Phương án một bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm là phù hợp

GD&TĐ - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT thông báo phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018, các nhà khoa học đã bày tỏ sự tán thành với quyết sách của Bộ, đồng thời đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết của mình cho phương án thi. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Phóng viên báo Giáo dục & Thời đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Phạm Văn Lình - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

* Bộ GD&ĐT vừa mới thông báo về việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2018. Vậy GS có nhận xét gì về phương án mà Bộ vừa công bố?

- GS.TS. Phạm Văn Lình: Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã đổi mới phương thức tuyển sinh, qua việc lấy kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, xét tuyển vào đại học và cao đẳng (ĐH – CĐ), đã huy động được các trường ĐH và các địa phương tham gia.

Kỳ thi THPT Quốc gia ít tốt kém hơn cho thí sinh, khâu xét tuyển đã hạn chế được những bất cập, đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh nhất là thí sinh có điểm thuộc nhóm cao. Môn thi tổ hợp, giúp rút ngắn thời gian cho kỳ thi nhưng vẫn đảm bảo được tính bao phủ.

Tuy nhiên, tôi đề xuất: Thứ nhất, việc tổ chức kỳ thi cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh ĐH – CĐ. Bộ GD&ĐT cũng nghiên cứu để từng bước tiến tới xét công nhận tốt nghiệp THPT và dành nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH – CĐ.

Thứ hai, đối với chính sách xét tuyển thẳng, nên xem xét lại chính sách xét tuyển thẳng cho các thí sinh thuộc các huyện nghèo để sinh viên tốt nghiệp quay về phục vụ địa phương.

Theo đó, tôi đề nghị: Cho phép các trường xây dựng tiêu chí riêng mang tính đặc thù để đảm bảo chất lượng đào tạo cho một số ngành; việc xét cử học sinh diện xét tuyển thẳng vào các trường do UBND các tỉnh phụ trách, đồng thời tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí để sau tốt nghiệp sinh viên về phục vụ cho huyện nghèo; chỉ tiêu xét tuyển thẳng không nằm trong chỉ tiêu mà trường tự xác định.

* Bộ GD&ĐT cho biết, các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017 và sẽ được áp dụng đến năm 2020. GS đánh giá như thế nào về tính ổn định của chủ trương này?

- GS.TS. Phạm Văn Lình: Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2018 giống kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Trước đó, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án:

Một là, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017.

Hai là, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Nhìn chung 2 phương án giống nhau, chỉ có kỹ thuật thiết lập điểm là khác nhau. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ trong việc xác lập các tổ hợp xét tuyển, cũng như các trường xây dựng tiêu chí phụ trong xét tuyển thì phương án một bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn là phù hợp hơn.

Phương án bài thi môn tổ hợp năm 2017, các Trường ĐH, CĐ vẫn lựa chọn đúng đối tượng theo tiêu chuẩn của trường và theo nguyện vọng của thí sinh. Mặt khác, Bộ GD&ĐT nên ổn định phương án tuyển sinh, tránh xáo trộn ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh.

Liên quan đến vấn đề này, tôi đề xuất: Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ