Nhiều điểm mới về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tin vui từ bảng xếp hạng Đại học quốc tế

GD&TĐ - Những thông tin liên quan Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tiếp tục thu hút quan tâm. Cùng với đó là tin vui từ bảng xếp hạng Đại học quốc tế; thúc đẩy phát triển GD vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: INT)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: INT)

Nhiều điểm mới về tuyển sinh đại học 2021

Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày 01/6/2021 do Bộ GD&ĐT ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể  từ ngày 16/7/2021).

Những điểm mới của Thông tư số 16 là: Bổ sung phương thức thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến.

Năm nay, thí sinh xác nhận nhập học thì không tham gia xét tuyển trường khác; Điểm trúng tuyển theo đơn đặt hàng (theo tiêu chí cụ thể) có thể giảm 1 điểm; Thí sinh nhập học phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT.

Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (so với năm 2020 thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện 1 lần). Đặc biệt, đối với các trường ngoài giấy chứng nhận kết quả thi THPT không được dùng bất cứ một hình thức nào khác để thay thế giấy chứng nhận xác định nhập học.

Để xét tuyển đợt 1, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào  ĐH, CĐ ngành Giáo dục Mầm non chỉ được chọn một trong hai phương thức: đăng ký trực tiếp trên Phiếu ĐKDT và ĐKXT hoặc đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của sở GDĐT và nộp lệ phí đăng ký xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: INT)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: INT)

Học sinh được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT

Nếu học sinh không dự thi, hoặc thi không đạt yêu cầu để được công nhận tốt nghiệp THPT thì sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý liên quan đến quyền lợi của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Gần đến thời điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, nội dung văn bản số 02/VBHN-BGDĐT ngày 4/5/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, về cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh không tham dự thi tốt nghiệp được quan tâm.

Hai đối tượng học sinh được áp dụng quy định này gồm: Học sinh đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức thi; Học sinh đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT, hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước.

Các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh, học viên thuộc các đối tượng nêu trên.

Như vậy, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, học sinh sẽ bớt đi nhiều áp lực bởi nếu dự thi không đỗ, hoặc vì lý do nào đó mà không thể tham dự kỳ thi, thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Việc cấp giấy chứng nhận này còn nhằm tạo thuận lợi cho người học có thể đăng ký dự tuyển vào môi trường học phù hợp hoặc đi làm.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: INT)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: INT)

Thúc đẩy giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trong tuần, Bộ GD&ĐT, Ủy ban dân tộc phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Được biết, mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài 10 năm. Chương trình gồm 10 dự án thành phần. Trong dự án 5 của Chương trình, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì tiểu dự án 1 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề GD&ĐT tại các khu vực miền núi, khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sự quan tâm này không chỉ góp phần thúc đẩy giáo dục - đào tạo nói chung, mà còn mang nhiều ý nghĩa xã hội, thể hiện chính sách ưu việt của đất nước.

Nhiều điểm mới về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tin vui từ bảng xếp hạng Đại học quốc tế ảnh 3

Việt Nam có 2 trường nằm trong tốp 400 đại học trẻ tốt nhất thế giới

Tạp chí Times Higher Education - THE vừa công bố bảng xếp hạng những đại học trẻ tốt nhất thế giới - Young University Rankings 2021. Việt Nam có hai đại diện trong bảng xếp hạng uy tín này là Đại học Quốc gia Hà Nội (top 251 - 300) và Đại học Quốc gia TP.HCM (top 401+)

Bảng xếp hạng đại học trẻ năm 2021 của THE là bảng xếp hạng riêng các đại học thế giới tốt nhất được thành lập dưới 50 năm.

Bảng xếp hạng này được sử dụng phương pháp đánh giá tương tự bảng xếp hạng đại học thế giới của THE (World University Rankings), nhưng trọng số của các tiêu chí trên được điều chỉnh lại để phản ánh sứ mệnh và vai trò của các đại học trẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục, là mở rộng quy mô và tập trung đầu tư vào nghiên cứu.

Young University Rankings 2021 xếp hạng đại học dựa trên bộ tiêu chí gồm 13 chỉ số thuộc 5 tiêu chí lớn: Giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn khoa học (30%), Triển vọng quốc tế (7,5%), Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).

Trong kỳ xếp hạng năm 2021, Young University Rankings có 475 cơ sở giáo dục đại học đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (tăng 61 cơ sở giáo dục so với năm 2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ