Niềm tin cùng đổi mới

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới được xem như cơ hội, “cú hích” để đội ngũ giáo viên, học sinh phát huy sáng tạo, nỗ lực trong dạy và học.

GV và HS Trường Tiểu học số 2 Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí
GV và HS Trường Tiểu học số 2 Hoàng Thu Phố (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: Đức Trí

Những kết quả đạt được trong học kỳ I của cô trò lớp 1 mở ra niềm tin và hy vọng từ đổi mới giáo dục. 

Hành động từ cơ sở 

Ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Thực hiện CTGDPT mới ngành GD-ĐT Đắk Lắk xác định vai trò của GV, cán bộ quản lý (CBQL) phải thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Cùng đó coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

Ngành GD-ĐT Đắk Lắk đã tiến hành nhiều giải pháp trọng tâm để bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL triển khai CT và SGK mới. Nâng cao trách nhiệm các cấp quản lý, người đứng đầu trong việc thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL.

Trên cơ sở đánh giá chuẩn Hiệu trưởng và chuẩn GV hàng năm, ngành GD-ĐT đã xây dựng chương trình bồi dưỡng CBQL lý phù hợp với tình hình thực tế địa phương, giúp mỗi CBQL giáo dục đạt theo các tiêu chuẩn quy định.

Mặt khác, ngành thực hiện đầy đủ, có chất lượng những nội dung bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT; Làm tốt công tác điều tra, thống kê nhu cầu vị trí việc làm ở các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh để đăng ký chỉ tiêu đào tạo sau ĐH, ĐH, CĐ, trung cấp hợp lý, đáp ứng chất lượng đầu ra...

Ông Đỗ Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch (Vĩnh Phúc), chia sẻ: Để đáp ứng CTGDPT mới, Phòng GD&ĐT tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp học và đội ngũ CB, GV. Cùng đó, tổ chức tập huấn các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực cho đội ngũ GV; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBQL, GV; đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường công tác định hướng, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo của HS, GV…

Mặt khác, phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch về sắp xếp lại hệ thống trường lớp; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ MN, HS tiểu học vùng dân tộc thiểu số… nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai CTGDPT mới. 

Theo ông Phạm Thanh Hải - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ (Sơn La), triển khai CTGDPT mới, ngành GD-ĐT Vân Hồ có bước đi phù hợp. Phòng GD&ĐT tích cực phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu cho UBND huyện sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị trường học, rà soát cơ sở vật chất (đặc biệt là phòng học và phòng chức năng) đề nghị đầu tư xây dựng. Phối hợp với Phòng Nội vụ huyện trong công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, mở các lớp bồi dưỡng về hạng chức danh nghề nghiệp, tin học, tiếng dân tộc... 

Phòng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho CBQL, GV. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV đáp ứng yêu cầu CTGDPT mới.

Niềm tin, hy vọng vào đổi mới

Thầy Lê Ngọc Công – GV Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà - Lào Cai) chia sẻ: Triển khai CTGDPT mới tại huyện vẫn còn khó khăn (HS 100% dân tộc, tiếng Việt chưa thành thạo, cha mẹ thiếu quan tâm tới con cái…) nhưng quá trình dạy học, các thầy cô đã tận dụng mọi thời gian để giảng dạy, giúp HS tiếp thu bài ngay trên lớp, đạt được chuẩn kiến thức kĩ năng theo yêu cầu. Hiện cơ bản HS lớp 1 đã theo kịp CT và SGK mới. Còn một số HS chậm hơn nhưng không có tình trạng HS không biết đọc viết...

“Thực hiện CT và SGK mới đòi hỏi cần có quá trình để mọi việc đi vào nền nếp, và phát huy hiệu quả cao nhất. Do đó, chúng tôi luôn tâm niệm cần cố gắng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Với những gì được bồi dưỡng và sự tích lũy của bản thân… tôi tin đội ngũ GV sẽ hoàn thành niệm vụ được giao. Kết thúc năm học 2020 – 2021, HS đáp ứng được yêu cầu của CT và SGK mới…” - thầy Lê Ngọc Công bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) thông tin: Bên cạnh nỗ lực triển khai CTGDPT mới ở lớp 1 thật tốt, ngành GD-ĐT còn tích cực triển khai mô hình trường học hạnh phúc tại các trường trong huyện. Với hàng loạt kế hoạch, hoạt động, phương pháp giáo dục được triển khai… đổi mới giáo dục đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. “Đổi mới giáo dục không dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực của CBQL, GV toàn ngành. Nhưng khó khăn càng giúp chúng tôi thêm nỗ lực, động lực để đổi mới…” – ông Nguyễn Văn Lịch khẳng định. 

Cô Nguyễn Huyền Trang – GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu trong triển khai CT và SGK mới dần được tháo gỡ. Đội ngũ GV giảng dạy lớp 1 đã tích cực học hỏi và nghiên cứu tài liệu, CT và SGK mới, tham khảo các tiết dạy minh họa, nắm kỹ những yêu cầu cần đạt của chương trình. GV cũng tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; khai thác tối đa hiệu quả của SGK và kho học liệu điện tử…

Với quyết tâm, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai CT và SGK mới cùng những kết quả khả quan đạt được ở học kỳ I mang tới cho đội ngũ GV hy vọng, niềm tin và quyết tâm đổi mới bắt đầu từ lớp 1 và trong các năm học tiếp theo… - Cô Nguyễn Huyền Trang 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.