Nỗ lực chuẩn bị giáo viên các môn mang tính chuyên biệt thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Vấn đề đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình GDPT mới, đặc biệt là với các môn mang tính chuyên biệt là vấn đề đang được ngành giáo dục Thái Nguyên nỗ lực tìm cách giải quyết.

Các giáo viên trường Tiểu học Vô Tranh (huyện Phú Lương) sinh hoạt trao đổi chuyên môn
Các giáo viên trường Tiểu học Vô Tranh (huyện Phú Lương) sinh hoạt trao đổi chuyên môn

Theo rà soát thống kê của Sở GD&ĐT Thái Nguyên, hiện nay đối với cấp mầm non, ngành chưa có biên chế giáo viên dạy trẻ làm quen tin học và ngoại ngữ (tin học và ngoại ngữ là hoạt động giáo dục tự chọn ở cơ sở giáo dục mầm non).

Trong khi đó, ở cấp tiểu học, cơ cấu giáo viên đều thiếu ở các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó đáng chú ý, thiếu khoảng 400 giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Công nghệ và Tin học.

Đối với cấp trung học cơ sở, cơ cấu giáo viên đều thiếu ở các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó thiếu khoảng 150 giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, thiếu khoảng 100 giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Riêng với cấp trung học phổ thông (bao gồm cả giáo dục thường xuyên), cơ cấu giáo viên chủ yếu thiếu ở một số môn mới như Nghệ thuật, nội dung Giáo dục địa phương, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật...

Thực tế cho thấy, hiện nay các nhà trường đang phải nỗ lực để đảm bảo về đội ngũ giáo viên các môn mang tính chuyên biệt, như: bồi dưỡng giáo viên đã từng được đào tạo nhiều môn để có thêm phương án phân công giảng dạy, hợp đồng thuê khoán giáo viên các trường trên địa bàn để đội ngũ này có thể linh hoạt giảng dạy cùng lúc một vài trường lân cận…

Tại trường Tiểu học Vô Tranh (huyện Phú Lương), năm học 2021 - 2022 dự kiến sẽ đón 5 lớp khối 1. Trong số 40 giáo viên toàn trường, có đến 8 giáo viên hợp đồng. “Chúng tôi tổ chức trao đổi học tập để những giáo viên lâu năm hỗ trợ về kinh nghiệm cho các đồng chí mới, và ngược lại các giáo viên trẻ sẽ hỗ trợ lại về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Các môn như Kỹ thuật, Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, chúng tôi bồi dưỡng chính các giáo viên chung được đào tạo 9 môn để giảng dạy” - cô giáo Vũ Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Một giờ học tại lớp 1, trường Tiểu học Phấn Mễ 1 (huyện Phú Lương)

Một giờ học tại lớp 1, trường Tiểu học Phấn Mễ 1 (huyện Phú Lương)

Với trường THCS Bình Thuận (huyện Đại từ), trong các khâu chuẩn bị cho năm học đầu tiên sẽ triển khai chương trình mới, vấn đề đội ngũ giáo viên được đặc biệt quan tâm. Các môn Âm nhạc, Tin học hiện cả trường chỉ có 1 giáo viên, việc bố trí phân công khá khó khăn, riêng đối với môn Mỹ thuật thì chưa có giáo viên nên nhà trường bồi dưỡng giáo viên Âm nhạc để giảng dạy.

“Khó khăn nhất là chuẩn bị đội ngũ một số môn mang tính chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Chúng tôi phải hướng dẫn các nhà trường cùng phối hợp để tận dụng hết nguồn giáo viên các môn này bằng cách thuê khoán hợp đồng giảng dạy” - bà Vũ Thị Bích Hường, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đại Từ trao đổi.

Trước vấn đề này, Sở giáo dục Thái Nguyên cho biết, ngành sẽ có kế hoạch về tuyển dụng hằng năm, trong đó sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên những bộ môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở nhu cầu giáo viên thực tế, ngành sẽ phối hợp, cung cấp thông tin nhu cầu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo giáo viên các cấp học, bổ sung nhu cầu giáo viên do tăng quy mô số lớp, số học sinh, thay thế giáo viên nghỉ hưu.

Đáng chú ý, ngành cũng sẽ tiến hành rà soát, cử giáo viên hiện có của cấp THPT, cấp tiểu học, THCS ở những bộ môn có tỷ lệ biên chế cao hoặc còn thừa so với định mức nhưng có năng khiếu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành (Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội..) để bổ sung cho những đơn vị còn thiếu giáo viên.

Là đơn vị đào tạo đội ngũ, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành giáo dục các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc cũng như cả nước, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trong những năm gần đây cũng đã kịp thời xây dựng kế hoạch về đổi mới mô hình, chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới.

Nhà trường đã triển khai mô hình mới trong đào tạo giáo viên THCS và THPT, từ đào tạo theo môn học (đơn môn) chuyển sang hướng đào tạo theo lĩnh vực. Hiện nay, đối với cấp THCS, nhà trường đã đào tạo giáo viên lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, tích hợp Lý - Hóa - Sinh, đồng thời chuẩn bị triển khai đào tạo giáo viên lĩnh vực Khoa học xã hội.

PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá: Mô hình đào tạo này vừa góp phần nâng chuẩn giáo viên từ cao đẳng lên đại học, vừa giúp người học có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khi có thể ứng tuyển tại các nhà trường đang có nhu cầu giáo viên các môn học mới trong chương trình.

“Cần đẩy mạnh chuyển đổi từ đào tạo đơn môn sang đào tạo giáo viên theo lĩnh vực, có thể giảng dạy được một số môn học, giúp cho công tác quản lí, vận hành, tổ chức dạy học của các trường phổ thông thuận lợi và hiệu quả hơn” - PGS.TS Mai Xuân Trường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ