thời lượng và kinh phí tổ chức tập huấn.

Yên Bái sử dụng đội ngũ báo cáo viên cốt cán đã được SEQAP Trung ương bồi dưỡng trực tiếp để thực hiện làm báo cáo viên tại địa phương, với tinh thần phát huy tối đa và hiệu quả trong công tác bồi dưỡng lại.

Qua việc được tiếp thu các lớp tập huấn đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh nâng cao năng lực quản lý chỉ đạo, xây dựng kế hoạch dạy học cả ngày; giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nắm chắc các phương pháp, kỹ thuật dạy học và vận dụng một cách linh hoạt trong các tiết dạy, chất lượng dạy và học tốt hơn; cán bộ, giáo viên đổi mới nhận thức trong việc sinh hoạt chuyên môn, giáo viên mạnh dạn, tự tin, sẵn sàng trao đổi chia sẻ với đồng nghiệp.

Thông qua việc được học tập, tham quan các đơn vị có kinh nghiệm đã có những tác động rất tích cực đến năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn và năng lực chỉ đạo chuyên môn cho cán bộ Sở, Phòng.

Tại Thanh Hóa, Chương trình SEQAP đã dành khoản kinh phí khá lớn cho công tác đào tạo, hội thảo, tập huấn bồi dưỡng giáo viên. Báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, địa phương đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên cốt cán bao gồm cán bộ Phòng GD Tiểu học, chuyên viên phụ trách tiểu học của 11 Phòng GD&ĐT, một số hiệu trưởng và giáo viên khác.

Đội ngũ này thường xuyên được tham gia tập huấn tại Bộ GD&ĐT, góp ý cho Bộ nhiều tài liệu và những chủ trương, chính sách quan trọng cho dạy học cả ngày, đồng thời đội ngũ này cũng là báo cáo viên các đợt tập huấn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp trường.

17 modul cơ bản của SEQAP đã được tập huấn đầy đủ đến cán bộ quản lí và giáo viên của 72 trường của Thanh Hóa tham gia SEQAP, có những modul được tập huấn đến ba, bốn lần do lộ trình mỗi năm (từ năm 2010 đến 2013); số lượng các trường tham gia là khác nhau và có những thay đổi trong đội ngũ cán bộ quản lí. Ngoài 17 modul nêu trên, còn có một số các hội thảo tập huấn khác theo nhu cầu của địa phương và được sự đồng ý của Ban quản lý Chương trình Trung ương cũng đã được tổ chức có hiệu quả.

Theo nhận định của Sở này, thành công lớn nhất của SEQAP tại Thanh Hóa là xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang mô hình học cả ngày.

Cũng đánh giá cao thành công của SEQAP trong công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, Sở GD&ĐT Trà Vinh nhận định các hoạt động tập huấn bồi dưỡng, tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm của SEQAP đã góp phần giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của tỉnh nâng cao năng lực, chủ động, linh hoạt hơn trong việc thực hiện Chương trình, triển khai các nội dung dạy học một cách phù hợp thực tế địa phương, phù hợp yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Nội dung các modul tập huấn đã trang bị những kiến thức nghề nghiệp hữu ích, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý trường SEQAP nâng cao năng lực nghề, để tham gia có hiệu quả việc dạy học cả ngày khi triển khai đại trà theo định hướng của ngành.

Những con số ấn tượng trong công tác đào tạo

Những con số tổng kết từ Chương trình SEQAP 2010 - 2016 cho thấy kết quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn chuyên biệt, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu có đủ giáo viên các môn học cho các trường tiểu học; cũng như việc thí điểm đào tạo giáo viên có trình độ trên đại học thành các chuyên gia về GD tiểu học.

Có thể kể đến 2 lớp bồi dưỡng giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc được tổ chức tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương; 8 lớp bồi dưỡng giáo viên dạy Tiếng Anh; 1 lớp bồi dưỡng giáo viên Thể dục - Công tác Đội; 2 lớp bồi dưỡng giáo viên Tin học; 3 lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Mông; 2 lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Chăm; 1 lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer; 1 lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Jrai… SEQAP đã hoàn thành vượt mức các chỉ số đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy các môn chuyên biệt và giáo viên dạy tiếng DTTS theo quy định của Hiệp định.

Công tác đào tạo của SEQAP được địa phương đánh giá cao. Thông tin từ báo cáo tổng kết SEQAP của Sở GD&ĐT Yên Bái, tỉnh này có 7 giáo viên các môn chuyên biệt được đào tạo ngắn hạn của SEQAP.

Tổng hợp ý kiến của giáo viên đều đánh giá cao về nội dung Chương trình, có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực cho giáo viên dạy các môn chuyên biệt. Năng lực lãnh đạo, quản lý trường học của đội ngũ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và năng lực chỉ đạo chuyên môn của cán bộ Sở, Phòng được nâng lên. Năng lực dạy học, năng lực tổ chức các hoạt động GD cho giáo viên được cải thiện và nâng cao chất lượng GD theo mô hình học cả ngày.

Tại Trà Vinh, toàn tỉnh có 19 giáo viên đã qua đào tạo ngắn hạn của SEQAP Trung ương, gồm 1 giáo viên Mỹ thuật, 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Tin học, 6 giáo viên Anh văn và 10 giáo viên tiếng Khmer. Trên cơ sở tham gia các lớp đào tạo do SEQAP Trung ương tổ chức, hầu hết những giáo viên này đã tiếp cận tốt tài liệu, nội dung, phương pháp dạy học, thay đổi cách soạn giảng; củng cố được kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; tổ chức tốt các hoạt động dạy học phù hợp bộ môn, có nhiều cải tiến và phù hợp với hoạt động chung của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.