Sáp nhập Trường ĐH Quảng Nam vào ĐH Đà Nẵng: Thách thức về tự chủ tài chính

GD&TĐ - ĐH Đà Nẵng đề xuất 3 phương án sáp nhập: Trường ĐH Quảng Nam là trường thành viên hoặc trở thành phân hiệu, hoặc là trường ĐH chuyên ngành, cụ thể là chuyên ngành y dược.

SV Khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng làm thủ tục nhập học.
SV Khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng làm thủ tục nhập học.

Nhiều phương án

Chủ trương sáp nhập Trường ĐH Quảng Nam thành trường thành viên của ĐH Đà Nẵng được Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất. Lộ trình dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023. Hiện Trường ĐH Quảng Nam đã hoàn tất khâu xây dựng đề án theo hướng là trường ĐH thành viên của ĐH Đà Nẵng. ĐH Đà Nẵng cũng đã thành lập tổ nghiên cứu đề án Trường ĐH Quảng Nam trở thành cơ sở giáo dục thành viên. ĐH Đà Nẵng đang trình Bộ GD&ĐT xem xét, cho ý kiến về đề án thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở sắp xếp lại và đầu tư nâng cấp ĐH Đà Nẵng, các trường ĐH trên địa bàn thành phố và địa phương lân cận, trong đó có Trường ĐH Quảng Nam.

Trong buổi làm việc mới đây giữa ĐH Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, GĐ ĐH Đà Nẵng đề xuất 3 phương án sáp nhập cũng như phân tích ưu nhược điểm của mỗi phương án. Theo đó, nếu Trường ĐH Quảng Nam trở thành ĐH thành viên như đề án của nhà trường xây dựng và giữ nguyên tên trường không phù hợp với chiến lược phát triển thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng.

 “Phương án này tạo sự ổn định cho Trường ĐH Quảng Nam, ít có sự thay đổi về tổ chức, đội ngũ nhưng khó tạo điều kiện cho nhà trường phát triển. Công tác tuyển sinh sẽ gặp khó khăn do trùng lắp ngành nghề đào tạo với các trường thành viên ĐH Đà Nẵng. Với phương án trở thành phân hiệu của ĐH Đà Nẵng cũng gặp vấn đề tương tự. Riêng phương án trở thành trường ĐH chuyên ngành, chẳng hạn như Trường Đại học Y, Dược sẽ có nhiều ưu điểm và được nhiều chuyên gia ủng hộ. Nhu cầu nguồn nhân lực khu vực khối ngành sức khỏe từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên rất lớn nhưng chưa có trường ĐH khối ngành y, dược. Đồng thời, đang có nguồn lực hiện tại của Trường ĐH Quảng Nam và Khoa Y, Dược cùng các chuyên ngành của cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng. Nếu chuyển các ngành đào tạo thuộc khối y, dược từ ĐH Đà Nẵng về Quảng Nam sẽ giúp trường có được thương hiệu tốt, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh và đào tạo” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ phân tích. 

Bài toán tự chủ tài chính

Bài toán tự chủ sau sáp nhập là thách thức với cả ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Quảng Nam. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ phân tích: “Bộ GD&ĐT sẽ không bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của Trường ĐH Quảng Nam. Chưa kể là khoảng cách giữa 2 địa phương rất gần, tâm lý HS lại muốn chọn ra Đà Nẵng để học nên khó tuyển sinh”. Chính vì vậy, phía ĐH Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam ủng hộ chủ trương ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia. Đây là một trong những phương án giải quyết bài toán tự chủ sau sáp nhập, nhất là nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, ĐH Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục cấp kinh phí chi thường xuyên cho Trường ĐH Quảng Nam trong giai đoạn đầu sau sáp nhập để giúp trường ổn định, phát triển cho đến khi đủ điều kiện thực hiện tự chủ tài chính.

PGS.TS Huỳnh Trọng Dương – Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam chia sẻ: Như tên gọi của Đề án mà UBND tỉnh giao nhà trường xây dựng trên cơ sở góp ý của các ban, ngành liên quan, mục tiêu và mong muốn của nhà trường sau khi gia nhập ĐH Đà Nẵng là trở thành trường ĐH thành viên. Tuy nhiên, phát triển theo hướng nào còn phụ thuộc vào định hướng phát triển chung của ĐH Đà Nẵng.

Trước đó, trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh Quảng Nam và ĐH Đà Nẵng (tháng 1/2020), ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Trường ĐH Quảng Nam trở thành trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Theo đó, phương án này sẽ tạo vị thế mới cho Trường ĐH Quảng Nam phát triển theo hướng chuyên sâu với quy mô, chất lượng cao hơn ở những lĩnh vực có lợi thế như sư phạm, văn hóa, du lịch.

Sáp nhập với ĐH Đà Nẵng cũng được xem là cách để Trường ĐH Quảng Nam giải quyết bài toán khó khăn về công tác tuyển sinh. Thành lập năm 2007 trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, thời gian đầu, Trường ĐH Quảng Nam có nhiều thuận lợi trong tuyển sinh. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, khi Bộ GD&ĐT đổi mới công tác tuyển sinh, các trường công lập hay tư thục đều cạnh tranh sòng phẳng, công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn và liên tục sụt giảm. Như năm 2019 chỉ có 215 SV nhập học. Nguyên nhân do thương hiệu trường chưa mạnh, ngành đào tạo chủ yếu là sư phạm, lại nằm gần ĐH Đà Nẵng. Khó khăn trong tuyển sinh đã kéo theo nhiều khó khăn khác của Trường ĐH Quảng Nam như tài chính, giải quyết giờ dạy cho cán bộ, giảng viên… Có năm nhà trường phải hoàn trả lại ngân sách cho tỉnh vì số lượng SV không đạt chỉ tiêu được giao.

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị ĐH Đà Nẵng nghiên cứu và lựa chọn phương án sáp nhập chính thức. Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Nam sẽ có căn cứ để xây dựng kế hoạch triển khai những bước tiếp theo. Quan điểm của Quảng Nam là phương án nào cũng hướng đến mục tiêu liên kết, góp phần phát triển, nâng tầm Trường ĐH Quảng Nam và ĐH Đà Nẵng, tạo động lực phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ