Nhà giáo sáng tạo giúp tiết kiệm ngân sách hàng chục tỷ đồng

GD&TĐ - Bảo Lạc (Cao Bằng) là một trong 62 huyện khó khăn nhất cả nước. Có thời gian, nhiều lớp ghép ở nơi đây chỉ có từ 5 - 9 học sinh; học sinh rất xa nhà nên không thể trở về trong ngày nên nhiều em đi học không đều hoặc bỏ học. Việc dạy học của cô trò muôn vàn khó khăn.

Cô Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng)
Cô Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc (Cao Bằng)

Thế nhưng, nay giáo dục nơi đây đã khác rất nhiều, phong trào thi đua dạy học khởi sắc, nhiều học sinh đạt giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chất lượng giáo dục tiểu học tăng lên. Sự "lột xác" này có công rất lớn của nhà giáo Nông Thị Loan - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc.

Quyết tâm thay đổi và hiệu quả "kép"

Là huyện vùng khó, trước đây, mạng lưới trường lớp tiểu học tại Bảo Lạc đáp ứng tiêu chí gần dân, có dân là có trường. Nhưng khi quy mô dân số giảm, nhiều điểm trường lẻ tại đây trở nên rất ít học sinh.

Cô Nông Thị Loan nhớ lại: Năm học 2012-2013, huyện Bảo Lạc có 53 trường trực thuộc phòng GD&ĐT quản lý; riêng tiểu học còn 133 điểm trường lẻ, 156 lớp ghép (trong đó có 1 lớp ghép 3 trình độ), có điểm trường chỉ 3-4 học sinh/lớp.

Theo quy định, mỗi lớp tiểu học có 35 học sinh/giáo viên, nhưng ở các điểm trường lẻ, mỗi giáo viên chỉ dạy từ 5 - 9 học sinh. Lãng phí biên chế do phải tăng thêm đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học ở các điểm trường lẻ, chi phí cao nhưng hiệu quả lại thấp.

Khá nhiều hệ lụy từ thực trạng này, trong đó có việc giáo viên không có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm; học sinh không được tham gia các hoạt động, trò chơi tập thể, chất lượng dạy học không cao...

Kết thúc năm học 2012 - 2013, sau gần 2 năm giữ trọng trách là Trưởng phòng GD&ĐT, cô Nông Thị Loan luôn băn khoăn, trăn trở trước thực trạng này và quyết tâm phải tìm ra cách giải quyết.

Thời điểm thực hiện giải pháp bắt đầu từ tháng 5 năm 2013, trong dịp trao đổi kế hoạch phát triển trường lớp năm học 2013-2014, cô Loan đã quyết định chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học, phổ thông cơ sở thực hiện chuyển học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 ở các điểm trường lẻ, có số học sinh ít về trường xã, điểm trường trung tâm để học bán trú.

Bước đầu thực hiện chỉ triển khai được đối với 6 trường tiểu học, do một số hiệu trưởng chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quy hoạch dồn cụm bán trú, chưa thực sự quyết tâm thực hiện và một số trường cơ sở vật chất chưa đáp ứng tổ chức bán trú và học 2 buổi trên ngày.

Sau một năm học quyết tâm thực hiện, kết quả đạt được của năm học 2013-2014 đã giảm được 3 điểm trường lẻ, giảm được 7 lớp ghép, dư 9 biên chế giáo viên ở các điểm lẻ và sử dụng các biên chế dư này để bố trí cho các trường, điểm trường còn thiếu giáo viên.

Từ bước đầu đạt với hiệu quả kép: nâng cao chất lượng giáo dục, tinh giản bộ máy biên chế, nữ trưởng phòng GD&ĐT có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn.

Cô Nông Thị Loan (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng khen trong Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của Sở GD&ĐT Cao Bằng
Cô Nông Thị Loan (thứ 2 từ phải sang) nhận bằng khen trong Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai  nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của Sở GD&ĐT Cao Bằng

5 năm, tiết kiệm 50 tỷ đồng

Từ năm học 2013 -2014 đến năm học 2015 - 2016, sáng kiến kinh nghiệm: “Giải pháp quy hoạch mạng lưới trường lớp, thực hiện dồn, ghép lớp để tổ chức các điểm trường bán trú tiểu học trên địa bàn huyện Bảo Lạc từ năm 2013 đến năm 2016” chính thức được cô Nông Thị Loan triển khai.

Người đứng đầu ngành Giáo dục huyện Bảo Lạc đã kiên quyết rà soát, thống kê số lượng học sinh các điểm trường lẻ; xây dựng phương án dồn, ghép lớp; tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện dồn điểm trường. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, điểm trường bán trú.

"Khi đó, ngành Giáo dục huyện Bảo Lạc đã trích một phần kinh phí chi thường xuyên cho các trường tăng cường cơ sở vật chất, như: mua giường tầng cho trường bán trú THCS, mua bàn ghế bán trú 2 mặt thay thế bàn ghế cũ để học sinh tiểu học vừa có thể học vừa có thể nghỉ trưa tại trường;

Chỉ đạo dựng nhà bếp, nhà ăn, dựng thêm phòng học để đáp ứng yêu cầu học bán trú. Cấp kinh phí cho các trường mua tấm lợp, xi măng để dựng nhà bếp, nhà ăn cho học sinh bán trú, mua chăn ấm cho học sinh trong mùa đông.

Trang bị dụng cụ nấu ăn, bàn ghế ăn cho các trường tổ chức bán trú; hỗ trợ kinh phí để xây bể, mua thùng đựng nước, ống dẫn nước… để đảm bảo các trường có đủ nguồn nước sạch nấu ăn và sinh hoạt.

Vận động phụ huynh đóng góp vật liệu, ngày công giúp dựng lớp học, nhà bếp cho học sinh; vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ gạo, dụng cụ nấu ăn, chăn ấm mùa đông cho học sinh bán trú" - cô Nông Thị Loan chia sẻ.

Cùng với những việc làm trên, biên chế giáo viên, nhân viên cho các điểm trường bán trú được bố trí và tăng cường chỉ đạo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Kết quả sau 5 năm, đã chuyển đổi được 100% trường THCS ở vùng đặc biệt khó khăn thành trường PTDTBT THCS. Từ đó, thu hút trẻ trong độ tuổi đi học tăng từ 80% đến 99%; học sinh học lực yếu, bỏ học từ 5% giảm còn 1%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc, nhiều học sinh đạt giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cha mẹ học sinh phấn khởi, đồng tình hưởng ứng và đã quan tâm hơn đến công tác giáo dục.

Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp tiểu học tại Bảo Lạc đã giảm được 50 điểm trường lẻ, giảm 72 lớp ghép, dư 140 biên chế giáo viên tiểu học để cân đối bố trí cho cấp học mầm non và THCS do tăng lớp, tăng học sinh mà không được giao thêm biên chế. Từ đó, phong trào thi đua dạy học có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục tiểu học tăng lên, các lớp tiểu học dư thừa đã chuyển giao làm lớp học mầm non, nhà công vụ giáo viên, nhà văn hóa xóm.

Ước tính, trong 5 năm thực hiện quy hoạch, giải pháp của cô Nông Thị Loan áp dụng đã tiết kiệm cho nhà nước khoản kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Kinh nghiệm hay chia sẻ

Quy hoạch mạng lưới trường lớp đang được toàn ngành triển khai tích cực. Tuy nhiên, không phải ở đâu việc quy hoạch, dồn dịch mạng lưới trường lớp cũng diễn ra suôn sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm để triển khai việc này ở Bảo Lạc, cô Nông Thị Loan cho rằng, điều kiện tiên quyết là cần tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, làm tốt công tác truyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đồng tình hưởng ứng việc thực hiện quy hoạch dồn điểm trường bán trú tiểu học để tổ chức học 2 buổi/ngày.

Cùng với đó, tích cực huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, điểm trường bán trú, như dựng bếp nấu ăn, nhà ăn, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt, bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu bán trú…

Trong quá trình thực hiện dồn ghép lớp tiểu học cần hết sức lưu ý khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh, đảm bảo để các em buổi sáng kịp giờ vào lớp và khi tan học sẽ về đến nhà trước khi trời tối; không nên dồn ghép tất cả các điểm trường lẻ về trường xã vì điều kiện cơ sở vật chất không thể đáp ứng…

Sau vài năm tổ chức điểm trường bán trú tiểu học có hiệu quả, cha mẹ học sinh trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã đồng tình hưởng ứng và cho con em đến học bán trú tại các điểm trường xa nhà; có xu hướng chọn trường và muốn đưa con đến học tại trường có phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, kể cả trường thuộc xã khác cách xa nhà.

Điều này cho thấy, hiệu quả của mô hình bán trú thể hiện qua kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục học sinh. Vì vậy, khi thấy được hiệu quả, chúng ta không cần phải tuyên truyền nhiều mà cha mẹ học sinh vẫn tự nguyện tham gia, ủng hộ những chủ trương đúng. Đây cũng là niềm khích lệ động viên giáo viên, CBQL giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dục tại địa phương.

"Có được kết quả này là cả một quá trình gian nan, nỗ lực, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo phòng GD&ĐT; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thường trực Huyện ủy, UBND huyện; sự đồng tâm, ủng hộ của đội ngũ CBQL, giáo viên các trường; sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các xã; sự đồng tình, hưởng ứng của cha mẹ học sinh. Khi tất cả đều cùng chung nhận thức và cùng quyết tâm, đồng lòng thì mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng đều thực hiện thành công" - cô Nông Thị Loan chia sẻ.

Cô Nông Thị Loan là đại diện duy nhất của tỉnh Cao Bằng được lựa chọn, vinh danh trong Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào 18/10/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ