Nhân lực CNTT trước thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0

GD&TĐ -Trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0(CMCN 4.0) – cuộc cách mạng được hình thành từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ thông tin, ngành CNTT của Việt Nam nói chung, “dân IT” nói riêng buộc phải nhanh chóng thay đổi để không bị rơi lại. 

Nhân lực CNTT trước thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0

Không chỉ nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại năng lực của mình, đối chiếu kỹ năng công việc với tốc độ phát triển CNTT của thế giới, theo nhiều chuyên gia công nghệ, nhân lực ngành CNTT còn cần phải nhanh chóng nâng cao nghiệp vụ cho chính mình.

Gấp rút xây dựng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn

Đây không chỉ là đòi hỏi thực tế của ngành CNTT, mà còn là yêu cầu bắt buộc trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của hệ thống GDĐH nước ta. Đặc biệt với khối ngành kỹ thuật, giảng viên ngoài giỏi kỹ năng còn phải là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực và phải là người thành thạo, am hiểu thực tế.

Hiểu được thách thức và đòi hỏi của thực tế, nhiều trường đại học đã nhanh chóng kiện toàn đội ngũ chuyên gia, giảng viên trực tiếp giảng dạy.  Ngoài việc nâng cấp hạ tầng dữ liệu thông tin, cơ sở vật chất phục vụ việc học tập nghiên cứu của sinh viên, nhiều trường đã thu hút các chuyên gia đầu ngành về trường giảng dạy

Là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin GS.TSKH Hoàng Văn Kiếm – Hiệu trưởng của Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) nhìn nhận: Muốn đào tạo nhân lực ngành CNTT tốt, chuẩn, hội nhập được với thị trường quốc tế thì không thể không thu hút người giỏi về trường giảng dạy.

Vì vậy, ngoài cơ sở vật chất hiện đại, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, ngành CNTT của BVU còn quy tụ được nhiều thế hệ giảng viên kế cận, là những Tiến sĩ, Thạc sĩ trẻ, năng động, tràn đầy tâm huyết được đào tạo, tu nghiệp trong và ngoài nước như Nhật Bản, Nga, Đức, Ấn Độ bên cạnh những con người thành danh với lĩnh vực CNTT như PGS. TS. Trương Mỹ Dung.

Một lớp học Thạc sĩ của BVU nhân bằng tốt nghiệp
Một lớp học Thạc sĩ của BVU nhân bằng tốt nghiệp

Theo GS.TSKH  Hoàng Văn Kiếm, khi BVU nhận quyết định của Bộ GD&ĐT về việc được tuyển sinh và đào tạo Thạc sĩ ngành CNTT, trường đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình, nội dung đào tạo; đội ngũ giảng viên; khả năng nghiên cứu khoa học và cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện mở ngành đào tạo thạc sĩ theo quy định trước đó 2 năm.

“ Chúng tôi xác định đội ngũ giảng viên đạt chuẩn đóng vai trò nòng cốt trong việc định hình thương hiệu đào tạo Thạc sĩ ngành CNTT cho BVU. Vì vậy, song song các giải pháp thu hút người giỏi, xây dựng các chính sách đãi ngộ, đổi mới phương thức quản trị…BVU không ngừng chuẩn hóa đội ngũ theo chuẩn quốc tế suốt hai năm qua bằng việc cử giảng viên đi tu nghiệp nước ngoài, bồi dưỡng nâng cao thường xuyên hàng năm kỹ năng và nghiệp vụ nghề nghiệp. Vì vậy, có thể khẳng định đội ngũ giảng viên của BVU giờ rất ổn”- GS.TSKH  Hoàng Văn Kiếm cho biết

Thay đổi chương trình, tiệm cận những chuẩn mực quốc tế

Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực CNTT của Việt Nam đang có xu thế cất cánh nhưng nội lực thực chất vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Chính vì vậy, để CNTT (cả công nghệ phần cứng và công nghệ phần mềm) thực sự phát huy được vai trò nòng cốt của mình trong cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam thì các trường đại học – những đơn vị trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực trong lĩnh vực này phải nhanh chóng thay đổi phương thức đào tạo và đổi mới giáo trình.

Nói về sự thay đổi phương pháp giảng dạy, thích ứng với sự thay đổi và tiếp diễn không ngừng của cuộc CMCN 4.0, Tiến sĩ Phan Ngọc Hoàng – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – Điện, Điện tử của BVU chia sẻ: Hiện chương trình đào tạo ngành CNTT của BVU đã được xây dựng theo định hướng ứng dụng, đảm bảo giảm thiểu khối kiến thức hàn lâm và tập trung vào kiến thức ứng dụng thực tế.

Điển hình như chương trình đào tạo Thạc sĩ CNTT mà BVU mới được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo (từ tháng 11/2017) có thiết kế khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành gồm 42 tín chỉ/ tổng số 60 tín chỉ (chiếm tỉ lệ 70% thời lượng) bao gồm các học phần tự chọn giúp người học tiếp cận kiến thức công nghệ 4.0.

“ Điểm khác biệt của chương trình đào tạo Thạc sỹ CNTT của BVU là các học phần tự chọn được chia làm các nhóm: nhóm học phần về Phần cứng, Mạng và An ninh mạng; nhóm học phần về Hệ thống thông tin thông minh; nhóm học phần về Công nghệ phần mềm; nhóm học phần về CNTT; và nhóm học phần về Quản trị doanh nghiệp; giúp người học có nhiều lựa chọn trong việc bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực CNTT cho sinh viên”- Tiến sĩ Hoàng cho biết.

Không chỉ đào tạo chuyên sâu, giảm tính hàn lâm trong phần lớn thời lượng Đò tạo, BVU còn đào tạo nâng cao trình độ cho người làm trong lĩnh vực CNTT thông qua nhiều chương trình hợp tác. Các chương trình đào tạo này (có cả chương trình đào tạo Thạc sĩ) đều hướng đến xây dựng chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, khả năng chuyên môn để người làm trong lĩnh vực CNTT có thể tiếp tục theo đuổi nghề, để không bị đào thải và phát triển bản thân.

Đội ngũ giảng viên ngành CNTT buộc phải thay đổi, chuẩn hóa để đáp ứng những thay đổi của cuộc CMCN 4.0
Đội ngũ giảng viên ngành CNTT buộc phải thay đổi, chuẩn hóa để đáp ứng những thay đổi của cuộc CMCN 4.0

Tiến sĩ Phan Ngọc Hoàng nhìn nhận:  Qua các số liệu khảo sát nhu cầu việc làm của quốc gia, của các tổ chức dự báo nhu cầu việc làm có thể thấy nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT trong thời kỳ CMCN 4.0 đang ở mức cao nhất trong lịch sử và sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong những năm tới đây.

Với nhu cầu tuyển dụng cao, nhu cầu cần chuẩn hóa trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của nhân lực ngành này việc các trường có đào tạo Thạc sĩ ngành CNTT như BVU sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp Việt Nam có được nguồn nhân lực CNTT chất lượng, đáp ứng tiến trình hội nhập và trao đổi lao động chất lượng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Đây là thách thức, nhưng là cơ hội rất lớn để nhân lực CNTT chúng ta có thể hòa mình vào dòng chảy của cuộc CMCN 4.0 cũng như thị trường lao động thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ