Phẩm chất, năng lực người học sẽ được phát huy

GD&TĐ - “Theo chương trình mới, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học. Xét về tổng thể, chương trình đã có nhiều đổi mới một cách toàn diện và mang tính gần gũi, thiết thực, tăng thực hành và ứng dụng…”

Phẩm chất, năng lực người học sẽ được phát huy

Đó là chia sẻ của thầy Võ Đức Chỉnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành. 

Rất nhiều điểm mới đáng chú ý

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, thầy Võ Đức Chỉnh cho biết: Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành có nhiều điểm mới, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học, không nặng về truyền thụ kiến thức như trước. Trong đó nội dung chủ yếu là chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Điều mà đội ngũ nhà giáo quan tâm nhất là việc phân phối chương trình, dạy học tích hợp, tên gọi các môn học cũng được làm sáng tỏ hơn. Từ đó có thể thấy rằng mục tiêu mà chương trình hướng đến nhằm đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh…

Đặc biệt, vấn đề triết lý giáo dục cũng được chú trọng và làm sáng tỏ ở những phẩm chất của học sinh đóng vai trò rất quan trọng: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Qua đó hình thành, phát triển những năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chuyên môn cũng được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất…

Chương trình mới thực hiện giáo dục tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT là rất hợp lý. Đây là vấn đề cốt lõi để hướng tới giảm tải chương trình, nâng cao năng lực, sở trường của học sinh. Nếu làm được việc này, mục tiêu giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) bảo đảm trang bị tri thức nền tảng cho học sinh, chuẩn bị cho học sinh phân luồng sau THCS. Còn giáo dục THPT bảo đảm cho học sinh tiếp cận với nghề nghiệp, chuẩn bị học có chất lượng sau THPT. Chính bậc học THPT tạo điều kiện để học sinh tập trung vào những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã thể hiện rõ tính gần gũi, thiết thực, tăng thực hành và ứng dụng theo hướng khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực bản thân. Cụ thể là các hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Thông qua việc học lý thuyết, thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng… Bằng sự tự nguyện của bản thân, chính học sinh sẽ tự khám phá, phát hiện năng lực của bản thân, rèn luyện khả năng tự học, phát huy những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.

Cần làm rõ hơn về hệ thống các môn học

Thầy Võ Đức Chỉnh cũng thể hiện sự nhất trí cao đối với việc Bộ GD&ĐT nêu ra ba hình thức đánh giá trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể:

Hình thức thứ nhất là đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân học sinh và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Hình thức thứ hai là đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp.

Hình thức thứ ba là đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy Chỉnh cho rằng với cách đánh giá này, trong tương lai, để được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh không phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay mà việc xét tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá định kỳ do chính trường THPT tổ chức thực hiện. Từ đó sẽ giảm gánh nặng xã hội trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh. Đặc biệt là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương, nhà trường.

Bên cạnh đó, thầy Võ Đức Chỉnh cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ hơn để giáo viên, học sinh hiểu về hệ thống các môn học mà dự thảo đề xuất. Trong đó nêu rõ hơn và có hướng dẫn về các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Song song đó cần quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên cho các cơ sở giáo dục để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chương trình mới khi triển khai.

“Công tác đào tạo đội ngũ giáo viên ở các trường sư phạm cũng phải vận động nhanh để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ví dụ như cấp tiểu học có các môn: Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo… thì giáo viên hiện nay có thể dạy được thông qua việc tìm hiểu, tự học. Còn ở cấp THCS và THPT có các môn mới như Công nghệ và Hướng nghiệp, Nghệ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ… thì đội ngũ giáo viên hiện tại khó có thể đáp ứng nếu không được bồi dưỡng, đào tạo lại”. Thầy Võ Đức Chỉnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ