Phòng chống dịch Covid-19, địa phương chuẩn bị giáo viên dự phòng để chấm thi

GD&TĐ - Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định biết, việc lựa chọn cán bộ tham gia chấm thi dựa trên 2 tiêu chí: trình độ và thái độ. Đồng thời, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chấm thi dự phòng nhằm sẵn sàng thay thế khi có tình huống đột xuất xảy ra

Phòng chống dịch Covid-19, địa phương chuẩn bị giáo viên dự phòng để chấm thi

* Hiện nay, việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực chấm thi được Sở GD&ĐT Nam Định quán triệt như thế nào?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, vừa phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời phải đảm bảo an toàn an trước dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, tỉnh yêu cầu ngành Y tế xuống điểm chấm thi thực hiện khử trùng nhiều lần, đồng thời chuẩn bị các phương tiện như: Máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng… Nói chung đến thời điểm này, công  tác chấm thi diễn ra theo đúng tiến độ và Quy chế.

* Sở GD&ĐT lựa chọn những cán bộ tham gia chấm thi như thế nào?

- Chúng tôi cũng lựa chọn cán bộ chấm thi theo 2 tiêu chí: Trình độ và thái độ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, chúng tôi đề cao thái độ làm việc của cán bộ chấm thi.

Ngoài ra, cán bộ chấm thi phải là giáo viên dạy lớp 12 và có kinh nghiệm về chấm thi.
Hội đồng thi Nam Định có một điểm chấm thi. Điểm chấm thi này cũng được  trang bị đầy đủ các phương tiện như: máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng để các thầy cô yên tâm khi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, chúng tôi có đội ngũ giáo viên đã được tập huấn về công tác chấm thi, sẵn sàng thay thế khi có tình huống đột xuất xảy ra.

* Năm nay, Kỳ thi được giao về địa phương chịu trách nhiệm. Vậy Sở quán triệt đến cán bộ chấm thi như thế nào để bảo đảm kết quả trung thực, khách quan?

- Như tôi đã nói, giám thị đi làm nhiệm vụ chấm thi phải có trình độ và có thái độ rất nghiêm túc. Cho nên việc đầu tiên là phải chấp hành tốt tất cả những nội quy, quy chế và các quy định về làm thi như: Không mang các phương tiện, thiết bị thu phát thông tin, phải giữ kín các thông tin bài thi của thí sinh.

Việc chấm thi được thực hiện theo lập hai vòng độc lập, bốc thăm ngẫu nhiên các bài chấm. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu cán bộ chấm thi phải nhuần nhuyến đáp áp, hướng dẫn chấm thi, để thống nhất về cách chấm và chấm đều tay.

Chúng tôi cũng thành lập tổ chấm kiểm tra để bảo đảm tính khách quan, trung thực, công bằng. 

* Nhìn tổng thể, ông đánh giá như thế nào về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ?

- Chúng tôi cũng rất phấn khởi khi Bộ GD&ĐT có quyết định đúng đắn và quyết liệt trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đây là quyết định sáng suốt.
Quan điểm của chúng tôi là, dứt khoát phải tổ chức thi.

Bởi ý nghĩa của một kỳ thi rất quan trọng, vừa là động lực để thúc đẩy quá trình dạy học, vừa là kết quả để đánh giá công nhận học sinh và vừa là kết quả để Bộ GD&ĐT có thể đánh giá mặt bằng chung về giáo dục trên toàn quốc. Cho nên kiểu gì cũng phải có một kỳ thi như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Cho đến bây giờ chúng tôi nhận thấy, việc chọn phương án thi chúng ta được nhiều hơn. Điều này tác động đến phong trào giáo dục chung của cả nước. Còn nếu sử dụng phương án xét tốt nghiệp thì chúng ta không có cơ sở để đánh giá mặt bằng chất lượng giáo dục trên toàn quốc.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ