Sau đại dịch Covid-19, ngành học nào lên ngôi?

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động đến xu hướng phát triển các ngành nghề. Dự báo sẽ có hàng loạt yêu cầu mới trong lựa chọn và đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Xu hướng công nghệ 4.0

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhận định: Xu hướng ngành nghề có nhiều dịch chuyển. Dự báo những ngành như: Công nghệ thông tin, điện tử, thương mại điện tử, các nhóm ngành kinh tế, kinh doanh có liên quan đến công nghệ sẽ “hot” trong tương lai gần.

Cho rằng, khối ngành kinh tế, với xu hướng giao thoa với công nghệ sẽ ngày càng “hot”, GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) viện dẫn: Có một số ngành mới đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong tương lai như: Kinh doanh số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, logistic…

Ngoài ra, những ngành học bằng tiếng Anh cũng được dự báo ngày càng thu hút thí sinh. Bởi lẽ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc đi du học của thí sinh gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vì thế, nhiều em sẽ chuyển hướng sang hình thức “du học trong nước” hoặc đăng ký học những ngành đào tạo bằng tiếng Anh. Qua đó, vừa phát huy được khả năng ngoại ngữ, vừa có kiến thức, năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo các chuyên gia, một số những ngành học nhận được sự quan tâm của nhiều sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới. Đầu tiên là ngành công nghệ thông tin. Tiếp đến là ngành chăm sóc sức khỏe với sự hỗ trợ của công nghệ sinh học như: Sinh học phân tử, công nghệ hóa sinh, khoa học sức khỏe, hệ thống sức khỏe số. Các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế sẽ ngày càng được đầu tư, không chỉ từ các công ty tư nhân mà cả các chính phủ. Ngành quản trị du lịch - khách sạn vẫn có sức hút và được dự báo sẽ càng thu hút nhân lực trong những năm tới khi đại dịch dần được khống chế.

Bên cạnh đó, cùng với xu hướng công nghệ 4.0 và hạn chế tiếp xúc giữa người với người, ngành thương mại điện tử, kỹ thuật số sẽ là nhóm nghề thực sự bùng nổ thời gian tới. Cuối cùng là nhóm ngành hậu cần và chuỗi quản lý cung ứng. Với xu thế hội nhập hóa các nền kinh tế, chuỗi quản lý cung ứng đang dần trở thành ngành nóng trên thế giới.

Dự báo, khối ngành kinh tế xu hướng giao thoa với công nghệ sẽ ngày càng “hot”.
Dự báo, khối ngành kinh tế xu hướng giao thoa với công nghệ sẽ ngày càng “hot”.

Các trường ĐH nhanh chóng nắm bắt thị trường

Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhân lực nhóm ngành công nghệ thông tin dường như ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đại dịch đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội như: Giải pháp học trực tuyến, làm việc từ xa, phần mềm kiểm soát đi lại, tiêm chủng, khám bệnh trực tuyến… Nhờ đó, khối lượng công việc dành cho nhóm ngành công nghệ thông tin nhiều hơn.

Cũng theo TS Lê Trường Tùng, các ngành khác cũng đang có xu hướng chuyển đổi số. Ví dụ, với ngành tài chính - ngân hàng, ngân hàng truyền thống sẽ bị thay thế bằng ngân hàng điện tử, ví điện tử, tiền mã hóa. Như vậy, các ngành đều phải thay đổi nội dung đào tạo. Bên cạnh đó, dự báo nhân lực lao động trực tiếp sẽ giảm khi có sự hỗ trợ của công nghệ. Vì vậy, các ngành phải nhúng công nghệ thông tin trong đào tạo, nếu không sẽ lạc hậu.

Tại buổi tọa đàm “Đón đầu làn sóng ngành hot - việc hay trong kỷ nguyên số”, ông Chris Jeffery - Giám đốc Học vụ Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) nhận định: Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia trên thế giới. Bối cảnh này đã tạo ra sự phân chia thành hai nhóm người lao động. Nhóm thứ nhất là người có thể lao động tại nhà với số lượng tăng lên đáng kể. Ngược lại, nhóm thuộc các lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm, kéo theo tỷ lệ nghèo tăng cao.

Ở khía cạnh khác, một bộ phận người lao động đã nắm bắt cơ hội để nâng cao kỹ năng ngay trong đại dịch nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế 4.0. Do đó, các trường đại học cần làm thật tốt việc nắm bắt thị trường, cập nhật ngành, chương trình học để vừa thích nghi nhanh chóng nhưng cũng phải phù hợp.

Ông Chris Jeffery cho rằng: Xu hướng làm việc linh hoạt sẽ duy trì ngay cả khi đại dịch qua đi. Mọi người vẫn quay trở lại văn phòng nhưng nhu cầu và yêu cầu làm việc trực tuyến sẽ tiếp tục tăng cao ở một số lĩnh vực do tính chất công việc cho phép người lao động có thể làm việc ở bất kỳ đâu và sẽ không có rào cản địa lý, nhất là trong những lĩnh vực ứng dụng đến khoa học máy tính và công nghệ.

Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search – trao đổi: Nhiều ngành nghề liên quan đến yếu tố công nghệ, đặc biệt là khoa học máy tính hay khoa học dữ liệu có xu hướng phát triển ngay cả trong đại dịch. Trong đó, mảng tài chính ngân hàng có sự gia tăng khá mạnh về yêu cầu tuyển dụng với các vị trí liên quan công nghệ thông tin. Điều này hướng tới mục tiêu giúp ngân hàng phát triển nhanh chóng trong cuộc đua ngân hàng số trên thị trường.

Dựa trên khảo sát từ 400 doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, kiến trúc, y tế, giáo dục... và 1.200 người lao động, Vietnam Works vừa đưa ra báo cáo “Thị trường lao động trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 năm 2021: Thực trạng và hướng đi”. Theo báo cáo này, khoảng 49,9% doanh nghiệp không sa thải nhân viên, giữ nguyên lương, phúc lợi như trước đợt Covid-19. Trong đó, đa số là doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin. Đây là những lĩnh vực có khả năng duy trì hoạt động tốt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Chia sẻ một số kỹ năng cơ bản mà các bạn trẻ cần trau dồi, bà Ngô Thị Ngọc Lan – nhấn mạnh: Học hỏi tích cực; kiến thức về công nghệ thông tin; quản lý bản thân và người khác; tư duy phản biện. Kèm theo những kỹ năng cơ bản này là năng lực ngoại ngữ. Đây là yếu tố rất quan trọng để học hỏi tích cực. Ngoài ra, các bạn cũng cần bổ sung kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác làm việc, quản lý con người, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và quyết định, giải quyết vấn đề...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.