Những người thầy truyền cảm hứng, 3 nam sinh - 3 câu chuyện đẹp...

GD&TĐ - Nhiều hành động đẹp của học sinh, sinh viên; những tấm gương thầy cô giáo tâm huyết, sáng tạo; thu học phí bằng bitcoin của một trường ĐH; mức lương 1,3 triệu của cô giáo mầm non về hưu sau 30 năm cống hiến... là những câu chuyện về giáo dục được chú ý trong thời gian gần đây.

Những người thầy truyền cảm hứng, 3 nam sinh - 3 câu chuyện đẹp...

3 nam sinh - 3 câu chuyện đẹp

Báo Giáo dục và Thời đại đưa tin về học sinh Nguyễn Văn Long (lớp 12G, Trường THPT Tây Hiếu, Nghệ An) được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong lễ chào cờ sáng nay (30/10) bởi hành động dũng cảm cứu người thoát khỏi dòng nước lũ.

Trước đó, câu chuyện Nguyễn Văn Long trên đường đi học bất chấp hiểm nguy cứu một phụ nữ đang bị nước lũ cuốn trôi đã được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải.

Đại diện Bộ GD&ĐT trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho em Nguyễn Văn Long
Đại diện Bộ GD&ĐT trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho em Nguyễn Văn Long

Tại Hà Nội, tấm gương sinh viên Vũ Huy Cảng (Trường ĐH Điện lực) cũng được nhắc nhiều trên báo chí vì đã trả lại 320 triệu đồng khách bỏ quên. Theo vietnamnet, trên trang cá nhân của mình, nam sinh này từng chia sẻ: “It ‘s not mine. Số tiền này có thể làm thay đổi cuộc sống mình nhưng nó cũng làm cho người mất tiền đi theo 1 chiều hướng khác, nên trả lại cho họ là điều phải làm".

Được biết, nam sinh này làm thêm bằng chạy xe ôm. Trưa 20/10, người khách Cảng chở dừng lại để rút tiền tại ngân hàng, sau đó để nhờ vào cốp xe máy và bỏ quên. Cảng khi nhớ ra sự việc đã tới cơ quan Công an phường Quang Trung để trình báo sự việc.

Tấm gương người tốt việc tốt của Cảng được tuyên dương tại đêm Gala chào tân sinh viên ĐH Điện lực năm 2017 vào ngày 25/10.

Sinh viên Vũ Huy Cảng (thứ 2 từ phải sang)
Sinh viên Vũ Huy Cảng (thứ 2 từ phải sang)

Vừa tốt nghiệp ĐH nhưng Lê Huỳnh Minh Triết (22 tuổi) đã là tác giả chính của 5 bài báo quốc tế. Với điểm số toàn khóa học đạt 95.6/100, Minh Triết còn là tân thủ khoa có điểm tốt nghiệp đầu ra cao nhất trong lịch sử Trường ĐH Quốc tế TP Hồ Chí Minh.

Những thành tích đáng nể của sinh viên này được đăng tải trên báo thanh niên. Hiện, Lê Huỳnh Minh Triết đã có 2 trường ĐH của Úc chấp nhận đơn theo học và đồng ý cấp học bổng. Tuy nhiên tân kỹ sư của Trường ĐH Quốc tế vẫn đang chờ kết quả chính thức từ chương trình học bổng của Chính phủ Úc và tiếp tục nộp hồ sơ vào các trường tại châu Âu.

Thủ khoa Lê Huỳnh Minh Triết
Thủ khoa Lê Huỳnh Minh Triết

Những người thầy truyền cảm hứng

Câu chuyện thầy hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình đều đặn hàng ngày đứng ở cổng trường đón chào học sinh tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) được nhắc đến nhiều trên các báo tuần qua. Hình ảnh người đứng đầu nhà trường với nụ cười thân thiện trước giờ vào lớp hay lúc tan học tạo hình ảnh đẹp trong môi trường sư phạm của ngôi trường của thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ trên zing.vn, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức chia sẻ việc này được thầy làm từ khi bắt đầu thực hiện công tác quản lý tại trường. Khi làm hiệu trưởng THPT Nhân Chính, thầy Bình cũng đón chào, tạm biệt học sinh mỗi ngày.

Bất kể nắng mưa sớm tối, thầy hiệu trưởng đều đứng chào đón học sinh ở cổng trường.
Bất kể nắng mưa sớm tối, thầy hiệu trưởng đều đứng chào đón học sinh ở cổng trường.

Ngày 27/10, báo Tuổi trẻ đưa câu chuyên về tiến sĩ PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (sinh năm 1975) - phó chủ nhiệm khoa kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa được tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2017.

Trước đó, vào năm 2016, PGS Kim Phụng đã được trao giải thưởng Nhà khoa học ASEAN - Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học nữ công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng. Nghiên cứu để lại dấu ấn của nữ PGS liên quan đến năng lượng tái tạo.

Theo nhận xét của GS.TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM): PGS.TS Lê Thị Kim Phụng là một trong những nhà khoa học có uy tín, đạt được nhiều thành quả trong nghiên cứu. Những nghiên cứu của PGS Phụng một mặt thúc đẩy việc nghiên cứu năng lượng tái tạo ở Trường ĐH Bách khoa, mặt khác tạo ra đầu mối hợp tác nghiên cứu quốc tế với nhiều nhà khoa học trong khu vực.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - Ảnh: T.HUỲNH (tuổi trẻ)
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - Ảnh: T.HUỲNH (tuổi trẻ)

Cô Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) - tiết kiệm cho địa phương vài tỷ đồng/năm, nâng cao chất lượng giáo dục nhờ những giải pháp sáng tạo trong quy hoạch mạng lưới trường lớp.

Chia sẻ trên báo Giáo dục và Thời đại, cô Nông Thị Loan cho biết: Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp tiểu học tại Bảo Lạc đã giảm được 50 điểm trường lẻ, giảm 72 lớp ghép, dư 140 biên chế giáo viên tiểu học để cân đối bố trí cho cấp học mầm non và THCS do tăng lớp, tăng học sinh mà không được giao thêm biên chế. Từ đó, phong trào thi đua dạy học có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục tiểu học tăng lên, các lớp tiểu học dư thừa đã chuyển giao làm lớp học mầm non, nhà công vụ giáo viên, nhà văn hóa xóm.

Ước tính, trong 5 năm thực hiện quy hoạch, giải pháp của cô Nông Thị Loan áp dụng đã tiết kiệm cho nhà nước khoản kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Cô Nông Thị Loan
Cô Nông Thị Loan

Tranh cãi về thu học phí bằng bicoin

Tối 26/10, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Trường ĐH FPT - đưa một status trên facebook cá nhân, cho biết trường "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại".

Khai thác từ thông tin này, nhiều báo chí đã có những bài viết, trong đó chủ yếu xoay quanh việc liệu trường thu học phí bằng bitcoin có hợp pháp.

Trao đổi trực tiếp với Tuổi Trẻ, ông Lê Trường Tùng khẳng định đây là thông tin chính thức. Trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT.

Trước câu hỏi của báo Giáo dục và Thời đại: Xin cho biết cụ thể hơn về việc Trường ĐH FPT chấp nhận sinh viên trảhọc phí bằng bitcoin? Quy định này đã chính thức thành văn bản hay mới chỉ là dự kiến? - ông Lê Trường Tùng trả lời:

Hiểu một cách đơn giản thì như thế này: sinh viên có bitcoin có thể bán để lấy tiền nộp học phí cho trường. Trường không niêm yết học phí bằng bitcoin và cũng chưa có hạ tầng kỹ thuật để nhận hoặc mua bitcoin trực tiếp từ sinh viên.

Nhân câu chuyện của Trường ĐH FPT, Lao động cũng có bài viết, trong đó cho biết, vài năm trở lại đây, một số trường ĐH, CĐ danh tiếng trên thế giới đã chấp nhận cho học sinh thanh toán học phí bằng loại tiền bitcoin.

Mức lượng hưu 1,3 triệu của cô giáo mầm non

Cô Trương Thị Lan. Ảnh: dân trí
Cô Trương Thị Lan. Ảnh: dân trí

Chuyện cô giáo Trương Thị Lan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), công tác tại trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, sau 37 năm công tác đã rất bất ngờ trước mức lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng được đăng tải nhiều trên báo chí tuần qua.

Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội sáng 30/10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rất trăn trở về điều này. Trên vnexpress, Bộ trưởng cho biết, trường hợp cô Lan không cá biệt mà phổ biến do thang bảng lương của ngành thấp so với yêu cầu. Do đó, Bộ GD&ĐT đang làm việc với các bộ Nội vụ, Tài chính để đưa thang bảng lương vào Luật Giáo dục. Ngành đang thống kê số giáo viên về hưu lương quá thấp, nhất là đối với mầm non.

"Yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực. Trong sửa Luật Giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ