Người thầy truyền chữ Khmer cho trẻ nghèo

GD&TĐ - Khước từ nhiều lời mời công việc hấp dẫn sau khi ra trường, thầy Sơn Tuyền quyết tâm trở về nơi sinh sống để dạy lại cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Với sự năng nổ và nhiệt tình, thầy Sơn Tuyền mong muốn giữ gìn giá trị văn hóa để học trò Khmer thêm yêu ngôn ngữ dân tộc…

Người thầy  truyền chữ Khmer  cho trẻ nghèo

Nung nấu ước mơ dạy chữ Khmer

Thầy Sơn Tuyền sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh (Cà Mau). Nơi đây có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Hơn ai hết, thầy Sơn Tuyền nhận thấy rằng ngôn ngữ chữ viết của dân tộc Khmer đang dần bị mai một. Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ thầy đã nung nấu tâm nguyện đóng góp một phần công sức cho “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình.

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi cộng với sự năng nổ, nhiệt tình, lại từng được tu học trong chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) theo truyền thống của dân tộc Khmer, do đó trong thời gian học thầy cũng thông thạo được ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình.

Sau khi kết thúc khóa tu, để nuôi dưỡng ước mơ của mình, thầy Sơn Tuyền tiếp tục lên tỉnh Sóc Trăng thi và trúng tuyển lớp Đại học Ngữ văn Khmer Nam Bộ.

Sau hơn 4 năm học tập, đến năm 2010, thầy Sơn Tuyền nhận được bằng Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer và trở về quê hương dạy chữ Khmer cho con em vùng đồng bào dân tộc nơi mình sinh sống.

Thầy Sơn Tuyền chia sẻ: “Thật ra khi mới ra trường tôi được nhiều trường học trong và ngoài tỉnh mời dạy chữ Khmer tại các trường THCS và THPT, nhất là những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Nhưng tôi đều không nhận lời vì mục đích của mình đi học là để về dạy lại cho con em đồng bào dân tộc, chính nơi mình sinh sống. Mong muốn lớn nhất của tôi là giúp con em đồng bào Khmer tại địa phương không bị mai một ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình”.

Tính từ năm 2010 đến nay, mỗi năm chỉ được dạy vỏn vẹn 3 tháng hè, năm nào thầy Sơn Tuyền cũng đảm nhận từ 1 - 2 lớp, lớp 1 tại xã Khánh Hội và lớp 2 tại xã Khánh Hòa với tổng số hơn 70 em học sinh.

Tuy số học sinh tham gia học không nhiều nhưng với những gì thầy Sơn Tuyền mang đến cho các em học sinh vùng quê nghèo này là cả một công trình, với đầy đủ niềm vui, nỗi buồn và có cả sự khó khăn vất vả.

Vượt khó, vận động học sinh đến lớp

Khánh Hòa là xã nghèo vùng sâu, đời sống còn khó khăn nên người dân hàng ngày phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Từ đó các gia đình ít quan tâm đến việc học tập của con em, có gia đình muốn cho con đi học nhưng không có điều kiện.

Vì lý do này nên việc đến trường của các em gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn gia đình không có định hướng cho con em đến trường học tập lâu dài và cũng không mấy mặn mà với con chữ!

Không khuất phục với những khó khăn đó, thầy Sơn Tuyền đã không ngại nắng mưa đi đến từng nhà vận động gia đình tạo điều kiện cho các em được đến lớp. Thầy ân cần giải thích cặn kẽ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng thời, thầy cũng tích cực vận động các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân hỗ trợ tập, viết, xe đạp để các em đến trường. Nhờ vậy mà từ đó đến nay lớp học nào do thầy Sơn Tuyền đứng lớp cũng đều đảm bảo sĩ số và đạt kết quả cao trong học tập.

Ông Danh Hoài Riêm - Trưởng ấp 6, xã Khánh Hòa - cho biết: “Thầy Sơn Tuyền là một trong những người thầy có tâm huyết, đạo đức tốt, thầy đã có nhiều nỗ lực trong việc giảng dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc.

Những năm qua, thầy đã đào tạo hàng trăm em học sinh tại địa phương, giúp cho các em biết đọc, biết viết ngôn ngữ của dân tộc mình. Qua đó, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp các em học sinh thêm yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình hơn. Thầy thật sự là tấm gương sáng để nhiều giáo viên khác noi theo…”.

Với sự nỗ lực và thành tích đạt được, thầy Sơn Tuyền đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen và bằng khen, đặc biệt là được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau tặng bằng khen về thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Khmer tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ