Người “truyền lửa” cho giáo viên…

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo NQ 29 đòi hỏi phải đổi mới lãnh đạo các trường học. Theo đó, hiệu trưởng phải truyền được cảm hứng cho giáo viên, nhân viên để thực hiện đổi mới nhà trường một cách sáng tạo, thúc đẩy học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực.

Chuẩn hiệu trưởng sẽ thúc đẩy thành công các hoạt động giáo dục nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho học sinh. Ảnh minh họa/internet
Chuẩn hiệu trưởng sẽ thúc đẩy thành công các hoạt động giáo dục nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho học sinh. Ảnh minh họa/internet

Do đó Chuẩn hiệu trưởng mới, với các tiêu chuẩn lãnh đạo trường học, hướng đến sự thay đổi để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà trường hiệu quả, thúc đẩy thành công các hoạt động giáo dục nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho học sinh.

Chuẩn hiệu trưởng gắn với đổi mới và phát triển nhà trường

Nhà trường phổ thông hiện nay cần có các nhà lãnh đạo hiệu quả hơn bao giờ hết để đối mặt với những thách thức và cơ hội giáo dục hiện đại và trong tương lai.
TS Ngô Thị Thùy Dương

Theo TS Ngô Thị Thùy Dương – Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam), một trong các tiêu chuẩn của Chuẩn hiệu trưởng là đổi mới và phát triển nhà trường.

Theo đó, các nhà lãnh đạo trường học cần làm cho nhà trường liên tục đổi mới, phát triển, nhằm thúc đẩy sự thành công học tập và phát triển của mỗi học sinh. Người lãnh đạo hiệu quả phải tìm cách làm cho quá trình học tập hiệu quả hơn đối với mỗi học sinh, giáo viên, nhân viên, gia đình và cộng đồng.

Mặt khác, hiệu trưởng phải sử dụng các phương pháp cải tiến liên tục để đạt được tầm nhìn, hoàn thành sứ mệnh và phát huy các giá trị cốt lõi của nhà trường. Đồng thời, chuẩn bị cho nhà trường để đảm bảo sự sẵn sàng đổi mới, cam kết và chịu trách nhiệm, phát triển các kiến thức, kỹ năng và tạo động lực để thành công trong việc đổi mới và phát triển.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng cần khuyến khích giáo viên, nhân viên tham gia vào một quá trình liên tục và khảo sát dựa trên bằng chứng, thiết lập mục tiêu chiến lược, lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá các trường học liên tục và sự cải thiện chất lượng ở các lớp học.

Cũng theo TS Ngô Thị Thùy Dương, hiệu trưởng cũng cần sử dụng chiến lược thích ứng tình huống một cách phù hợp để cải thiện nhà trường và chú ý đến các giai đoạn khác nhau của quá trình thực hiện.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống kỹ thuật thích hợp để thu thập dữ liệu, quản lý, phân tích và sử dụng, kết nối khi cần thiết với các đối tác bên ngoài, từ đó hỗ trợ việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát, phản hồi và đánh giá…

PGS.TS Trần Ngọc Giao – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục: Để Chuẩn hiệu trưởng đi vào cuộc sống, giai đoạn này rất cần tổ chức, sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm của các hiệu trưởng và các cán bộ lãnh đạo quản trị trường học.

Cần tổ chức đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán, làm cố vấn, theo sát chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ công tác quản lý lãnh đạo một mặt để nâng cao hiệu quả, phát triển năng lực cho hiệu trưởng. Qua đó có sự đối chiếu nhìn nhận và đánh giá sát đúng, nhẹ nhàng năng lực của hiệu trưởng theo chuẩn.

Để thực hiện định hướng quản lý theo hướng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các cơ quan quản lý về giáo dục cần chuyển từ kiểm soát chỉ đạo chặt chẽ sang thực hiện cơ chế giám sát, hướng dẫn thực hiện quy định pháp lý và các tiêu chuẩn tiêu chí quản lý chất lượng giáo dục.

Hiệu trưởng cần làm cho nhà trường liên tục đổi mới, phát triển. Ảnh minh họa/internet
Hiệu trưởng cần làm cho nhà trường liên tục đổi mới, phát triển. Ảnh minh họa/internet

Chuẩn hiệu trưởng, nhìn từ các nước “láng giềng”

Lấy ví dụ từ đất nước “láng giềng” của Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Học viện Quản lý Giáo dục – trao đổi: Vào những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu thực hiện phát triển tính chuyên nghiệp của hiệu trưởng trường học bằng việc nghiên cứu xác định các chức năng cốt lõi của hiệu trưởng và xây dựng chương trình bồi dưỡng.

Trung Quốc đã ban hành Chuẩn trình độ quản lý trường học làm cơ sở để đánh giá hiệu trưởng và định hướng cho hiệu trưởng tự bồi dưỡng, bao gồm các tiêu chuẩn về quản lý hành chính, quản lý đạo đức, quản lý giảng dạy, quản lý giáo dục, quản lý công chức và quản lý tổng vụ.

Với mục tiêu nâng cao tác nghiệp cho hiệu trưởng, các chương trình bồi dưỡng đặt trọng tâm vào các vấn đề như: Hoạch định chiến lược phát triển trường học, quản lý sự thay đổi, quản lý lãnh đạo trường học hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vì một xã hội phát triển hài hòa…

Hay như ở Thái Lan, Vương quốc này đã chú trọng bồi dưỡng hiệu trưởng trường học để giúp họ có khả năng quản lý nhà trường một các tự chủ. Họ thực hiện các nghiên cứu để xác định các năng lực mà hiệu trưởng cần có để tiến hành cải cách giáo dục. Đồng thời họ cũng chỉ rõ các chỉ báo để xem xét hoạt động quản lý nhà trường.

“Thái Lan cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ bồi dưỡng hiệu trưởng phải xây dựng các chương trình bồi dưỡng cụ thể và tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập để giúp hiệu trưởng có được các năng lực đó. Các khóa bồi dưỡng hiệu trưởng được thực hiện trên cơ sở khảo sát thực tiễn và nhu cầu của hiệu trưởng” - tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ