Nữ tiến sĩ trẻ với những công trình khoa học ấn tượng

GD&TĐ - Tiến sĩ Vũ Bích Ngọc, 32 tuổi (công tác tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM), được xem là một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu Việt Nam.

TS Vũ Bích Ngọc tại phòng nghiên cứu
TS Vũ Bích Ngọc tại phòng nghiên cứu

Chị đã sở hữu 34 bài báo quốc tế, 6 chương sách quốc tế, 6 bài báo trong nước, tham gia 14 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp…

Càng nghiên cứu, càng đam mê

Sinh ra ở Thái Bình nhưng lớn lên và học tập ở Thái Nguyên, sau đó học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM, rồi ở lại làm việc chính tại ngôi trường này, TS Ngọc cho biết cơ duyên dẫn mình đến với lĩnh vực nghiên cứu khoa học khá tình cờ.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã thích kinh doanh, từng giúp bố mẹ kiếm được khá nhiều tiền từ sở thích này. Đến khi học THPT, tôi cũng không nghĩ mình sẽ theo nghiệp nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đang làm khóa luận tốt nghiệp đại học, tôi vô tình nghe về tế bào gốc, một lĩnh vực mới mẻ so với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác. Đặc biệt, việc nghiên cứu tế bào gốc còn liên quan trực tiếp đến con người nên tôi cảm thấy tò mò và quyết tâm theo đuổi, đến khi làm rồi thì thấy ‘nghiện’, không sao dứt ra được”, chị kể.

Khi mới ra trường, TS Ngọc bắt đầu thực hiện những đề tài rất cơ bản, như phương pháp nuôi cấy được một tế bào gốc để nó có thể tăng sinh nhiều hơn. Tiếp theo là tìm cách để tế bào gốc đó có thể trở thành tế bào xương, sụn hay tế bào cơ tim.

Cứ như thế, các đề tài nghiên cứu sau được phát triển dựa trên những kết quả có được từ các nghiên cứu trước. Vì vậy, mỗi đề tài/dự án chính là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình nghiên cứu vốn không ít khó khăn của chị. Khó khăn đầu tiên là thông tin về lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam còn ít nên chị phải tìm đọc tài liệu tiếng Anh. Tuy nhiên, khả năng đọc hiểu tiếng Anh của chị khi đó còn hạn chế, cộng với phải tìm hiểu xem thuật ngữ chuyên ngành đó phải diễn giải như thế nào.

Theo TS Ngọc, nghiên cứu là một nghề rất thú vị, đôi khi ngay cả các giả định ban đầu của mình đề ra cũng không dẫn đến các kết quả như  mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, những người làm nghiên cứu luôn thu nhận được nhiều thông tin mới. Đó chính là những kinh nghiệm quý giá cho các thí nghiệm về sau.

Chị cho rằng, “Nghiên cứu dự án chưa bao giờ là công việc kiếm ra tiền, mà đó là công việc tiêu tiền, vì phải theo đuổi trong thời gian rất dài. Nhưng khi đã theo đuổi thì phải theo đuổi cho tới cùng mới gặt hái được thành quả”. Và có lẽ thế, với niềm đam mê khoa học, chị đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

TS Vũ Bích Ngọc (giữa) trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp
TS Vũ Bích Ngọc (giữa) trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp 

Nhiều công trình về tế bào gốc

Với TS Ngọc, tất cả các đề tài chị thực hiện đều đáng quý và có giá trị đối với bản thân. Bởi một đề tài chị thực hiện biểu thị cho một giai đoạn trưởng thành trong nghiên cứu. Nếu không được làm đề tài trước đó thì chị sẽ không có được nhiều kinh nghiệm quý báu để các đề tài sau làm tốt hơn và tìm được nhiều cái mới hơn.

Mọi ý tưởng nghiên cứu của chị đều bắt nguồn từ việc tham dự các hội thảo, hội nghị - nơi những kiến thức chuyên sâu được chia sẻ bởi những chuyên gia đầu ngành. Nhờ thế, những dự án nghiên cứu mà chị thực hiện hoặc cùng tham gia như điều trị bệnh ung thư bằng liệu pháp miễn dịch, điều trị bệnh tiểu đường bằng tế bào gốc, nghiên cứu liệu pháp điều trị bệnh tim mạch… đạt nhiều kết quả khả quan.

Trong đó, “Liệu pháp điều trị bệnh tiểu đường đã được Bộ Y tế thông qua và đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Vạn Hạnh (TPHCM) cho kết quả điều trị bệnh khá tốt. Liệu pháp điều trị bệnh ung thư đang được Viện Tế bào gốc hợp tác cùng một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM thử nghiệm và sẽ triển khai rộng rãi trong thời gian sắp tới.

Hiện TS Ngọc cũng là thư ký và thành viên của công trình nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng, năng lực và khả năng nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y - dược và nông nghiệp”. Ngoài ra, chị cũng tham gia các đề tài cấp cơ sở như “Xây dựng mô hình tế bào gốc thần kinh để sàng lọc dược chất có tác động kích thích tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc thần kinh”, do Sở Khoa học - công nghệ TP HCM chủ trì. Nghiên cứu này mở ra triển vọng cho việc điều trị bệnh lý Alzheimer, Parkinson, những bệnh lý thoái hóa mà đến nay vẫn chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả.

Đề tài “Đánh giá tác động của các dược liệu Việt Nam trên các dòng tế bào gốc ung thư của người Việt Nam” của chị cũng được đánh giá cao. Chia sẻ về công việc nghiên cứu mình đang theo đuổi, TS Ngọc cho rằng, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta còn nhiều hạn chế. Số lượng và chất lượng các bài báo quốc tế còn ít. Số lượng sản phẩm ứng dụng ra thị trường cũng rất giới hạn

Tuy giành được rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nghiên cứu và mới đây trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 nhưng TS Ngọc rất khiêm tốn. Chị cho rằng, công việc nghiên cứu của mình chỉ thật sự ý nghĩa khi thành quả được áp dụng nhiều trên thực tế, giúp ích cho mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ