Người điều phối lớp học trong cuộc cách mạng 4.0

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiêp 4.0 đòi hỏi giáo dục phải thay đổi phương thức và phương pháp đào tạo. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. 

Lớp học thông minh
Lớp học thông minh

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội – chia sẻ một số giải pháp vừa có tính vĩ mô và vi mô trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trước những thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc cách mạng số, đón đầu những thay đổi ở giáo dục phổ thông.

Đào tạo giáo viên với vai trò là người điều phối, cố vấn trong dạy học

 PGS Nghiêm Đình Vỳ

PGS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh: vai trò giáo viên trong thế kỷ 21 không chỉ là người truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống, mà chuyển sang vai trò mới với tư cách người điều phối một cách linh hoạt hơn hoạt động học tập, theo hướng năng động.

Thầy giáo sẽ là người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập cho sinh viên, họ sinh. Giáo viên cần tăng cường sức sáng tạo, hiểu được sự ham hiểu biết và động cơ học tập của người học. Như thế giáo viên phải là người cố vấn giúp HSSV biết giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới trong cuộc cách mạng 4.0.

Để có khả năng sáng tạo, người thầy cần làm cho người học biết phê phán độc lập, hợp tác, cộng với những gì họ cần biết. Vai trò của giáo viên nói trên cũng chính là những năng lực nghề, năng lực sáng tạo mà cần phải đào tạo cho người thầy.

Người thầy phải hướng vào các vấn đề cảm xúc và xã hội tác động lên việc học của trò và sẵn sàng tạo ra sự thay đổi khi việc học của trò gặp khó khăn.
 

Từ phân tích này, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, các trường sư phạm và trường giáo dục phải trang bị cho người thầy kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin; người thầy phải có ảnh hưởng tới cách tư duy của trò. Giá trị của người giáo viên không phải là giảng bài mà là hướng dẫn và xúc tác giúp sinh viên biết tự định hướng trong việc học của họ.

Điều quan trọng nhất, việc học qua mạng liên quan đến phát triển bồi dưỡng chuyên môn để giáo viên sử dụng được nguồn lực số một cách tinh thông, có thể tạo ra môi trường số hóa tác động tiếp theo lên quá trình dạy-học.

Người thầy bắt buộc phải sử dụng nguồn lực thư viện điện tử để gia tăng quá trình dạy-học. Đồng thời, phải tìm ra các phương thức và cấu trúc hỗ trợ có sẵn để sinh viên phát triển các kỹ năng như học tương tác, học cộng tác và học độc lập giữa sinh viên với nhau.

Vai trò giáo viên mở rộng sang nuôi dưỡng lối tư duy phê phán, sáng tạo cho sinh viên, học sinh để biến đổi họ thành những người biết cách tự học và đổi mới suốt đời.

Đó là chức năng sống còn của người thầy có am hiểu công nghệ nhằm trao quyền và cho phép bản thân họ cũng như học trò của họ sử dụng các công cụ và công nghệ khác nhau để cải tiến quá trình dạy-học.

Họ phải có các kỹ năng của mình trong các quan điểm, phương pháp dạy-học có tính cạnh tranh với công nghệ số. Việc quản lý nội dung và kiến thức cần năng động để giáo viên tồn tại trong môi trường số.

“Trong kỷ nguyên số này, vai trò người thầy đã chuyển dịch từ chỗ chỉ truyền thụ kiến thức sang quản lý các hành vi tình cảm và xã hội của sinh viên; là cố vấn thông thái cho họ học tập và phát triển toàn diện thành công dân cân đối; biết tạo động cơ cho các sinh viên học chậm hay học nhanh trong môi trường số.

Người thầy phải hướng vào các vấn đề cảm xúc và xã hội tác động lên việc học của trò và sẵn sàng tạo ra sự thay đổi khi việc học của trò gặp khó khăn.” – PGS Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ

Đào tạo giáo viên có năng lực sáng tạo với vận dụng CNTT trong dạy học

Nữ sinh sư phạm
 Nữ sinh sư phạm
Đội ngũ dạy học phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại gắn với CNTT.
 

PGS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh: CNTT giúp cho những người thầy giỏi có thể tiếp cận cùng lúc với nhiều học sinh ở nhiều nơi, bất kể khoảng cách xa, gần. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do CNTT đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp học sinh phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh.

Sự phát triển của CNTT với các ưu thế nêu trên dẫn đến sự ra đời của các đại học “từ xa”, đại học “ảo”. Khái niệm “ảo” là vì nó khác lạ so với mô hình đại học truyền thống, đúng ra nó vẫn là thực, cuộc sống thực, phương thức đào tạo thực, của thời đại CNTT, mà tôi nghĩ rằng, trong tương lai, mô hình này sẽ khá phổ biến trong đào tạo đại học.

“Rõ ràng là người thầy giỏi CNTT, cũng là người thày có năng lực sáng tạo, là một trong những giải pháp mà các trường đại học sư phạm, đại học giáo dục cần đào tạo trong kỉ nguyên kĩ thuật số” – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh.

Trường sư phạm phải đi trước sự đổi mới ở trường phổ thông

Người thầy bắt buộc phải sử dụng nguồn lực thư viện điện tử để gia tăng quá trình dạy-học

PGS Nghiêm Đình Vỳ

Cùng với hai giải pháp trên, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, các trường đai học sư phạm, trường đại học giáo dục phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo hướng thực học, thực nghiệp, có năng lực sáng tạo.

Các cơ sở đào tạo giáo viên, cần liên kết với các sở GD&ĐT của các tỉnh, các trường phổ thông gia tăng mức độ huấn luyện đối với giáo sinh thưc tập và cả giáo viên tập sự.

Sắp tới, giáo dục phổ thông có nhiều thay đổi, nên ngay từ bây giờ, các trường sư phạm phải đi trước sự đổi mới ở trường phổ thông. Để đổi mới chương trình, sách giáo khoa một cách hiệu quả, các trường, khoa sư phạm cần vào cuộc.

Có thể coi đây là liên kết tay ba giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý, cơ sở sử dụng nguồn lực. Quá trình học tập để trở thành thầy giáo phải tập trung vào việc làm cho những kinh nghiệm thực tiễn của người đi trước thích nghi với nhu cầu của sinh viên trước khi ra trường, cũng như quá trình tập sự.

Một giờ học thông minh tại trường THPT Phan Đình Phùng Hà Nội
 Một giờ học thông minh tại trường THPT Phan Đình Phùng Hà Nội

Gợi ý của PGS Nghiêm Đình Vỳ: Có thể thành lập một Trung tâm nghiệp vụ bảo đảm mỗi giáo viên mới vào nghề đều có một giáo viên dày dặn kinh nghiệm, có năng lực nghề giỏi kèm cặp với tư cách một người cố vấn và sẽ hoạt động trong một nhóm giáo viên với nhiều mức độ kinh nghiệm khác nhau, trong đó có kinh nghiệm dạy học nhằm phát huy vốn kinh nghiệm và phát triến năng lực hiện có.

Đây cũng chính là cơ hội để phát triển năng lực nghề, năng lực sáng tạo của người học qua trải nghiệm thực tiễn ở phổ thông.

Điểm mới cần làm là phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp với sự đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là chương trình các ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp, liên môn ở các mức độ phù hợp.

Tiến hành cải cách trong đào tạo giáo viên, về tài liệu giảng dạy và những tri thức mới trong phương pháp dạy học. Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn về khoa học giáo dục, nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục của thế giới, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo viên, nhằm bồi dưỡng năng lực nghề, năng lực sáng tạo cho giảng viên, sinh viên, giáo viên.

Đồng thời, yêu cầu cao trong tuyển sinh sư phạm, tuyển dụng giáo viên và giảng viên vào các trường sư phạm những học sinh xuất sắc có đạo đức tốt, có trình độ, có kết quả học phổ thông giỏi và có trình độ ngoại ngữ tốt.

“Bí quyết đào tạo bồi dưỡng năng lực nghề, năng lực sáng tạo cho giáo sinh, giáo viên bên cạnh khoa học cơ bản, khoa học giáo dục, còn là ngoại ngữ và công nghệ. Đó là chưa nói đến cần có chế độ tôn vinh, đãi ngộ với nhà giáo thì sẽ lôi cuốn được người giỏi, người có năng lực vào nghề sư phạm”  PGS Nghiêm Đình Vỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ