Nhà giáo quan tâm quy định mới về xếp lương, chứng chỉ

GD&TĐ - Nội dung về yêu cầu chứng chỉ trong xếp lương, thăng hạng giáo viên thu hút sự quan tâm lớn của nhà giáo và dư luận trong tuần qua. Cùng đó là thông tin về hoạt động khuyến học, xếp hạng cơ sở đại học,...

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Rà soát đảm bảo quyền lợi giáo viên về xếp lương

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp sửa đổi các quy định về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên; bảo vệ quyền lợi giáo viên khi xếp, chuyển hạng chức danh nghề nghiệp.

Đây là kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV,

Theo đó, việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy định theo thẩm quyền của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, Phó Thủ tướng yêu cầu: Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương, rà soát để sửa đổi các Thông tư có nội dung này cho phù hợp với quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Về biên chế đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát biên chế đội ngũ giáo viên, xây dựng và đề xuất lộ trình sắp xếp, tinh giản biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm nguyên tắc "ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên". Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Kể từ ngày Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/12/2021), khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên mầm non, phố thông chỉ yêu cầu mỗi giáo viên có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành.

Về giải quyết một số vấn đề còn tồn tại về giáo viên hợp đồng, giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất giải pháp phù hợp đối với những trường hợp chưa chấm dứt hợp đồng lao động, đã có thời gian giảng dạy, cống hiến, trong đó lưu ý giải quyết số giáo viên này theo lộ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học thuộc thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8589/VPCP-KGVX ngày 24/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập

Nhằm thực hiện chỉ đạo của phó Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5392 /BGDĐT- NGCBQLGD gửi các Sở GD&ĐT về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Ghi nhận vai trò của công tác khuyến học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Nếu không có Hội Khuyến học Việt Nam và các phong trào khuyến học khuyến tài thì các chỉ số liên quan đến con người, đến giáo dục khoa học Việt Nam không thể có".

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 và Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam sáng ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, đây là một sự kiện quan trọng trong phong trào khuyến học, là ngày hội của những người làm khuyến học cả nước.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự kế thừa và phát triển của Hội, nhất định Hội khuyến học Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh và góp phần ngày càng quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tổ quốc.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục kế thừa và có những bước tiến chất lượng hơn, dài hơn trong những năm tới đây cùng với đất nước.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

5 cơ sở đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu

Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities.

Kỳ xếp hạng năm 2022 có 2005 trường đại học thuộc 90 quốc gia tham gia, trong đó có 1750 trường được xếp hạng. Best Global Universities đánh giá và xếp hạng các trường đại học dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp. 

Trong kỳ xếp hạng năm 2022, Khu vực châu Á có 827 trường được tham gia xếp hạng. Việt Nam có 5 trường tham gia xếp hạng: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân (mới tham gia), Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có thứ hạng 938 thế giới, tăng 11 hạng so với kỳ xếp hạng năm 2021 và đứng thứ 3 ở Việt Nam. Đặc biệt, trong 13 tiêu chí xếp hạng của U.S. News & World Report, tiêu chí đánh giá hợp tác quốc tế của ĐHQGHN có thứ hạng cao nhất và ở vị trí 95 thế giới. Cũng trong kỳ xếp hạng này; lĩnh vực Vật lý của ĐHQGHN tiếp tục được xếp hạng và ở vị trí 635 thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ