Những dấu ấn đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia 2017

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia 2017 kết thúc với những dấu ấn tốt đẹp cho xã hội. Đó cũng là những nội dung được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nêu lên trong buổi họp báo chiều nay (24/6).

Những dấu ấn đặc biệt của kỳ thi THPT quốc gia 2017

Địa phương dành mọi nguồn lực tổ chức kỳ thi

Quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành liên quan đã chủ động vào cuộc, cùng với Ngành Giáo dục tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Kỳ thi.

Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh/thành phố với sự tham gia của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến huyện, các sở, ban, ngành, các lãnh đạo trường ĐH, CĐ chủ động chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi: xây dựng và triển khai kế hoạch khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh quán triệt Quy chế thi; huy động các lực lượng xã hội tham gia phối hợp tổ chức thi; chỉ đạo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2016-2017 và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh; tập huấn kỹ nghiệp vụ và chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức thi theo quy định và chủ động truyền thông để học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu đúng về Kỳ thi.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã huy động các sở, ban, ngành trong địa phương hỗ trợ tổ chức Kỳ thi với điều kiện thuận lợi nhất. Trong suốt kỳ thi an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, việc cấp điện, nước được duy trì tại các điểm thi; không xảy ra ách tắc giao thông, đảm bảo thuận lợi cho thí sinh đến trường thi; an ninh ở các Điểm thi đảm bảo tốt. Những trở ngại do tình huống bất thường về thời tiết xảy ra ở một số địa phương; tuy nhiên, do có phương án dự phòng nên đã được khắc phục nhanh chóng.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ của truyền thông

Nhờ hỗ trợ của các cơ quan truyền thông với lực lượng đông đảo các phóng viên, nhà báo đã đồng hành với Ngành Giáo dục trước và trong Kỳ thi nên các chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh, giải đáp các thắc mắc,… đã được phổ biến rộng rãi, kịp thời trong nhân dân và học sinh; những điểm sáng trong cộng đồng đã được đăng tải kịp thời, tạo được sự đồng thuận của xã hội và ổn định tâm lý thí sinh tham dự Kỳ thi.

Thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi

Bộ GDĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo, các đoàn thanh tra của Bộ và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra cùng với các đoàn thanh tra, kiểm tra của các sở GDĐT thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của Kỳ thi tại các địa phương nhất là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập; hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn.

Kênh thông tin phong phú về kỳ thi

Để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống và tạo thuận lợi cho thí sinh, ngoài việc cung cấp đầy đủ các Quy chế, văn bản hướng dẫn và thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh tham khảo trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ (thituyensinh.vn), Bộ GDĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các giám đốc sở GDĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ ; đồng thời thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi – tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức Kỳ thi. Trung tâm Truyền thông của Bộ phối hợp chặt chẽ với các báo, đài để kịp thời giải đáp những băn khoăn và thắc mắc của thí sinh và người dân.

Công tác đăng kí dự thi, xét tuyển thuận lợi

Công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ quy định; các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT, các trường phổ thông giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi đảm bảo chính xác, đầy đủ và bảo mật tốt.

Đề thi vừa sức, có tính phân hóa cao

Đề thi gốc được bàn giao cho các cơ sở in sao sớm hơn mọi năm. Các Sở GDĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các Điểm thi của Hội đồng thi của địa phương.

Các câu hỏi trong đề thi có nội dung nằm trong chương trình lớp 12, gồm khoảng 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại và được sắp xếp từ dễ đến khó. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình lớp 12, vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục đích của Kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển ĐH, CĐ.

Kỷ cương trường thi được tăng cường

Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các Điểm thi trên phạm vi cả nước. Một vài hiện tượng tiêu cực gian lận trong thi cử được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi; Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Cả xã hội cùng hướng về thí sinh

Mặc dù thí sinh được thi tại địa phương nhưng những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh tự do cũng cần sự giúp đỡ. Do đó, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố đã thành lập 663 đội hình tình nguyện cấp tỉnh “Tiếp sức mùa thi” với 22.052 tình nguyện viên; 2.729 đội hình tình nguyện cấp cơ sở với 63.013 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh. Các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương đã hỗ trợ vật chất cho thí sinh là người dân tộc, thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được ăn ở, lưu trú gần địa điểm thi; nhiều hình thức hỗ trợ kịp thời thí sinh các tình huống bất thường. Tất cả đã tạo nên tình cảm ấm áp, môi trường thân thiện giúp thí sinh yên tâm làm bài tốt hơn.

Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau phải cách ly, không tự viết bài được cũng đã được các Hội đồng thi tạo điều kiện để có thể tham dự Kỳ thi. Quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc không được để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ