Quan tâm đến chính sách đối với nhà giáo và người học

GD&TĐ - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục sửa đổi trình lên kỳ họp Quốc hội lần này, đồng thời thể hiện sự quan tâm đối với các nội dung về nhà giáo, người học và chương trình giáo dục.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học huyện Đức Huệ (Long An)
Trong giờ học tại Trường Tiểu học huyện Đức Huệ (Long An)

Lương phải đảm bảo đời sống nhà giáo

Trao đổi về nội dung chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng: Luật Giáo dục quy định những vấn đề về giáo dục, còn lương phải quy định ở chính sách riêng về lương, nên không quy định vấn đề lương giáo viên trong Luật Giáo dục là phù hợp. Cũng theo đại biểu, chúng ta đã khẳng định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đây là ngành, lĩnh vực cần phải quan tâm, nên lương giáo viên cần đảm bảo cho họ đủ sống, thậm chí sống khá giả để các thầy cô dành toàn bộ thời gian, tâm huyết cho việc đào tạo con người.

Ủng hộ đề xuất nhà giáo cần có thu nhập tốt, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT khẳng định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Từ đó, đại biểu đề nghị, Nhà nước trong quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần rà soát các Nghị quyết để làm sao hài hòa với các ngành khác, đảm bảo mức sống với viên chức giáo viên.

Nói thêm về nội dung liên quan đến nhà giáo, đại biểu Dương Minh Tuấn nhắc đến tình trạng thừa thiếu giáo viên tại các địa phương hiện nay và đề nghị ngành Giáo dục và Nội vụ cần cùng ngồi lại, phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc trong phân công chức, viên chức giáo dục.

Chính sách người học đảm bảo công bằng giáo dục

Quan tâm đến nội dung về người học trong dự thảo Luật, đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, chính sách không thu học phí với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập với trẻ em diện phổ cập rất đáng hoan nghênh; tuy nhiên điều đáng băn khoăn là các khoản khác ngoài học phí học sinh phải đóng trong nhà trường.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Giáo dục phải theo hướng khoa học, hiện đại, nhân văn, dân tộc, trong đó tính khoa học được đặt lên đầu tiên; bên cạnh nội dung về tri thức, về khoa học, cần phải rất quan tâm đến các vấn đề về kĩ năng, thực hành, theo phương châm học đi đôi với hành, giảm tải áp lực cho người học theo hướng tăng cường các giờ thực hành, giờ trao đổi để phát triển các năng lực cá nhân... 

Về nội dung này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu chia sẻ quan điểm: Do điều kiện kinh tế khó khăn, nặng gánh ngân sách, nên cần tính đến đối tượng ưu tiên về miễn học phí. Hiện nay, chúng ta mới xác định đối tượng ưu tiên theo quy định của Luật là diện phổ cập; cùng với đó cũng định hướng có hỗ trợ của Nhà nước với đối tượng học sinh khu vực giáo dục tư. Điều này vừa để đảm bảo giảm tải khu vực giáo dục công hiện nay; đồng thời thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tính ngang bằng giữa chất lượng giáo dục khu vực công và khu vực tư.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện trong dự thảo Luật mới nhất, Ban soạn thảo đã sửa đổi khoản 1 Điều 97 theo nguyên tắc về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi trường dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trường tư thục sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhằm nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.

Đối với chính sách không thu học phí học sinh trường THCS công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục: Dự thảo Luật quy định trước mắt ưu tiên thực hiện chính sách này đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện trên cơ sở cân đối ngân sách Nhà nước.

Xây dựng chính sách một cách nhân văn là đòn bẩy để GD vươn tầm trong đổi mới
  • Xây dựng chính sách một cách nhân văn là đòn bẩy để GD vươn tầm trong đổi mới

Cần quan tâm đến chương trình giáo dục các trường quốc tế

Nhận xét dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lần này đã đáp ứng được yêu cầu, chất lượng khá tốt, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đồng thời thể hiện sự quan tâm, góp ý với các nội dung về chương trình giáo dục. Trong đó nhấn mạnh, dứt khoát chúng ta phải quy định trong Luật việc xây dựng nội dung chương trình, sách giáo khoa theo hướng giảm tải; tạo điều kiện thuận lợi cho người học, theo đó đảm bảo tỷ lệ cần thiết những nội dung về mặt kĩ năng, thực hành.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến nội dung chương trình giáo dục với các trường quốc tế. Cho biết hiện nay chúng ta chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật, đại biểu Ngọ Duy Hiểu phân tích: Trên thực tế, các trường quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam thì sẽ phải có mục tiêu là đào tạo con người Việt Nam, phải biết về địa lý, lịch sử, truyền thống Việt Nam. Do đó, cần phải quy định cứng tỷ lệ tiết học về lịch sử, truyền thống dân tộc... trong chương trình giáo dục của các cơ sở giáo dục này...

Cũng theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện nay đang quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền thiết kế một chương trình mở rộng, phù hợp với kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên cần quy định tỷ lệ nhất định, để tránh tùy tiện. Ví dụ, có địa phương quy định tỷ lệ học ngoài chương trình chính khóa quá nhiều, dẫn đến áp lực cho học sinh, khiến các em phải học ngoài giờ, học thứ 7, Chủ nhật nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ