Nhà giáo dạy học mùa dịch: Để người thầy vượt qua áp lực

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 tác động lớn đến ngành Giáo dục. Nhiều học sinh, sinh viên, giáo viên bị nhiễm bệnh, thậm chí có người tử vong.

Giáo viên chuyển sang dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch. Ảnh: INT
Giáo viên chuyển sang dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch. Ảnh: INT

Dạy và học trong bối cảnh có nhiều mối lo, theo TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công, biết cách quản lý cảm xúc cũng như sự đồng hành của ban giám hiệu, phụ huynh, sẻ chia của người học… là liều thuốc để người thầy vượt qua áp lực.

Biến áp lực thành động lực

- Theo ông, tác động của đại dịch cũng như biến động trong hình thức dạy học sẽ ảnh hưởng và dẫn tới áp lực tâm lý ra sao cho giáo viên?

- Cụm từ căng thẳng, áp lực tâm lý, stress… được các thầy cô nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Đã đến lúc cùng nhau nhìn nhận những nguyên nhân tạo ra stress, căng thẳng.

Về mặt sinh học, stress tương ứng với sự bức bách, bó buộc, những tấn công đối với cá thể, ngăn cản cá thể này sống trong hoàn cảnh, điều kiện lý tưởng và dẫn đến phản ứng nhằm thoát khỏi thực tại để có thể sống trong điều kiện tốt hơn. Về mặt tâm lý, có nhiều khái niệm về stress. Sự thay đổi của môi trường sống tạo ra một phản ứng của cơ thể. Đây là yếu tố gây stress, có thể gọi hiện tượng này là sự bức bách hay một “áp lực thần kinh”.

Con người thường có 2 nhóm phản ứng chính với hiện tượng này. Có người trốn tránh, từ bỏ, chấp nhận sống dưới mức mong đợi để giảm áp lực. Có người lại nỗ lực thích ứng với những đòi hỏi, yêu cầu của môi trường, công việc.

Trường hợp thứ 2 gọi là có áp lực mới tạo được kim cương. Như vậy, ở một góc độ nào đó, đây là phản ứng tích cực của cơ thể để thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống. Nếu quý thầy cô tận dụng được cơ hội này để thay đổi theo hướng tích cực có thể tạo nên đột phá trong sự nghiệp.

- Thời gian gần đây, một số giáo viên trong quá trình dạy học, đặc biệt dạy học trực tuyến không tiết chế được cảm xúc và có những lời nói, hành động với học sinh thiếu chuẩn mực. Điều này xuất phát từ đâu và giáo viên cần làm gì để quản lý và giải tỏa cảm xúc tiêu cực?

- Thầy cô cũng là con người và cũng chịu ảnh hưởng tâm lý như bao nhiêu người bình thường khác. Mỗi chúng ta đứng trước bất kỳ một thay đổi nào đều có thể dẫn đến tình trạng stress.

Đại dịch Covid vừa qua tác động quá lớn đến mọi khía cạnh đời sống xã hội, thầy cô, các em học sinh cũng không phải ngoại lệ. Có nhà tâm lý đã nói “khi bạn đang ở trong một đại dịch, mối đe dọa không bao giờ biến mất”. Vì vậy, đối mặt với các hiện tượng tâm lý trên, chúng ta cần đồng cảm, thấu hiểu trước tiên, thay vì phán xét. Xã hội, các thầy cô, học sinh cần một đợt “trị liệu tâm lý” cho những thay đổi quá lớn này.

Về phía giáo viên cần nhớ rằng, giáo dục chính là tác nhân khai sáng để dẫn dắt bất cứ cuộc cách mạng nào. Cuộc cách mạng 4.0 cũng thay đổi nhờ giáo dục. Vì thế hơn ai hết, thầy cô phải thích ứng, đi đầu về chấp nhận những thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này. Việc thích nghi với các thay đổi, vượt qua áp lực tâm lý để tiếp tục dẫn dắt, định hướng xã hội là điều vô cùng cần thiết.

Một số gợi ý với các thầy cô để kiểm soát các cảm xúc tiêu cực đó là: Chủ động học tập, nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy; Tập thở, vận động oxy tăng cường sức khỏe tinh thần; Có thể chuyển hóa tinh thần sang năng lượng tích cực, như nghe nhạc, viết nhật ký; trao đổi với bạn bè, tham gia các hoạt động thiện nguyện; Thiết kế bài giảng với nhiều câu chuyện, âm nhạc, video minh họa; Tập trung vào học sinh tích cực, thân thiện, coi học sinh như những người thân yêu của mình.

TS Vũ Việt Anh
TS Vũ Việt Anh

Chung tay nâng cao hiệu quả giáo dục

- Trong lớp học trực tuyến của học sinh tiểu học (đặc biệt lớp 1, 2), nhà trường, thầy cô đều khuyến khích và yêu cầu cha mẹ học cùng con. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không hiểu vai trò của mình đã học thay con. Ông có thể đưa ra những lưu ý cho phụ huynh dưới vai trò hỗ trợ con học?

- Từ mầm non sang tiểu học là giai đoạn chuyển tiếp hết sức quan trọng đối với trẻ. Trẻ đang từ môi trường chủ yếu là học, chơi tự do sang việc học có kỷ luật, đúng giờ giấc và học có định hướng nên khá vất vả. Năm nay, việc học tập trực tuyến càng làm công tác giáo dục ban đầu khó nhọc hơn. Giáo viên vừa rèn nền nếp, vừa hướng dẫn các con công cụ học tập trực tuyến, nên cũng khá áp lực dẫn đến kéo theo áp lực lên các con. Khi trẻ bị áp lực sẽ dẫn tới căng thẳng.

Trong khi đó, theo cơ chế hoạt động của bộ não, trẻ bị áp lực, khả năng tiếp thu sẽ bị hạn chế. Trong giai đoạn này, phụ huynh cần hết sức kiên nhẫn, kiên trì, không gây áp lực thêm cho con bởi sau 1 tháng, các con thích nghi với môi trường mới, phương pháp học tập mới đã có chuyển biến. Bố mẹ cũng không nên quá kỳ vọng bởi học tập là một quá trình lâu dài, không nên quá sốt ruột mà làm thay con hay học hộ con, mà cần để con tập làm quen với cách học tập và kỹ năng tư duy mới.

- Nhà trường cần có sự đồng hành, hỗ trợ giáo viên ra sao về tâm lý để quá trình dạy học trực tuyến không xảy ra những lời nói, hành động thiếu kiểm soát từ giáo viên?

- Không có công dân toàn cầu nếu không có các giáo viên toàn cầu. Mục tiêu của giáo dục là tạo ra các công dân toàn cầu, thích nghi với những đòi hỏi mới của thế giới, vì vậy, nhà trường cần hợp tác, trao đổi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong công việc dạy học.

Điều này cần sự định hướng đồng bộ từ phía nhà trường, khi có những tập huấn, hướng dẫn chung từ phía nhà trường sẽ giúp thầy cô cảm thấy an tâm, an toàn trong việc áp dụng những sáng kiến, phương pháp giáo dục mới.

Bộ quy tắc ứng xử của giáo viên, học sinh trong việc học tập trực tuyến cũng cần được ban hành. Trong giai đoạn này, nhà trường cần xác định mục tiêu giáo dục là để thầy cô và học sinh làm quen với môi trường trực tuyến, tạo dựng và hình thành thói quen mới, không nên quá áp lực về thành tích, từ đó gia tăng áp lực cho giáo viên.

- Xin cảm ơn ông!

Chúng ta luôn nhớ rằng, không có học sinh dốt, chỉ có phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Việc học tập, tìm tòi những phương pháp giáo dục mới là việc làm thường xuyên của người giáo viên thời đại 4.0. Tuy nhiên, trên hành trình này ngoài nỗ lực mỗi cá nhân không thể thiếu sự đồng hành của ban giám hiệu, đồng nghiệp và phối hợp từ phụ huynh học sinh. - TS Vũ Việt Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ