Nỗ lực vượt khó nghiên cứu khoa học giữa mùa dịch

GD&TĐ - Mặc dù chịu sự tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng thầy trò ở Cần Thơ đã nỗ lực, chung tay vượt khó để nghiên cứu khoa học.

Học sinh của Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) trong giờ thi trực tuyến Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.
Học sinh của Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) trong giờ thi trực tuyến Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.

Thầy trò cùng nỗ lực 

 Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học  vừa được tổ chức với sự tham gia của học sinh đến từ các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Mặc dù tạm dừng đến trường nhưng không gì có thể ngăn cản niềm say mê học tập, nghiên cứu, sáng tạo về khoa học kỹ thuật của học sinh. Theo đó tham gia cuộc thi năm nay có 177 dự án, tổng số dự án vào vòng chung khảo tăng 12  so với năm học 2020-2021.

Cuộc thi gồm 5 nhóm lĩnh vực: Hóa – Hóa sinh (có 11 dự án); Sinh học – Môi trường (33 dự án); Vật lí – Cơ khí (42 dự án); Tin học – Khoa học máy tính (16 dự án); Khoa học xã hội hành vi (75 dự án). 

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó GĐ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học 2021-2022 là một năm học hết sức đặc biệt. Mặc dù học sinh chưa được đến trường và gặp gỡ thầy cô trực tiếp, thường xuyên nhưng các em vẫn nỗ lực, vượt khó, tìm tòi, nghiên cứu và đã có rất nhiều dự án nghiên cứu khoa học ra đời.Các dự án vừa mang tính khoa học  vừa có ý nghĩa thực tiễn, gắn với sự thích ứng đời sống xã hội trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. 

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS TT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) cho biết năm học 2021-2022, nhà trường có 1 sản phẩm dự thi vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố, với  sản phẩm là Hệ thống phòng chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực Vật lý-Cơ khí.

"Học sinh có sự chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu, đầu tư cho sản phẩm. Sản phẩm dự thi năm nay có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, thể hiện được trình độ kỹ thuật, khả năng tích hợp các giải pháp công nghệ, khả năng lập trình trên phần mềm máy tính để tạo ra các sản phẩm hữu ích phòng dịch Covid-19 tại cơ quan đơn vị", thầy Lộc chia sẻ thêm.

Hình ảnh học trò Trường THCS TT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) tham gia dự thi qua hình thức trực tuyến.
Hình ảnh học trò Trường THCS TT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) tham gia dự thi qua hình thức trực tuyến.

Vượt khó trong nghiên cứu khoa học

Kể từ ngày khai giảng năm học cho đến nay, phần lớn mọi hoạt động giáo dục của thầy và trò đều sử dụng hình thức tổ chức trực tuyến. Thế nhưng thầy trò vẫn nỗ lực, vượt khó, tìm tòi, nghiên cứu khoa học.

"Lúc đầu cũng có chút lo lắng không biết Sở sẽ tổ chức thi như thế nào. Nhưng nhờ bộ phận kỹ thuật nhà trường đã tận tình hỗ trợ, cô và trò cũng từng bước  thích nghi, khắc phục những khó khăn cố gắng hoàn thành dự án", cô Hường chia sẻ thêm.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Hường, giáo viên bộ môn Văn của Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều), vừa qua nhà trường đã luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho thầy cô cùng học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Cô trò tiến hành nghiên cứu theo từng bước, tận dụng công nghệ thông tin tiến hành nghiên cứu và khảo sát theo phương thức trực tuyến.

Em Nguyễn Ngọc Minh Châu học sinh lớp 12A4 và em Phạm Kim Ngân học sinh lớp 11D1 của Trường THPT Châu Văn Liêm bày tỏ niềm vui khi được tham gia cuộc thi bằng hình thức trực tuyến với dự án "Hệ thống dự báo sức khoẻ và hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ"

"Điều kiện dịch bệnh đã hạn chế chúng em trong việc đi thực nghiệm, nhưng nhờ sự hỗ trợ của thầy cô và người cố vấn, em đã hoàn thành thực nghiệm sản phẩm. Dự kiến ban đầu chúng em thực nghiệm 50 bệnh nhân nhưng phải giảm số lượng thực nghiệm nhưng sai số không nhiều", em Châu chia sẻ.

Còn theo em Ngân, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc trao đổi thầy cô cũng gặp không ít khó khăn. Chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của thầy cô thông qua các hình thức trực tuyến như google meet, zoom hay qua mạng xã hội zalo... Tuy nhiên nhờ sự động viên hỗ trợ từ thầy cô chúng em cũng khắc phục và hoàn thành dự án của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ